Bác Rùa nọ

(Dân trí) - Lớp tôi hồi ấy có một anh dáng người nhỏ nhắn "khinh đời không thèm lớn", đã đi học muộn lại trượt đại học một năm, vậy nên trở thành "cây cao bóng cả, cây ngả bóng tròn" của lớp.

Đôi khi anh lại ho lụ khụ, phều phào than: "Anh già rồi nên không nhanh nhạy bằng các chú". Anh luôn lý luận, biện hộ về cái sự "không thích nhanh" của mình: "Người ta hơn mình cái giàu sang, mình hơn họ cái đàng hoàng. Cứ từ từ đi đâu mà vội...".

 

Tôi là con bé nhanh nhảu, người khác chưa mắng song có khi đã cãi xong xuôi, nên không thể dễ chấp nhận người mà "quan năm cũng ừ, quan tư cũng gật" tháng hai nói được một câu, tháng mười được câu tiếp theo thế.

 

Anh chậm chạp và dờ dật, dáng đi "lù đù như chuột chù phải khói", khiến tôi nhớ đến "Bà rùa ấy" trong truyện đọc lớp năm. Bà hứa may tặng nhà Thỏ quần áo, từ sơ sinh cho Thỏ con Phrít, đến áo cưới rồi cả áo chịu tang của vợ Phrít... Cuối cùng đã mang tặng tất cả chúng cho đứa con thứ hai của vợ Phrít với một ông Thỏ cao lớn. Câu truyện ngụ ý châm biếm những người tốt bụng, nhưng lại chậm chạp, rút cục chẳng giúp gì cho ai. Nhân vật "bà Rùa" là hình ảnh sinh động và tức cười về kiểu người ấy.

 

Anh Rùa bạn tôi, cũng rất tốt, hiền lành nhưng đôi khi khiến người khác khó chịu, vì trong cuộc sống vốn rất cần sự hoạt bát, nhạy bén. Nhớ hôm, lũ sinh viên chúng tôi ở ký túc xá, quê xa chẳng thể về nhà liên tục, liền góp tiền tổ chức bữa ăn tươi, nấu nướng rôm rả, tất cả đều vui vẻ.  

 

Đến bữa, ngó nghiêng không thấy bác cả đâu nên cắt cử một tên về phòng gọi. Nó hớt hải chạy đi rồi chạy về nói: "Bác cả bảo cứ chén dần đi, bác đang bận nuôi nốt đám mộc nhĩ". Cả bọn cười rầm rầm, ra là anh còn "tham giấc ngủ hơn đùi con trâu", phen này mà đến sau, tha hồ "đánh chén" nhé!

 

Cả bọn ăn xong anh Rùa mới lò dò xuất hiện, mấy đứa nhấm nháy nhau lủi đi cả, còn lại tôi và một tên nữa ngồi lại tiếp. Đến lúc thấy trên mâm, miếng thịt cuối cùng sắp sửa trôi tuột, hai đứa đồng thanh: "Trăm năm Kiều vẫn là Kiều/ Ăn sau rửa bát là điều đương nhiên". Rồi kéo nhau ù té chạy ra quán nước cả bọn đang chờ, vẫn kịp nghe tiếng anh Rùa hát, quẳng với theo: "Suốt đời anh, vẫn mãi là người đến sau...".

 

Cũng nhờ việc chậm như rùa mà bác cả thi lại liên tục, do không bắt kịp với tiến độ học hành, thi cử thần tốc. Hôm đúng vào ngày thi lại, thi ca sáng bác lại ngỡ buổi chiều nên vẫn thong thả cố rốn ở lại nhà thêm chút nữa với thầy u. Chiều đến nơi đã thấy dán danh sách học lại trên cửa lớp. Vì lẽ đó bác ra trường sau chúng tôi một năm. Tốt nghiệp, cả lớp bùi ngùi tạm biệt, lúc này bác mới gửi đến tôi ánh mắt biết nói, nhưng tôi cúi mặt không nỡ nhận, chắc gì đã gặp lại nhau mà...

 

Sau đó tôi bặt tin tức của các bạn, đa phần họ đều rời quê đi làm xa, giờ liên lạc cũng khó vả lại làm gì có thời gian. Vô tình nghe lớp trưởng kể, hôm gặp lại bác cả, bác chậm rãi nhả từng từ: "Mình có tâm sự, một niềm riêng từ năm học đầu tiên, muốn gửi đến cô gái có lúm đồng xu duy nhất của lớp, không biết ý cô ấy thế nào, nhờ cậu chuyển lời giúp".

 

Nghe xong tôi bỗng đỏ mặt, hơi hơi bâng khuâng. Sau về nghĩ lại lăn ra cười vì đã bao năm, giờ mới nói thì có nghĩa lý gì.

 

Chuyện cũng chỉ dừng lại ở đó, rồi tôi quên dần, kỉ niệm bị bao việc vặt thường nhật giúi vào tít sâu trong ký ức. Mãi có một lần không rõ ai cho mà bác Rùa lại biết số điện thoại của tôi. Bác hỏi tôi về cuộc sống, công việc và tình yêu: "Ra trường lâu thế, chắc ổn định lắm rồi nhỉ? Tính chuyện một nửa, vuông tròn đi thôi".

 

Tôi ậm ừ: "Thì cũng đang ạ!" Và hỏi gần hỏi xa, chả qua hỏi thật. Bác Rùa nhỏ nhẻ thăm dò tôi: "Thế sắp cưới chưa?". Dẫu biết sẽ làm bác thất vọng nhưng tôi cũng không thể trả lời khác, nên nói còn khẽ hơn: "Sang tháng thì em đẻ anh ạ".  

 

Không gian im lặng bao trùm, tôi nén cười và tưởng tượng cảnh chiếc điện thoại của bác đang chới với như sắp rơi nhưng bác thì cứ đủng đỉnh mãi mới cúi xuống nhặt.

 

Tiếp sau là một loạt những câu thăm hỏi, chúc tụng nhau những điều tốt lành, mẹ tròn con vuông. "Chúc anh sớm tìm được một nửa".

 

Tắt máy, chào tạm biệt bác Rùa nọ xong, tôi lẩm bẩm: "Bác Rùa vẫn mãi là bác Rùa", rồi mỉm cười nói với đứa con sắp chào đời của mình: "Đừng bao giờ cho phép mình lề mề, con nhé!".

 

Thiều San Ly