Ăn Tết kiểu mới

Ngày đầu năm, nhà vắng tiếng cười vui, trò chuyện nhưng chuông điện thoại réo liên tục. Ông bà lão tay chân lóng ngóng gõ bàn phím, nhìn chăm chú vào webcam... Đó là những hình ảnh không còn quá hiếm trong các gia đình vào Tết nay.

18 giờ mùng một Tết, chị Thục Chi ở quận 7, TP HCM, gọi điện thoại rủ người em họ đi chúc Tết như mọi năm. Giọng cô em vui vẻ trả lời: "Chị chúc giùm luôn phần của em nghe, vợ chồng em đang vi vu ở Singapore, ngày kia mới về".

 

Ngỡ mình nghe lầm, chị hỏi lại: "Gì? Cô đang ở đâu?". Cô em vẫn hớn hở: "Em đang ở đảo Sentosa, vui lắm, ngày mai sẽ vòng qua Malaysia, mốt mới về Việt Nam. Chị thích gì em mua cho?".

 

Chị kêu lên: "Ba ngày này sao không ở nhà chơi với ông bà mà đi lung tung vậy?" Cô em cười khanh khách: "Chị lạc hậu thế, ngày xuân là để thư giãn chứ có phải ở nhà rửa bát đâu. Em hoàn thành nghĩa vụ với các cụ từ ngày hai tám rồi".

 

Xu hướng đi du lịch vào dịp xuân như trường hợp của em chị Chi hiện nay không còn cá biệt. Chị Nguyễn Chu Phúc Lan, làm việc ở một công ty đa quốc gia ở TP HCM, cho biết, gia đình chị thường lên kế hoạch ăn Tết từ đầu tháng 12. Khi ấy, cả nhà cùng bàn luận về điểm đến, rồi chọn tour, đặt phòng sớm kẻo hết chỗ. "Mấy năm trước, chúng tôi đi Sing, đi Thái. Năm nay vì phải chi một khoản khá lớn cho con gái du học nên túi tiền không được rủng rỉnh, chỉ đi du lịch trong nước thôi", chị Lan kể.

 

Chị phân trần: "Bình thường, chúng tôi bận bù đầu, làm gì đi du lịch được, nếu có́ cũng không thoải mái về thời gian và tiền bạc, gia đình lại chẳng có cơ hội đi cùng nhau. Chẳng lẽ hai vợ chồng cùng nghỉ phép một lúc, con cái lại xin nghỉ học để đi chơi?"

 

Nói đến đi du lịch một mình, chị Lan rụt cổ: "Ai đời đi chơi mà nhân viên cứ điện thoại réo rắt hỏi công việc. Chồng thì í ới bảo: "Liệu về sơm sớm, con quấy cả đêm, anh nhức đầu, chóng mặt quá".

 

Chị Thu Hương, phóng viên của một từ báo trung ương đóng tại quận 3 TPHCM, cũng thuộc những người thích sum họp gia đình theo kiểu mới. Có năm hai vợ chồng chị đi riêng, có năm đi cùng gia đình chồng. Dù thế nhưng truyền thống lễ nghĩa vẫn phải duy trì. Trước khi đi, vợ chồng chị phải thực hiện thủ tục nghiêm chỉnh với ông, bà, cha mẹ và các bậc trưởng lão trong dòng họ. Mâm quả, cây cảnh trong nhà phải lo đầy đủ. Ngày rước ông bà tổ chức sớm một tí, ngày đưa sẽ dời lại nếu về muộn. Nhất nhất trong các lễ, không ai được vắng mặt.

 

Với nhiều người, Tết không phải là dịp để xả láng, mà lại là cơ hội "cày". Sáng mùng một Tết, nhà hàng của chị Bình Minh ở quận 1, TP HCM, tấp nập khách ra vào, nhân viên chạy tới chạy lui tíu tít. Chị Minh mặt tươi như hoa, luôn miệng câu "chúc mừng năm mới" với từng người khách.

 

Theo chị, mấy ngày Tết khách trong nước, nước ngoài đến Sài Gòn nườm nượp. Họ cũng có nhu cầu ăn uống, mua sắm. Tết nhất, ai cũng hào phóng. Bán một ngày Tết bằng ba bốn ngày thường, bỏ qua rất uổng.

 

Chính vì thế, gia đình chị chấp nhận phá lệ cũ, ở lại thành phố để kinh doanh. Trước kia, cứ chiều 30 Tết, cả nhà tay xách nách mang về Tiền Giang đón xuân cùng bên ngoại rồi qua Long An ăn Tết với bên nội, hết tuần mới lên lại thành phố.

 

Năm nay, nhà hàng của chị mở cửa suốt những ngày đầu năm, không nghỉ buổi nào. "Năm đầu phá lệ, tôi cũng buồn lắm, nhớ cha mẹ già, anh em ở quê muốn đứt ruột. Thế nhưng phải tự an ủi, ráng 'cày' ba ngày xuân để có tiền lo cho cha mẹ, anh chị em nhiều hơn", chị Minh tâm sự.

 

Vốn tính chu đáo, trước ngày đưa ông Táo về trời, vợ chồng chị đi siêu thị mua bánh kẹo, lạp xưởng, mứt khô, quần áo rồi gửi xe hàng mang về quê biếu gia đình, họ hàng. Qua rằm tháng Giêng, khi lượng khách tương đối giảm, vợ chồng chị mới đóng cửa tiệm, về quê ăn Tết muộn.

 

Chị Đoan, bác sĩ chuyên khoa tim mạch, cũng phải "hy sinh" những ngày xuân cho công việc. Mấy năm trước còn thong thả, gần đây chị làm thêm ở một bệnh viện tư nhân nên ngày Tết vẫn tất bật với bệnh nhân. "Bệnh tật đâu có tránh mấy ngày xuân. Đi làm Tết, người bệnh yên tâm hơn, mình cũng có thêm thu nhập", chị nói.

 

Lúc đầu, mẹ chị phản ứng rất quyết liệt. Bà bảo, nếu chị yêu tiền hơn gia đình, bà sẽ không nhìn mặt. Chị phải nước mắt ngắn dài, thuyết phục mãi bà mới nguôi nguôi.

 

Chồng chị vốn là "dân" vi tính, sợ mẹ vợ còn giận nên lặn lội về quê ráp nguyên dàn máy với webcam để ngày xuân, cả nhà giao lưu với nhau trên màn hình và chiếc điện thoại.

 

Xã hội ngày càng hiện đại, văn minh, các giá trị truyền thống cũng dần thay đổi. Thức thâu đêm để canh nồi bánh tét, bánh chưng, cặm cụi làm từng lọ dưa, hũ hành chẳng còn là chuyện của các bà nội trợ ngày nay. Không ai dự trữ lương thực, thực phẩm dài ngày như trước kia, cần gì vào siêu thị, chợ là có đủ.

 

"Mình cũng muốn thể hiện tài nữ công gia chánh trong mấy ngày này nhưng nhà bằng lỗ mũi, lấy đâu ra chỗ để phơi dưa hành, củ kiệu. Mình lại đi làm tới ngày 29 Tết, người giúp việc về quê, thời gian dọn dẹp nhà cửa còn không có nữa là", chị Nguyệt Nga, nhân viên một công ty kinh doanh công ty ở quận 3, TP HCM, phân bua.

 

Truyền thống sum họp gia đình: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thày" cũng dần mai một hoặc thay đổi cho phù hợp với cuộc sống mới. Trước đây, thiên hạ bằng mọi cách về đoàn tụ với gia đình. Ngày nay, với nhiều người, điều đó không còn quá quan trọng nữa.

 

Những người lớn tuổi bao năm đã quen với cảnh đại gia đình quây quần bên nhau, chụp ảnh lưu niệm sẽ cảm thấy hụt hẫng, trống vắng khi một thành viên nào đó không có mặt. Có người thông cảm, nhưng cũng có cụ rất khắt khe, buộc con cháu phải tuân theo nếp nhà, nếp quê, ba ngày Tết dù xa xôi cách mấy cũng phải về thăm cha mẹ, họ hàng.

 

Nhiều người trẻ ưa bay nhảy khi lâm vào tình cảnh năm nào cũng phải về quê, phụ bày mâm dọn cỗ, ngồi nghe ông bà "ôn cố tri tân" hàng giờ lại cho đó là một cực hình. Ngoài mặt, họ tỏ ra thành kính nhưng trong bụng không vui.

 

Một nàng dâu trẻ lần đầu tiên về quê đón xuân với nhà chồng than thở: "Tết có vui vẻ gì. Đi xa đã mệt lại chẳng được nghỉ ngơi, mấy ngày này tôi mệt muốn đứt hơi vì phải phục vụ nhà chồng, khách khứa rồi cười nói, thưa gửi sái cả quai hàm".

 

Trong khi đó, một cô dâu trẻ khác lại hớn hở: "Từ nhỏ đến lớn em chỉ nghe nói đến cảnh ngồi canh nồi bánh chưng, giờ mới biết nó vui và ý nghĩa lắm. Anh chị em trong nhà ngồi trò chuyện, hát hò cả đêm, có giận hờn gì nhau cũng xí xoá hết".

 

Chị Phúc Lan, người "ăn Tết kiểu mới" cũng khẳng định, truyền thống sum họp ngày Tết vẫn rất cần, nhất là với trẻ nhỏ. Bây giờ, ký ức của trẻ con về ngày này vẫn là bánh chưng, nhận lì xì và chúc tụng nhưng kiểu cách có thay đổi chút ít. Trẻ sẽ nhớ cảnh mẹ dắt đi chợ hoa, vào siêu thị sắm Tết.

 

Theo Tiếp Thị Gia Đình