3 sai lầm tiêu biểu trong cách dạy con của mẹ

(Dân trí) - ​Các mẹ đôi khi quá chuyên quyền, áp đặt, quá kỳ vọng và cũng quá hồ đồ nên không tìm ra được cách dạy con thông minh, tinh tế nhất.

 

843c295262931b4d598fe21a3acbf732-1441382598538

Quá chuyên quyền

“Đừng đánh chị con!” “Không được giật đuôi con chó” “Mẹ cấm con động vào cái này”… đó là mẫu câu bạn sử dụng thường xuyên nhất đối với trẻ con trong nhà phải không? Lúc nào cũng ra lệnh “không được” với con không phải là cách hay để dạy con về lẽ phải trái, ngược lại, từ “không” bị lạm dụng sẽ mất hết tác dụng răn đe. Khi bạn bảo rằng “Không được nghịch vòi nước”, con bạn nghịch và kết quả nó chỉ bị ướt, nó nhận thấy “Hóa ra những gì mẹ nói không được cũng chẳng có gì đáng sợ”. Rồi sẽ đến lúc bạn nói “Không được nghịch ấm nước đang sôi” và đứa trẻ coi thường lời cảnh báo đó, liều mình với nguy hiểm.

Thay vì dùng quá nhiều câu gắt gỏng không cho phép làm cái nọ, cái kia, hãy nói những câu thể hiện ước muốn hay lời khuyên của cha mẹ. Chẳng hạn thay vì “Không được đứng trên bồn tắm”, bạn có thể nói “Chúng ta nên ngồi trong bồn tắm vì nó rất trơn nếu đứng sẽ ngã đau”.

Kỳ vọng quá nhiều vào con cái

Con trẻ vẫn đang trong thời kỳ phát triển, định hình nhân cách, các bà mẹ không thể đòi hỏi cách cư xử thông minh, kiến thức uyên thâm và tài năng vượt trội ở những đứa trẻ trong tuổi ăn tuổi ngủ. Đừng quá buồn khi nhận một lời phê bình từ cô giáo rằng con mình mất tập trung trong lớp học, đừng mệt mỏi, cáu gắt khi con đánh rơi chiếc bát trong lúc ăn cơm. Chúng cần những thất bại nho nhỏ đó để trưởng thành. Nhiều mẹ vấp sai lầm ở chỗ không hướng dẫn con sửa sai mà cứ đinh ninh con mình đáng ra phải thông minh, ngoan ngoãn hơn rồi thất vọng, giận dữ, gây tâm lý ức chế cho đứa trẻ.

Lúng túng khi trở thành tấm gương xấu

Khi đánh rơi thứ gì đó, bạn hét lên bực bội, khi một người nọ khiến bạn căm ghét, bạn gọi họ bằng những danh từ nghe chói tai. Nhưng nếu con bạn bắt chước những hành động đó, bạn sẽ nổi điên.

Dù đã làm bậc phụ huynh không phải ai cũng hoàn hảo và hành động đủ bình tĩnh trong mọi trường hợp. Tuy nhiên các mẹ có thể hạn chế tối đa khả năng con bắt chước hành vi xấu của mình bằng cách nói xin lỗi mỗi lần làm sai. Hãy giải thích với con trong trường hợp ấy bạn đang rất vội, rất lo lắng hoặc mang tâm trạng nặng nề nên mới cáu gắt, thô lỗ, vụng về như vậy. Thêm vào đó, hãy chỉ ra một lối cư xử thích hợp hơn và hứa với con lần sau nếu sự việc lặp lại bạn sẽ áp dụng cách xử lý tinh tế đó.

May

Theo Parents

 

tinhyeu-1440902670712