Nhiều sinh viên có xu hướng chọn ngành Lâm nghiệp

(Dân trí) - Trong vài năm trở lại đây có lượng đông đảo các thí sinh đăng ký vào học các ngành như Lâm học, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Công nghệ chế biến lâm sản, Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Lâm nghiệp đô thị.

PGS.TS. Trần Hữu Viên - Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho biết ngành Lâm nghiệp gắn chặt với việc giải quyết những vấn đề lớn hiện nay của nhân loại như biến đổi khí hậu toàn cầu, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và thiên tai, rủi ro…
 
Nhiều sinh viên có xu hướng chọn ngành Lâm nghiệp - 1
Theo PGS.TS. Trần Hữu Viên, với vấn đề thực tế hiện nay như vậy nên xã hội rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Hơn nữa, để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề nhân loại như trên không chỉ thời gian ngắn mà cần thời gian rất dài.

Do vậy, trong vài năm trở lại đây có số lượng đông đảo các thí sinh đăng ký vào học các ngành như Lâm học, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Công nghệ chế biến lâm sản, Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Lâm nghiệp đô thị.

Với những ngành học trên, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm luôn không thưa ông?

Là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực nên hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường không chỉ nắm được số liệu sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp mà còn thường xuyên chỉ đạo phân tích số liệu và đưa ra những quyết định về phát triển ngành nghề và tuyển sinh theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Cụ thể, trong 5 năm gần đây, hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm: tỷ lệ chung của toàn trường là 90,3% (chẳng hạn khóa 47 (tốt nghiệp năm 2006) là 95,7%; K48 là 84,5% và K49 93,3%); tỷ lệ sinh viên chưa có việc làm chỉ chiếm 4,4% và tỷ lệ sinh viên học tiếp ngay khi tốt nghiệp chiếm 4,5%. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo: 79,7%.

Bên cạnh đó, ĐH Lâm nghiệp không chỉ đào tạo về lâm nghiệp thuần túy, mà còn đào tạo nhiều lĩnh vực khác với 22 chuyên ngành. Năm 2010 trường ĐH Lâm nghiệp tiếp tục tuyển sinh 16 ngành đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội (gồm: Lâm học, quản lý tài nguyên rừng và môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, nông lâm kết hợp, lâm nghiệp đô thị, khoa học môi trường, công nghệ sinh học, hệ thống thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh, kinh tế, quản lý đất đai, chế biến lâm sản, thiết kế - chế tạo đồ mộc và nội thất, kỹ thuật xây dựng công trình, kỹ thuật cơ khí). Tổng số chỉ tiêu là 1.600 sinh viên hệ chính quy và dự kiến tuyển khoảng 300 - 400 sinh viên liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học.

ĐH Lâm nghiệp là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Vậy theo ông ngành học nào là thế mạnh của trường, sinh viên được học như thế nào?

Chiến lược phát triển Trường Đại học Lâm nghiệp luôn gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ngành nông lâm nghiệp, gắn chặt với việc giải quyết những vấn đề lớn và lâu dài của nhân loại như vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và thiên tai, rủi ro, vấn đề đa dạng sinh học…

Hiện nay, vị thế đầu ngành của trường là các ngành: Lâm học, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Công nghệ chế biến lâm sản, Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Lâm nghiệp đô thị. Một số ngành học khác được đánh giá là thuộc tốp hàng đầu ở Đông Nam Á, như: Khoa học môi trường, Công nghệ sinh học, Quản lý đất đai, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Nông lâm kết hợp.

Sinh viên hệ chính quy được học theo hệ thống tín chỉ. Tổng số tín chỉ của một ngành biến động từ 125 - 140 tín chỉ. Nếu học tốt, học nhanh, sinh viên được tạo điều kiện tốt nghiệp chỉ trong 2,5 - 3 năm, sinh viên cũng có thể chọn thời gian học dài hơn (4 năm trở lên) để nhận bằng tốt nghiệp.

Là trường đại học chuyên đào tạo về lâm nghiệp, vậy những ngành học như Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Kỹ thuật xây dựng công trình, Kỹ thuật cơ khí, Hệ thống thông tin... mà trường đào tạo, chương trình học có khác với các trường đại học chuyên ngành về các lĩnh vực này không, thưa ông?

Tất cả ngành học đang đào tạo ở Trường đại học Lâm nghiệp đều được giảng dạy theo quy định của Bộ GD-ĐT về chương trình khung đào tạo bậc đại học. Chỉ có một lượng kiến thức đặc thù là khác nhau giữa các trường.

Sinh viên hệ chính quy được học theo hệ thống tín chỉ. Tổng số tín chỉ của một ngành biến động từ 125 - 140 tín chỉ. Nếu học tốt, học nhanh, sinh viên được tạo điều kiện tốt nghiệp chỉ trong 2,5 - 3 năm, sinh viên cũng có thể chọn thời gian học dài hơn (4 năm trở lên) để nhận bằng tốt nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh