Tranh luận lý do sinh viên thất nghiệp

Tại talkshow “Chiến lược cho thế hệ kế thừa”, các chuyên gia giáo dục, kinh tế và các doanh nhân đã tranh luận lý do vì sao nhiều cử nhân ra trường không tìm được việc làm, trong khi doanh nghiệp lại kêu thiếu nhân sự.

Talkshow nằm trong chương trình Lễ phát động Top 100 Phong cách Doanh nhân 2017 do tạp chí Phong cách Doanh nhân, mạng cộng đồng doanh nhân Bstyle.vn, mạng lưới Nữ lãnh đạo quốc tế tại Việt Nam phối hợp cùng Hệ thống Trường Quốc tế Bắc Mỹ SNA (một thành viên của Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng) tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI.

Doanh nghiệp chưa đồng hành trong đào tạo

Mở đầu talkshow, bà Nguyễn Thu Hương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Hương - cho biết theo khảo sát mới nhất, trong quý I/2017, có khoảng 200.000 cử nhân ra trường nhưng không có việc làm. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại nói rằng họ quá thiếu nguồn nhân lực có thể đáp ứng được sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo bà Hương, các doanh nghiệp khi tuyển dụng thường yêu cầu sinh viên có kinh nghiệm nhưng họ lại chưa có sự gắn bó nhiều với nhà trường trong quá trình đào tạo.


Các diễn giả tại talkshow Chiến lược cho thế hệ kế thừa

Các diễn giả tại talkshow Chiến lược cho thế hệ kế thừa

“Tại các đô thị phát triển “nóng” như Đà Nẵng, khi mỗi khách sạn ra đời, người làm công tác nhân sự ở đây thường sẽ tìm người bằng cách “thu hút” nhân sự từ các khách sạn khác. Chúng ta phát triển chưa có chiến lược, nhân sự chỉ “chạy” từ doanh nghiệp này tới doanh nghiệp khác. Bản thân doanh nghiệp chưa không đồng hành cùng nhà trường trong đào tạo”, bà Hương nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Giám đốc tập đoàn Beraja Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Hương - cho rằng chúng ta hay nói các trường đại học cung cấp sinh viên không đáp ứng nhu cầu công việc và chúng ta phải đào tạo lại nhưng chưa bao giờ doanh nghiệp nói cho trường đại học biết là họ cần gì.

PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (thuộc hệ thống giáo dục của Tập đoàn Nguyễn Hoàng) - cho biết một trong những lý do quan trọng tạo nên “độ chênh” giữa đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp chính là sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ.

Nhà trường phải đổi mới đào tạo

Ông Cần chia sẻ: “Là người làm việc lâu năm trong lĩnh vực giáo dục đại học, tôi hiểu rõ ưu điểm và hạn chế của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Chương trình học vẫn chưa có sự không đồng bộ giữa đào tạo và việc làm. Vì vậy, một mặt chúng ta cần phải đổi mới chương trình đạo tào, mặt khác là phải có sự chia sẻ trách nhiệm cho đơn vị đào tạo từ phía doanh nghiệp để nhà trường có điều kiện giúp sinh viên đi sâu vào thực hành, thực tập”.

Tranh luận lý do sinh viên thất nghiệp - 2

PGS.TS Thái Bá Cần cho biết, khi nền kinh tế hội nhập, sinh viên phải chủ động hội nhập, trong đó có chủ động rèn luyện kỹ năng và ngoại ngữ. Khi trở về làm việc tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, điều đầu tiên ông Cần làm là nâng cao khả năng ngoại ngữ cho sinh viên.

TS Đoàn Huệ Dung - Giám đốc Điều hành Trường Quốc tế Bắc Mỹ (thuộc hệ thống giáo dục của Tập đoàn Nguyễn Hoàng) - cho rằng yêu cầu quan trọng hiện nay là phải đào tạo những con người ham học hỏi, được trang bị đầy đủ những kỹ năng để tự tin hội nhập quốc tế.

Tranh luận lý do sinh viên thất nghiệp - 3

Theo TS. Dung, nếu như ở thế hệ chúng ta, việc biết một ngoại ngữ thì đã đủ dùng. Nhưng ở thế hệ kế thừa, một ngoại ngữ thôi chưa đủ. Ngoài ra, các em phải có kỹ năng nắm bắt và làm chủ công nghệ, kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo, kiểm soát cảm xúc.

“Khi xây dựng các chương trình đào tạo, chúng tôi mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình này. Chương trình đào tạo để đạt chuẩn là những chương trình có sự tham gia của người sử dụng lao động. Hiện tại có rất nhiều môn học cổ điển, mang tính hàn lâm cao đã được chỉnh sửa để phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. Với trách nhiệm của những nhà đào tạo, chúng tôi nhận trách nhiệm đào tạo thế hệ kế thừa cho doanh nghiệp”, PGS.TS Thái Bá Cần cho hay.

Mạnh Khang