Trả lương kiểu Việt Nam: Tiền đưa tận tay, ai chối?

Đáng lẽ các tập đoàn làm ăn thua lỗ, lãnh đạo chỉ được hưởng lương cơ bản, thậm chí phải cách chức.

Vừa bao cấp vừa hoá giá

Liên quan đến những tranh luận xung quanh câu chuyện lương lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước và lương quản lý Nhà nước, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, theo cơ cơ chế thị trường mà Việt Nam theo đuổi, vấn đề lương thưởng, thu nhập cơ bản phải gắn với thị trường.

Hơn nữa, lương khu vực hành chính thì không nên và không thể sánh được vì nó được vận hành theo những nguyên lý và nguyên tắc khắc nhau. Vì vậy nếu so sánh sẽ có khập khiễng về loại hình lao động, tổ chức và cơ chế.

"Lương của khu vực hành chính của nước ta chủ yếu vẫn theo tình hình của kinh tế xã hội từng giai đoạn. Hơn nữa khu vực hành chính của chúng ta chủ yếu vẫn chưa thoát ra được cơ chế bao cấp về biên chế. Mà việc này vẫn còn rất khó tháo gỡ theo hướng hiệu quả. Thậm chí, quỹ lương còn phải gánh theo cách biên chế của chúng ta: bậc lương không thay đổi nhưng làm thêm khi thiếu người hoặc chia việc khi thêm người lương cũng không thay đổi. Điều đó hoàn toàn không có hướng phân biệt năng lực, thậm chí là ý thức công vụ. Hai yếu tố đó làm cho lương công chức rất thấp", ông Khiển chỉ ra thực tế.
Đáng lẽ các công ty làm ăn thua lỗ, lãnh đạo chỉ được hưởng lương cơ bản, thậm chí phải cách chức.
Đáng lẽ các công ty làm ăn thua lỗ, lãnh đạo chỉ được hưởng lương cơ bản, thậm chí phải cách chức.

Ông Khiển thừa nhận việc dư luận cho rằng đằng sau mức lương công bố vẫn còn những khoản "lậu" là có. Mặc dù không công chức nào nói ra nhưng bản thân họ lại biết họ và đồng nghiệp, cơ quan khác có thu nhập như thế nào. Hơn nữa, đối với các vị trí có trách nhiệm thì họ có những hỗ trợ khác theo chức vụ. Ví dụ bộ trưởng có chế độ, tiêu chuẩn thêm vào của nhà nước. Nhưng việc người ta muốn vào công chức lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố.

"Về dư luận trong xã hội thì vừa cảm nhận và thấy được (như kiểu giàu nhanh thiếu căn cứ, mua sắm của quan chức ...), có nói đến (tham nhũng, lợi ích nhóm...). Có dư luận là có thật".

Còn ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ: "Thang bậc lương của Nhà nước xác định địa vị chính trị trong xã hội, nó phản ánh trật tự xã hội, mang nội dung chính trị nhiều hơn, còn thực chất họ có những khoản nào khác ngoài lương nữa hay không thì không ai biết. Nếu họ không có gì thì làm sao nhà cao cửa rộng như thế, con họ đi học nước ngoài, có ô tô để đi, có công ty riêng và chúng giàu lên một cách nhanh chóng không bình thường?

Nếu trả lương quan chức như Singapore thì họ không dám tham nhũng và không cần tham nhũng vì lương đã cao chót vót. Nhiều nước xung quanh Việt Nam, lương quan chức mỗi năm có thể mấy trăm ngàn USD, như bộ trưởng Úc nhận lương 300.000 USD/năm. Họ có thể giải thích lấy tiền ở đâu để mua nhà cửa, xe hơi khi làm chức bộ trưởng đó. Còn Việt Nam vừa bao cấp, vừa hoá giá, vừa tặng vừa cho, có quan chức xây nhà hàng trăm tỷ, thử hỏi tiền ở đâu mà nhiều thế? Họ tự để lương mình thấp nhưng thu nhập cao thế nào ai biết được?!

Trong khi đó, lương của lãnh đạo tập đoàn tính theo doanh số. Nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng áp dụng cách tính này, lương cán bộ nhân viên có thể 20-40 triệu đồng/tháng, thậm chí cả trăm triệu đồng/tháng, lãi thì họ được hưởng, đều đã có quy định rồi. Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì lương lãnh đạo 50-70 triệu đồng/tháng hay hơn nữa cũng hết sức bình thường. Thậm chí phải hoan nghênh các lãnh đạo tập đoàn vì đã đóng góp cho ngân sách, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, giúp nâng cao mức lương của anh em công nhân...".

Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng chỉ rõ, hiện tượng nhiều lãnh đạo tập đoàn vẫn có mức lương "khủng" trong khi đơn vị của họ làm ăn thua lỗ hoặc có lợi nhuận thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng cực thấp là không bình thường.

"Đáng lẽ các công ty làm ăn thua lỗ, lãnh đạo chỉ được hưởng lương cơ bản, thậm chí phải cách chức. Nhưng ở Việt Nam, làm xấu, làm thua lỗ cũng được hưởng lương thì Nhà nước lấy đâu tiền để trả? Ngân sách nhà nước ngày càng thâm hụt là vì thế. Đừng có trách người ta! Tiền ai mà chẳng ham, đem đến tận tay phát thì ai không muốn cầm? Nhưng phải chặn lại tình trạng này. Nhìn sang Quốc hội Mỹ, nếu không hiệu quả, chưa được duyệt chi thì họ chặn lại, ngân sách đó không được giải ngân".

Đối với việc tính, lương thưởng của lãnh đạo tập đoàn, ông Thuận cho rằng điều quan trọng nhất phải dựa trên doanh số, sau khi hạch toán lời lỗ, còn lại lãi ròng thì trên nền đó mới phân chia lương, khi ấy mới đảm bảo hợp lý.

GS.TS Nguyễn Hữu Khiển thì thẳng thắn: "Việc làm ăn thua lỗ mà lương vẫn cao, theo tôi, chẳng qua là sự nuông chiều của Nhà nước với các doanh nghiệp quốc doanh. Nó không theo hướng của cơ chế thị trường, mà vẫn theo lối bao cấp. Hướng xã hôi hoá, cổ phần hoá mới là giải pháp hướng tới minh bạch và công bằng giưa cống hiến và hưởng thụ".

Người giàu vẫn tham nhũng

Nhìn vào chế độ đãi ngộ của Singapore dành cho quan chức, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển cho rằng, nếu Việt Nam không giải quyết cái gốc căn bản là chống được tham nhũng thì không thể làm như Singapore được vì những người giàu, nhiều tiền vẫn tham nhũng.

Ông Trần Quốc Thuận Việt Nam lại chỉ rõ, Việt Nam có thể áp dụng cách làm của Singapore nhưng trước hết phải tinh giản bộ máy.

"Hiện bộ máy của Việt Nam quá đồ sộ, trả lương cho cả những người hoạt động không chuyên trách ở khối phố. Họ gọi là phụ cấp nhưng thực chất đó là lương, ngân sách nào chịu nổi? Họ muốn tạo một số người nòng cốt trong bộ máy từ thấp đến cao, đồng thuận nhất trí với họ nên cứ trả lương nuôi hết. Nó tạo nên một tầng lớp đặc quyền đặc lợi, nhất là ở trên cao chót vót, phải làm sao phá bỏ tầng lớp đặc quyền đặc lợi ấy".

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, không chỉ Singapore mà nhiều nước trên thế giới áp dụng chính sách trả lương cho quan chức cao hơn doanh nhân, nhưng đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, công việc của mỗi chức vụ, giao cho cơ quan quyền nào ra quyền ấy.

"Đầu tiên phải mô tả công việc của mỗi vị trí, từ đó mới tính lương theo biên chế. Cách đây 2 năm, người ta khen một bí thư tỉnh uỷ ra phố vi hành, kiểm tra công chức uống cà phê, uống bia trong giờ làm việc. Nhưng tôi cho rằng làm như thế không hợp lý bởi đó không phải là việc của ông bí thư tỉnh uỷ. Trách nhiệm của ông ấy là phải tính toán công việc trong tỉnh mình, vị trí nọ kia làm bao nhiêu việc, bộ máy cần bao nhiêu người, mất bao nhiêu thời gian, cần trình độ thế nào...

Các nước tiên tiến đều tính ra được hết nên nhân viên vào cơ quan lập tức như cái máy tập trung làm việc. Việt Nam không có người làm việc ấy mà cứ áng chừng, vẫn tồn tại cơ chế xin cho, xin lương, xin bổng lộc, xin hợp đồng, xin biên chế... thì không thể làm được".
Theo Báo Đất Việt