Những công nghệ mới trong cuộc Cách mạng kỹ thuật số

Ngành công nghiệp đang trải qua một cuộc cách mạng lớn mà chúng ta thường gọi là công nghiệp 4.0 với vai trò chủ đạo là các công nghệ kĩ thuật số mới. Dưới đây là những công nghệ tiên tiến nhất được tiên đoán là sẽ cung cấp các cơ hội phát triển chính của công nghiệp 4.0. Danh sách các công nghệ mới được xếp hạng dựa trên các báo cáo phân tích gần đây của ZDNet (http://www.zdnet.fr/), PwC (https://www.pwc.fr/) và Gartner (https://www.gartner.com).

Những công nghệ mới trong cuộc Cách mạng kỹ thuật số - 1

Dẫn đầu là Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data). Sự dồi dào của dữ liệu là một nguồn tài nguyên có khả năng tạo ra giá trị lớn. Big Data cho phép tối ưu hóa các hệ thống phức tạp, triển khai ngành công nghiệp trong tương lai, phân khúc thị trường tiên tiến và khai thác dữ liệu mở bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt nhờ vào Big Data, công nghệ AI có khả năng vượt qua giới hạn của con người và để tự động hóa các nhiệm vụ phức tạp thông qua xử lý khối lượng lớn dữ liệu. Các dịch vụ nổi bật có thể kể đến như phân tích tự động hình ảnh và video, phân tích và nhận dạng giọng nói, dịch vụ quan hệ khách hàng (chatbots), ô tô tự động, smart grid ... AI hiện nay cũng đã được tiếp nhận rộng rãi ở Việt Nam, các trung tâm nghiên cứu, các công ty công nghệ đã bắt đầu tiếp cận và nghiên cứu, sử dụng AI để giải quyết các bài toán của mình. Tuy nhiên cần phải có sự ủng hộ hơn nữa từ phía nhà nước để tận dụng thực sự sức mạnh của AI và tham gia vào làn sóng AI trên thế giới. Ví dụ có thể ưu tiên đẩy mạnh các dự án nghiên cứu khoa học của các trung tâm nghiên cứu hoặc tham gia đầu tư (Limited Partner) vào các công ty công nghệ sử dụng AI để giải quyết các vấn đề xã hội. Giống như con đường mà Trung Quốc đang làm để trở thành cường quốc AI ngang hàng với Mỹ.

Xếp thứ 2, được coi là sự tiến hóa lần thứ ba của Internet, Internet vạn vật (IoT) cung cấp cơ hội không chỉ cho sự phát triển hoạt động của hầu hết các lĩnh vực (y tế điện tử, thể thao kết nối, thành phố kết nối, nhà máy tương lai, nông nghiệp kết nối, văn phòng thông minh, v.v), mà còn là cơ hội cho công nghiệp bán dữ liệu và kiến thức về việc sử dụng một sản phẩm. Những công nghệ này cũng đang thay đổi các mô hình kinh doanh trong việc bán dữ liệu, dịch vụ và sự phát triển của các hệ sinh thái. Đến năm 2020, theo dự đoán của Gartner, thế giới sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị sử dụng IoT. Cũng như AI, Viêt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên trong việc phát triển và sử dụng công nghệ IoT. Các công ty lớn ở Việt Nam đều đã và đang thực hiện những dự án IoT để tham gia vào sân chơi chung của thế giới.

Được đánh giá là công nghệ mới phức tạp nhất (về sử dụng và mục đích), Blockchain là công nghệ "tạo ra sự tin tưởng": bảo mật, minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc, bền vững và tiếp cận toàn cầu. Công nghệ này hứa hẹn cơ hội về tác động kinh tế vĩ mô của tiền điện tử (Bitcoin), hiện đại hóa ngân hàng, bảo hiểm và lĩnh vực hành chính công. Nó cũng giúp triển khai các dịch vụ mà không tồn tại ở các nước đang phát triển, giúp bảo vệ dữ liệu và cải thiện an ninh mạng, sửa đổi hoàn toàn các quy trình kinh doanh và cộng hưởng với sự xuất hiện của các mô hình kinh tế hợp tác (hay còn gọi là kinh tế chia sẻ) mới. Hiện nay ở Việt Nam, việc tiếp cận với công nghệ Blockchain chủ yếu dừng ở việc khai thác các tác động của hệ thống tiền ảo. Tổng giá trị tiền ảo hiện nay lên tới gần 600 tỉ USD (trong đó lượng Bitcoin chiếm 38%). Tuy nhiên các nhà đầu tự hoặc lướt sóng tiền ảo cũng cần lưu ý những mặt trái của nó. Từ năm 2014 đến 2016 có 5 vụ tấn công các hệ thống tiền ảo, dẫn đến gần 600 triệu USD bị đánh cắp. Riêng năm 2017 đã có 5 vụ tấn công khác, lượng tiền của các nhà đầu tư bị đánh cắp lên đến 50 triệu USD. Hoặc việc tiền ảo chưa thực sự được công nhận bởi các quốc gia trên thế giới cũng như sự thật là tiền ảo có những vấn đề nhất định, ví dụ lượng điện tiêu thụ cho các giao dịch tiền ảo lớn hơn lượng điện cho rất nhiều nước phát triển, dự đoán vượt qua Anh Quốc vào năm sau.

Đứng thứ 4, Kinh tế chia sẻ (hay còn gọi là kinh tế hợp tác - sharing economy) là sự đổi mới về kỹ thuật số và xã hội do chia sẻ hoặc trao đổi hàng hoá, dịch vụ hoặc kiến thức giữa các cá nhân thông qua một nền tảng kỹ thuật số để liên kết các bên. Nó có thể cho phép tái cân bằng việc chia sẻ giá trị, tạo ra các hình thức làm việc mới, chống lãng phí, sử dụng hàng hoá và giải quyết các vấn đề xã hội. Điển hình của kinh tế chia sẻ là 2 cty hàng đầu Uber và Airbnb với hệ thống taxi cá nhân và khách sạn, nhà nghỉ cá nhân đang làm mưa làm gió trên thị trường vận tải và thị trường khách sạn. Ở Việt Nam, Kinh tế chia sẻ bắt đầu khởi xướng với sự xâm nhập của Uber, Grab từ năm 2014. Tuy nhiên chưa thực sự có một hệ thống của Việt Nam nào khai thác mô hình này. Một trong những vấn đề là thiếu một hạ tầng chính sách cho nền Kinh tế chia sẻ, cũng như sự ủng hộ của nhà nước để có thể khai thác tối đa tiềm năng của mô hình này.

Tiếp theo là Máy in 3D. Bao gồm từ phần thiết kế 3D đến in 3D, công nghệ này kết hợp tất cả các công nghệ, kĩ thuật về vật liệu và mô phỏng xung quanh mô hình số. Đang phát triển 1 cách nhanh chóng, công nghệ in 3D tạo ra nhiều cơ hội trong việc sản xuất hàng loạt, hàng mẫu, sản xuất phụ tùng, và sản xuất các đồ vật có ràng buộc về trọng lượng, hình dạng, cơ học ... Máy in 3D có thể vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, khi mà chúng ta còn khá nhiều ngành công nghiệp thủ công. Những ngành công nghiệp này có thể dễ dạng bị thay thế bới máy in 3D trong tương lai.

Cuối cùng là Dịch vụ đám mây: Vì đã xuất hiện khá lâu và đã được ứng dụng gần như mọi ngõ ngách trên toàn thê giới nên công nghệ "không mới lắm" này được xếp cuối cùng trong danh sách. Nhưng dịch vụ đám mây là một công nghệ cực kì quan trọng và mang lại nhiều cơ hội như chuyển đổi doanh nghiệp kỹ thuật số, hiện đại hóa hệ thống thông tin, triển khai các dịch vụ Internet kỹ thuật số trên toàn thế giới, và sự phát triển và triển khai nhanh chóng các hệ thống thông qua việc sử dụng các dịch vụ sẵn sàng (XaaS). Trong tất cả các công nghệ đã giới thiệu thì dịch vụ đám mây được tiếp nhận và phát triển tốt nhất ở Việt Nam, vì đây là công nghệ cốt lõi cho việc số hóa doanh nghiệp cũng như số hóa quốc gia, một trong những mục tiêu quan trọng của VN trong thời gian gần đây.

Như vậy, chúng ta có thể thấy nền công nghiệp trên thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với các công nghệ mới tiên tiến nhất. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam. Việc nhanh chóng phản ứng, điều chỉnh chính sách của nhà nước cũng như việc dũng cảm thay đổi để bắt kịp về công nghệ của các doanh nghiệp sẽ quyết định đến sự thành bại trong nền công nghiệp 4.0 này.

Sắp tới, vào ngày 17 tháng 1, 2018, diễn đàn về Kinh tế số hoá VDEF 2018 sẽ diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một cơ hội quý báu để các startups, các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia về kinh tế số hoá gặp gỡ, thảo luận cũng như cùng phác thảo những con đường chiến lược cho sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam trong kỉ nguyên số 4.0.

TS Nguyễn Như Văn - Chuyên gia AVSE Global, mạng lưới tri thức của người Việt trên toàn thế giới vì sự tiến bộ của Việt Nam.