DMagazine

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, "vị vua" bất tử

(Dân trí) - Ngày Roger Federer giải nghệ, làng quần vợt cảm thấy như mất đi một điều gì đó. Với nhiều người, "King Roger" không chỉ là VĐV vĩ đại, mà anh còn là quý ngài lịch lãm.

Ngày Roger Federer tuyên bố giải nghệ, làng quần vợt thế giới bỗng cảm thấy như mất đi một điều gì đó. Với nhiều người, "King Roger" (biệt danh tờ The Times đặt cho tay vợt này) không chỉ là vận động viên vĩ đại, mà anh còn là quý ngài lịch lãm, người biến từng pha bóng trở nên nghệ thuật.

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 1

Ngày 23/9, Federer đã chơi trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của mình, khi đánh đôi cùng Rafael Nadal ở trận thua Jack Sock/Frances Tiafoe 6-4, 6-7, 8-10 tại Laver Cup 2022 (diễn ra ở London, Anh). Mặc dù vậy, kết quả thắng thua với Federer lúc này không quan trọng và sau trận đấu, sự chú ý của người hâm mộ hướng về màn chia tay sự nghiệp đầy xúc động của huyền thoại quần vợt người Thụy Sỹ.

Federer đã bật khóc và phát biểu: "Chúng ta sẽ vượt qua điều này bằng cách nào đó. Tôi không buồn, mà cảm thấy rất tuyệt vời khi đứng đây dù là lần cuối cùng. Tôi đã tận hưởng trọn vẹn niềm vui với các trận đấu cùng cổ động viên, gia đình, bạn bè. Trước đó, tôi cảm thấy căng thẳng, lo sợ một sự cố nào đó có thể xảy ra trong trận đấu. Nhưng cuối cùng, tôi đã chơi hết trận và thật hạnh phúc".

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 3

"Sự kết thúc của một kỷ nguyên", "huyền thoại", "nhà vô địch của các nhà vô địch", "GOAT", "cảm ơn"… những lời bình luận như vậy xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội trong ngày Roger Federer tuyên bố giải nghệ. Sau khi đoạn video thông báo tạm biệt của tay vợt người Thụy Sỹ được đăng tải, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, từ người hâm mộ, chính trị gia, các đối thủ đều dành cho anh những lời ca tụng.

Thực tế, tuyên bố giải nghệ của Federer không hề đột ngột. Bất cứ ai đều có sự chuẩn bị tâm lý để đón nhận thông tin này trong hơn một năm qua. "Tàu tốc hành" đã vắng bóng trên sân quần vợt kể từ sau Wimbledon 2021. Đã có đôi lần, Roger hé mở về sự trở lại nhưng cũng từng ấy lần, người hâm mộ thất vọng.

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 5

Chấn thương đã khiến cho Federer ngã quỵ ở tuổi 41. Đây không phải là lần đầu tiên, anh đối diện với chấn thương dày đặc tới vậy nhưng là lần cuối cùng, anh chiến đấu trong sự dày vò đau đớn của chấn thương.

Sẽ không còn hình ảnh Federer thi đấu trên sân trung tâm ở Wimbledon nữa, nơi mà từng thảm cỏ đã ghi dấu vào chiến tích vĩ đại. Sẽ không còn hình ảnh của anh ở bất cứ đâu, từ Rod Laver Arena ở Melbourne, Arthur Ashe ở New York hay Roland Garros ở Paris. Chẳng còn những cú thuận tay uy lực với phong cách của "ông hoàng" trong từng nhịp đánh.

Trong vòng một tháng, hai tượng đài làng quần vợt là Federer và Serena Williams lần lượt nói lời chia tay. Chưa bao giờ, thế giới banh nỉ lại sống trong những ngày buồn bã tới vậy. Họ không chỉ là những người vĩ đại nhất, mà còn là tuổi thơ của nhiều đứa trẻ. Có không ít đứa trẻ vì trót mê đã lựa chọn theo con đường quần vợt chuyên nghiệp.

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 7

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, bạn không cần mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm về Federer. Có hàng loạt con số thống kê chỉ ra sự vĩ đại của tay vợt này khiến người ta chóng mặt với 20 Grand Slam, 103 danh hiệu đánh đơn, 1 huy chương vàng Olympic (đôi nam nữ), 1 huy chương bạc Olympic. Hay chúng ta còn nói về người đàn ông từng có 310 lần xếp số một thế giới, trong đó có 237 tuần liên tiếp (từ tháng 2/2004 đến tháng 8/2008) xếp vị trí này. Thậm chí, vào năm 2018, Roger còn xếp số một thế giới ở tuổi 37 và nắm kỷ lục trở thành tay vợt già nhất nắm giữ vị trí này.

Nhưng câu hỏi đặt ra, liệu chăng đó có phải là những gì bạn nhớ về Federer? Đó cũng không phải là điều chúng ta kể cho con cháu về một huyền thoại làng quần vợt. Những con số khô khan ấy có thể nhanh chóng phai nhòa trong tâm trí.

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 9

Điều đọng lại cuối cùng chính là hình ảnh lịch lãm của quý ngài Federer. Hơn bất kỳ tay vợt nào, Federer không chỉ chiến đấu để vươn tới danh hiệu, mà anh biến những pha bóng trở nên nghệ thuật hơn. Tờ Wall Street Journal từng tóm gọn lại phong cách của "Tàu tốc hành" bằng những dòng bình luận: "Federer là tay vợt hiếm hoi có khiếu thẩm mỹ. Bất cứ ai cũng có thể giành chiến thắng nhiều như anh ấy nhưng để biến quần vợt trở thành nghệ thuật, chỉ có một mình tay vợt này. Những cú giao bóng đẹp như tranh vẽ, những cú trái tay khéo léo, cái cách Roger xoay người, vuông góc với vai phải để thực hiện những cú thuận tay… tất cả đều như múa ballet vậy. Đó là cách anh ấy tận hưởng môn thể thao này".

Nhật báo Le Monde (Pháp) đã mô tả về Federer: "Tay vợt người Thụy Sỹ luôn hướng tới sự thanh lịch của quý ngài thực thụ. Sự nhịp nhàng, uyển chuyển của Federer khiến nhiều người liên tưởng họ đang xem một vở ballet trên sân quần vợt. Điều khiến Rodger trở nên vĩ đại chính là việc anh ấy có thể làm điều đó ở tuổi 41".

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 11

Nhìn Federer thi đấu, người ta có được cảm giác nhẹ nhõm. Anh không hét lên mỗi lần thực hiện cú đánh như Nadal, không sử dụng nhiều chiêu trò như Djokovic. Thay vào đó, "Tàu tốc hành" luôn xuất hiện với sự điềm đạm, chỉn chu trong từng pha xử lý bóng. Nó giống như phong cách của "quý ông", luôn giữ khí chất trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tay vợt Gilles Simon từng vẽ nên hình ảnh Federer đầy thơ mộng: "Khi Roger thực hiện cú thuận tay, bạn có cảm giác như anh ấy có thời gian để xõa tóc và tạo dáng cho những nhiếp ảnh gia ngay trên sân đấu". Dù đó chỉ là câu nói nửa đùa nửa thật của tay vợt người Pháp nhưng nó phần nào khắc họa Federer lịch lãm, đầy khí chất và nghệ thuật.

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 13

Ngày Federer chia tay làng banh nỉ, đối thủ lớn nhất trong sự nghiệp của anh, Nadal đã thốt lên: "Tôi ước ngày này không bao giờ đến. Đó là ngày buồn với tôi và giới thể thao trên toàn thế giới. Thật vui, thật vinh dự và cũng là đặc ân khi trải qua những khoảnh khắc tuyệt vời cả trong lẫn ngoài sân đấu cùng anh".

Chẳng ai nghi ngờ về "sự thật lòng" của Nadal. Không ai có thể mô tả rõ rệt hơn về sự vĩ đại của Federer như đối thủ lớn nhất Nadal. Có thể, ở khía cạnh nào đó, "Tàu tốc hành" không phải là tay vợt hay nhất (nếu tính theo số lần vô địch Grand Slam) nhưng điều đó không có nghĩa rằng anh không phải là huyền thoại.

Cụm từ "King Roger" lần đầu tiên xuất hiện trên tờ Times of London vào năm 2018, sau khi tay vợt người Thụy Sỹ vô địch Wimbledon ở tuổi 37. Sau này, cụm từ trên đã được sử dụng khá nhiều để nói về "Tàu tốc hành".

Thực tế, trong kỷ nguyên 2010 (tức 12 năm gần đây), người ta không được thấy hình ảnh Federer tốt nhất. Tay vợt này trở nên lép vế so với hai người trẻ hơn là Nadal và Djokovic. Số trận thua của Roger trước những đối thủ này cũng ngày một nhiều hơn. Thế nhưng, tay vợt người Thụy Sỹ vẫn thật đặc biệt mỗi khi xuất hiện.

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 14

Tờ Wall Street Journal từng bình luận: "Bạn có thể chứng kiến nhiều tay vợt vô địch nhưng sẽ rất khó để thấy được Federer thứ hai, người đã biến quần vợt trở thành nghệ thuật". Cũng bởi lẽ đó, người ta nhớ nhung và day dứt về hình ảnh của tay vợt người Thụy Sỹ hơn bất kỳ ai.

Hay như tờ New York Times nói về di sản của Roger: "Bạn không cần là người hâm mộ quần vợt để đánh giá cao nghệ thuật của Federer nhưng nghệ thuật của anh ấy sẽ khiến bạn mê quần vợt hơn. Đó là di sản mà rất nhiều năm sau này, người ta sẽ còn nhớ mãi với Roger".

Và hơn hết, Federer cũng là tấm gương của sự dẻo dai, ý chí bền bỉ. Trở lại thời điểm tháng 2/2017, "Tàu tốc hành" bước vào Australian Open 2017 sau thời gian dài điều trị chấn thương đầu gối (sau này anh đã phải giải nghệ vì chấn thương này). Anh đã chiến đấu như một chiến binh thực thụ ở tuổi 35. Trận chung kết với 5 set nghẹt thở và chiến thắng trước Nadal là minh chứng cho sự bền bỉ của "King Roger".

Chức vô địch trên đất Australia đã chấm dứt quan điểm cho rằng Federer đã hết thời và mở ra kỷ nguyên mới (dù không quá dài) với hai chức vô địch Australian Open 2018 và Wimbledon 2017.

Thế nhưng, bản thân Federer thừa nhận rằng đôi khi sự lịch lãm khiến nhiều người quên đi dòng chảy bền bỉ âm thầm hoạt động trong cơ thể anh. "Sự dẻo dai về tinh thần của tôi bị lu mờ bởi kỹ thuật điêu luyện và sự quyến rũ trong từng đường bóng của tôi. Đó là lý do khi thất bại, nhiều người chỉ nói rằng tôi thi đấu không tốt. Còn khi chiến thắng, họ xem điều đó là mặc định.

Thành thật mà nói, tôi đã nỗ lực mọi thứ có thể. Chỉ vì tôi ít đổ mồ hôi và không càu nhàu quá nhiều trên sân. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi không cố gắng. Đó chỉ là phong cách mà tôi hướng tới" - Federer tâm sự trên tạp chí The Times.

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 16

Không phải ngẫu nhiên, hai HLV cũ và hiện tại của Federer là Stefan Edberg và Ivan Ljubicic đều đánh giá cao giá trị "Tàu tốc hành" mang lại. Nhiều năm sau này, người ta sẽ nhớ tới Roger như tấm gương để học hỏi. Ông Edberg cho biết: "Tôi khâm phục Federer có thể giữ được cảm hứng trong chặng đường dài. Để chơi môn thể thao này cần nhiều công sức, khổ luyện nhưng Federer đã làm được điều đó theo cách không giống ai. Federer và Nadal là biểu tượng của sự bền bỉ. Không ai ngờ rằng, sau 6 tháng điều trị chấn thương, họ đã tái xuất và tạo nên 5 set chung kết nghẹt thở ở Australian Open 2017".

Trong khi đó, HLV hiện tại Ivan Ljubicic khẳng định: "Không còn nghi ngờ gì nữa, Roger đã thay đổi thế giới quần vợt mãi mãi. Tất cả đều nhìn theo Federer để có thể theo kịp cậu ấy".

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 18

Không chỉ lịch lãm trên sân quần vợt, ở ngoài đời, Federer cũng là quý ông đích thực. Năm 2016, tạo chí CQ đã trao danh hiệu "người đàn ông phong cách nhất" cho tay vợt người Thụy Sỹ. Tạp chí NZZ Bellevue nhấn mạnh rằng Roger chưa bao giờ bị lỗi thời về trang phục.

Có điều ít ai biết, bà Anna Wintour, Tổng biên tập tạp chí thời trang Vogue là người hâm mộ nhiệt thành của Federer. Trong những câu chuyện của họ, chủ đề thời trang luôn được nhắc tới khá nhiều. Bà Anna đánh giá Roger là người có gu ăn mặc và thẩm mỹ rất tốt. Đồng thời, người phụ nữ quyền lực này nhấn mạnh: "Luôn chỉ có một Federer".

Đừng ngạc nhiên nếu như sau khi giải nghệ, Federer bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực thời trang. Tờ NZZ Bellevue nhấn mạnh: "Sau sự nghiệp thể thao, bất cứ ai cũng phải tiếp tục cuộc sống. Federer đã chuẩn bị và mở đường sang lĩnh vực thời trang từ rất sớm". Roger hiện tại đang là đại diện hình ảnh cho Uniqlo với bản hợp đồng 300 triệu USD trong vòng 10 năm (tính từ năm 2018).

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 20

Dù không phải là người giành nhiều Grand Slam nhất nhưng Federer lại là người kiếm tiền giỏi nhất trong lịch sử quần vợt. Theo ước tính của tờ Marca, tổng số tiền mà tay vợt này kiếm được từ tiền thưởng quảng cáo, đã chạm mốc 1 tỷ USD. Giá trị tài sản ròng của anh lúc này lên tới 550 triệu USD.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp vào năm 1998, Federer có thu nhập 28.000 USD nhưng con số ấy đã tăng tới 400 lần ở 10 năm sau đó. Một con số đáng kinh ngạc. Trong năm 2022, dù không thi đấu nhưng anh vẫn bỏ túi khoảng 90 triệu USD trước thuế (nhiều nhất làng quần vợt). Số tiền này chủ yếu tới từ bản hợp đồng quảng cáo và hoạt động kinh doanh.

Sau khi giải nghệ, Federer có thể dành nhiều thời gian hơn cho cô vợ Mirka, hậu phương vững chắc của anh trong cả sự nghiệp, cùng 4 đứa con trong mái ấm nhỏ của mình. Nhưng không biết chừng, người ta lại thấy anh rong ruổi trên con đường để làm từ thiện.

Roger có quỹ từ thiện mang tên mình. Quỹ này tập trung vào phát triển giáo dục, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập thấp như Botswana, Malawi và Zambia. Tuyên bố của quỹ như sau: "Chúng tôi hướng tới việc mang đến cho trẻ em sự khởi đầu tốt nhất bằng con đường giáo dục một cách bền vững".

Roger Federer: Quý ngài lịch lãm, vị vua bất tử - 22

Không chỉ có vậy, người ta còn thấy Federer xuất hiện để giúp đỡ ở nhiều điểm nóng, từ vụ cháy rừng ở Australia, giúp đỡ bữa ăn cho trẻ em nghèo ở châu Phi, ủng hộ công tác phòng chống Covid-19 ở Thụy Sỹ… Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2020, tay vợt người Thụy Sỹ đã quyên góp được 5 triệu USD cho quỹ từ thiện.

Federer vừa hoàn thành sứ mệnh của mình trong làng quần vợt. Anh đã cố gắng rất nhiều để níu kéo ngày giải nghệ nhưng bất thành. Cuộc đời của anh là hành trình phiêu lưu rong ruổi của kẻ chinh phục. Đó cũng là cuộc đời đầy chất hào hoa của gã nghệ sĩ sân quần vợt. Một cuộc đời đáng mơ ước. Giờ đây, khi mọi thứ khép lại, anh có thể nghỉ ngơi, trước khi bước tiếp vào chinh phục những mục tiêu tiếp theo.

Nội dung: H.Long

Thiết kế: Tuấn Huy