Nỗi ám ảnh đường sắt của cư dân mạng

“Một lần mình băng qua đường sắt thì tàu vừa đến! Đúng là khoảnh khắc kinh hoàng. Nghĩ lại vẫn còn thấy run rẩy”, một bạn trẻ kể.

Vào 15h ngày 30/3, một ô tô 16 chỗ trên đường đi ăn hỏi bị đâm vào tàu hỏa tại khu vực ga Thường Tín (Hà Nội) khiến 7 người chết, 4 người phải đi cấp cứu. Hai người sau đó tử vong.

 

Tai nạn thương tâm và thực tế đáng ngại

 

Ngay sau vụ tai nạn đường sắt thảm khốc, trên khắp các diễn đàn trực tuyến của Việt Nam tràn ngập bầu không khí thương cảm và những lời chia buồn sâu sắc. “Thật kinh hoàng và thương tâm. Đã biết bao bài học về tai nạn đường sắt, mà vẫn không thể tránh khỏi. Xin chia buồn với gia đình người đã mất”, Hải Tường Long, thành viên diễn đàn Otofun chia sẻ.

 

Theo tường thuật của một nhân chứng trong vụ tai nạn, khi đến gần đường sắt, dù tàu hú còi, thiết bị cảnh báo bên đường réo chuông, mọi người đã hét lên cảnh báo nhưng tài xế còn mải nói điện thoại và xe vượt qua. Có thể nói, chỉ vì một cú điện thoại mà chín sinh mạng đã mãi mãi ra đi.

 

Nỗi ám ảnh đường sắt của cư dân mạng - 1
Hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa hôm 30/3.

 

Sự chủ quan gây hậu của nghiêm trọng của người tái xế đã hứng chịu sự lên án kịch liệt từ cộng đồng mạng. Tuy vậy, qua sự việc này, nhiều người không khỏi giật mình trước thói quen vô ý thức vẫn rất phổ biến ở những người lái xe Việt Nam.

 

LoneWolf thành viên diễn đàn VozForum có bố làm lái xe thổ lộ: “Xem trên báo mạng, thấy ảnh chiếc xe “cá mập” biển 20L mà giật mình, may mà không phải bố. Bố mình không cắt đầu tàu hỏa bao giờ nhưng đi đường cao tốc trên 120km/h vẫn hay nhắn tin lắm”.

 

Còn thành viên Saophainghi nhận xét: “Chuyện vừa lái xe ô tô vừa nhắn tin có thể gặp nhiều vô kể. Hôm nọ đi ngoài đường mình gặp một cái ô tô thấy nó cứ lừ lừ giữa đường. Còi mãi chả thấy nó nhường đường. Đi lên ngang xe, ngó vào thì nhìn thấy hai thanh niên, cả người lái lẫn người ngồi bên cạnh đều đang cắm mặt vào cái màn hình điện thoại để nhắn tin. Cứ thế bảo sao tai nạn xảy ra”.

 

Bên cạnh ý thức của người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng cũng là một vấn đề nhức nhối của ngành đường sắt Việt Nam khi tuyến đường sắt vẫn chạy qua nhiều khu dân cư, giao cắt nhiều đường bộ, hệ thống cảnh báo còn nhiều bất cập...

 

Tamle, thành viên diễn đàn Web Trẻ thơ nhận định, “Thực sự đường sắt Việt Nam giờ có quá nhiều điểm giao nhau với đường bộ, mà những điểm không có rào chắn thì thực sự nguy hiểm. Ở đó, người dân khi tham gia giao thông thường chủ quan, coi thường”.

 

Kỷ niệm kinh hoàng thành viên Tamle nhớ lại: "Có một lần mình cũng băng qua đường sắt thì tàu vừa đến! Đúng là khoảnh khắc vô hồn. Nghĩ lại vẫn còn thấy run rẩy, hoảng loạn…”. Trong một lần khác, thành viên này đã trải qua những giây phút không thể quên trên tàu khách hiệu SE, khi tàu này va quệt với hai người đi xe máy.

 

Tamle kể: “Thực sự rất sợ hãi, tàu đang đi với tốc độ thật nhanh, bỗng khực khực rồi phanh gấp lại, mấy đứa trẻ con đang chơi trên tàu xô đẩy vào nhau. Một cảm giác ớn lạnh chạy qua xương sống. Tai nạn đã xảy ra. Tất cả nhân viên trên tàu tá hỏa chạy về trung tâm. Đó là một sự việc đau lòng…”.

 

Trên diễn đàn Otofun, nhiều thành viên đã kể lại những kỷ niệm nhớ đời. Anh Nguyễn cho biết: “Tôi suýt bị tai nạn một lần như thế, sợ đến già luôn. Đợt đó cả nhà tôi đi xe tới nhà ông anh rể tương lai ở Thường Tín, phải đi cắt qua đoạn giao đường sắt để vào làng. Lối lên thì dốc, hai bên cỏ dại mọc đầy, nếu chỉ nhìn hai hướng sẽ không thể nhận ra là có tàu tới. Trong xe thì cách âm tốt không nghe thấy tín hiệu.

 

Xe nhà tôi định từ từ đi qua, may mà có một bác tài xế đi sau đá pha liên tục và dân ra dấu nên mới dừng lại thì vừa lúc tàu hỏa lao qua luôn. Sau này, nói chuyện với mọi người mới biết đó chính là chỗ xe chở 29 người đi ăn hỏi bị tàu hỏa đâm cuối năm 200.

 

Từ đấy tôi rút ra kinh nghiệm là không chỉ quan sát từ trong xe mà phải kéo kính xuống để nghe ngóng rồi hẵng cho xe qua. An toàn hơn là xuống hẳn đường mà quan sát khi đi qua những đoạn như vậy. Mong là không bao giờ còn những vụ tai nạn như thế nữa”, Anh Nguyễn kết luận.

 

Thành viên GaqueQD kể: “Nhà tôi cách đường tàu 50m nên thành phản xạ rồi, cứ lại gần đường tàu là đi chậm, về số, chỉnh tay lái để không vuông góc với đường tàu, hạ kính, nhìn trái và phải, nghe tín hiệu và tiếng tàu hỏa rồi mới dám đi qua. Nhưng nhiều người đi qua đường tàu chẳng có tí cảnh giác nào.

 

Lần kinh hoàng nhất là thấy một bác đi qua đường tàu để… tè, lúc xong quay ra đúng giữa đường tàu thì đứng lại nhìn về phía Nam. Trong khi tàu hỏa từ phía Bắc lao tới, đèn còi nháy loạn mà bác vẫn không nhận ra. Tàu hỏa phanh tóe lửa thì bác đấy mới quay lại và nhảy ra kịp, chắc chỉ còn cách đầu tàu khoảng 1m”...

 

Theo Đất Việt/ Vietnamnet