Giới trẻ đi “phượt”: Muốn nói ngoa, đi xa về mà nói

Vài năm trở lại đây, những chuyến du hành mang chút hơi hướng “bụi đời” của nhiều bạn trẻ đã có những thay đổi đến kinh ngạc.

Giới trẻ Hà Nội hiện đại theo "chủ nghĩa xê dịch" rủng rỉnh tiền bạc ngày nay dường như không cần đến cuốn sách cũ Marco Polo du ký để lên giây cót tinh thần cho mỗi chuyến đi xa.

 

Thay thế vào đó đã có nhan nhản diễn đàn mạng “phượt” (du lịch bụi) tung hô, đủn nhau đi chinh phục thử thách mọi vùng đất, ngõ ngách, rừng thẳm núi cao trên thế giới. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây thì những chuyến du hành mang hơi hướng có chút “bụi đời” của nhiều bạn trẻ đã có những thay đổi đến kinh ngạc.

 

Nếu như trước đây chinh phục núi rừng Tây Bắc, đỉnh Phan Xi Păng, điểm cực Đông của Tổ quốc hay lang bạt xuyên Việt thì thứ "phượt trẻ con" đó có lẽ được coi chỉ dành cho  dân "newbie" (người mới bắt đầu).

 

Xu thế "phượt" tân thời đã bắt đầu ngấp nghé vươn ra thế giới như đang là thời thượng. Tất nhiên là rất tốn tiền, vậy nên những nhóm tiên phong "đi bụi quốc tế" thuộc về lứa đàn anh thành đạt trong kinh doanh mê "phượt" có thể kể đến như Tabalo, một cách gọi đối xứng với cách chúng ta hay gọi người nước ngoài đi du lịch bụi là "Tây balô".

 

Một số thành viên của nhóm này đã mò mẫm sang  tận Mông Cổ, thuê xe máy lớn chạy xuyên các cao nguyên xanh mướt, hình ảnh của họ đăng tải trên các diễn đàn tất nhiên là quá đẹp, hớp hồn và thôi thúc những tâm hồn trẻ mang đôi chân bay nhảy như muốn vỡ òa.

 
Giới trẻ đi “phượt”: Muốn nói ngoa, đi xa về mà nói

Steve Tran với những bức tượng đá nổi tiếng trên đảo Phục Sinh, nằm ngoài khơi xa nhất có con người sinh sống ở Chi Lê

 

Dân đi du lịch bụi ra nước ngoài có nhiều loại, nhưng phổ biến kiểu trớt trát đi "cắm cờ" kiểu Tôn Ngộ Không đánh dấu trên cột chống trời. Ở phía Bắc, nổi tiếng đi nhiều, biết nhiều và thừa điềm đạm trên báo chí phải nhắc đến Việt Anh, tên trên mạng nhiều người biết tới là Steve Trần.

 

Sải chân phiêu bạt của Việt Anh, chàng trai Việt cứng cáp ở độ 40 ghi dấu từ Bắc Triều Tiên đến Trung Đông, từ rừng rậm Amazon Nam Mỹ sang châu Phi, từ Tây Tạng đến thánh địa Jerusalem…

 

Hỏi về những quốc gia anh từng đi bụi, thì trong một vẻ rất chân thành anh "không đếm và cũng chưa bao giờ đếm". Quan điểm anh rõ ràng, mạch lạc là đi du lịch không phải để “lấy thành tích” mà để cảm nhận, năm 2007 một tạp chí du lịch của Mỹ từng ghi danh anh "người Việt đầu tiên đi vòng quanh thế giới".

 

Tất nhiên dù là một doanh nhân làm ăn phát đạt, nhưng những nơi Steve Trần đi qua không mang những màu sắc phồn hoa, nặng mùi đô thị để shopping mua sắm như Hongkong, Paris hay London... Đó là những vùng hoang vu, ngóc ngách hẻo lánh không dành cho dân du lịch thông thường, phải kể đến như khu vực Trung Đông, Bolivia, Isarel...

 

Trong một đoạn phỏng vấn với một tờ báo của Úc, Việt Anh bày tỏ quan điểm hành trình của anh: "Tôi muốn giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới, đồng thời phản ánh lại hình ảnh thế giới qua con mắt của một người Việt với các bạn trẻ ở Việt Nam. Đi là trải nghiệm mọi giác quan như mắt thấy, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi".

 
Nhiều bạn trẻ muốn được trải nghiệm tại những vùng đất xa lạ

Nhiều bạn trẻ muốn được trải nghiệm tại những vùng đất xa lạ

 

Khác một chút với vị doanh nhân trẻ kể trên, giới trẻ thế hệ 8X ưa thích tung cánh "giang hồ" chắc chắn phải nhắc đến Maika, cô bé kể chuyện ảnh. Maika cũng lại là một nickname trên thế giới Internet của Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1986, tốt nghiệp ngành xã hội học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, nhưng Maika lại được biết đến như một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi nhiều thành công và đi lang bạt cũng rất nhiều.

 

Cô gái mang nụ cười rạng rỡ, dáng người nhỏ nhắn, mảnh mai đến kinh ngạc như thể dễ dàng lách vừa bất kỳ khe hẹp bãi gửi xe gắn máy đông đúc nào ở Hà Nội. Hải “Maika” thích di chuyển và luôn gắn với những chuyến đi dài ngày. Đó là những chuyến đi chụp ảnh cho dự án của các tổ chức nước ngoài hay yêu cầu của khách hàng, nhưng cũng có khi đơn giản là một chuyến đi tự do cùng nhóm bạn đam mê tới Ấn Độ, cao nguyên Tây Tạng, Miến Điện...

 

Niềm đam mê với nhiếp ảnh giữ chân Maika cho đến khi cô sinh viên ngành xã hội học ra trường năm 2008 và gắn bó với nó như một thứ nghiệp của đời, để tích cóp và rồi lại để bay nhảy trên những mảnh đất xa lạ ngoài biên giới.

 

Bố mẹ Hải đã nhiều lần gợi ý sẽ đi xin việc cho con gái để có thể "làm công việc ổn định, ngồi văn phòng chứ không phải đi lông bông ngoài đường". Nhưng trong những lần đi học hay dự những hội thảo về ảnh tại các nước, câu chuyện về những bạn trẻ ở nước ngoài thích chụp ảnh và sống hạnh phúc với niềm đam mê của mình, Maika càng tăng thêm niềm tin và sự quyết liệt theo nghề ảnh và lại để được đi xa.

 

Mới đây, giới đi "phượt" xôn xao và báo chí đăng tải khá nhiều về chuyện cô gái bé nhỏ Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền "chíp") 20 tuổi độc hành lang bạt thế giới với hành trang nhỏ gọn và quan trọng hơn cả chỉ với 700 USD trong túi.

 
Huyền chip - Cô bạn khiến giới trẻ đam mê phượt phát cuồng bởi những câu chuyện kể thành sách.

Huyền "chip" - Cô bạn khiến giới trẻ đam mê phượt "phát cuồng" bởi những câu chuyện kể thành sách.
 

Theo lời Huyền, cô gái Việt Nam 20 tuổi này đã đi tới 25 quốc gia trên thế giới, cô đã đến cả những nơi nguy hiểm như Kashmir, Palestine, Israel… Hiển nhiên với thời đại thông tin mở toang trên thế giới "phẳng" thì những điều phi thường đều kèm theo sự phân tích sự phi lý của nó.

 

Không loại trừ khả năng đây là cách cô gái nhỏ bé lên giây cót để ra mắt cuốn sách "Xách ba lô lên và đi". "Xách ba lô lên và đi" với phần một mang tên "Châu Á là nhà. Đừng khóc!" là cuốn du ký của một cô gái kỳ lạ.

 

Tốt nghiệp trung học, không chọn vào đại học như bao bạn bè cùng lứa, Huyền "chíp" sang Malaysia để làm những việc "phù hợp hơn với mình". Rồi đột ngột, cô quyết định từ bỏ tất cả để thực hiện một hành trình không biết trước có thực hiện được hay không.

 

Theo lời kể lại, cô đã làm đủ nghề để kiếm sống từ hái hoa quả, làm việc trong sòng bạc, tổ chức sự kiện đến viết bài cho một trang web về công nghệ. Mất hai năm để đi và cũng mất ngần ấy thời gian để hoàn thành cuốn sách. Huyền viết trong tựa sách: "Trước hết, tôi cần nhấn mạnh lại rằng tôi đi chuyến đi này đơn giản vì đó là mơ ước của tôi. Tôi đi không để chứng minh điều gì cả. Tôi cũng không đi để thay đổi cuộc sống của ai cả, trừ cuộc sống của chính tôi".

 

Quan điểm là vậy nhưng nhìn cách cô gái bé nhỏ chia sẻ với các bạn trẻ háo hức đón chờ cuốn sách tại Hội chợ Sách, tôi chợt thấy nghi ngại. Phải chăng Huyền đang thổi vào những tâm hồn "trẻ trâu" mơ ước, hoài bão đầy nguy hại lang bạt tới những nơi nguy hiểm quá mức, có đáng để khuyến khích những người trẻ Việt đi đến đó.

 

Và hỏi về hành lý cô mang theo trong chuyến hành trình dài ngày của mình, Huyền trả lời  tỉnh bơ kiểu như: "Có khi cũng chả cần gì. Áo quần cũng chỉ cần 2 - 3 bộ, thiếu thì mua. Mà hết tiền mua áo quần thì khỏi thay đồ luôn", cách trả lời như vậy bạn đọc tại Hội chợ Sách sẽ học được gì từ những chia sẻ của cô gái phi thường này?

 

Có nhiều độc giả gửi phản hồi về một bài báo nói về chuyến đi của Huyền rằng có nên chấp nhận cạm bẫy và nguy hiểm đến cả tính mạng để được người khác ca ngợi tâng bốc mình là người can đảm, mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, là người rất có nghị lực, vậy mới là tuổi trẻ. Có đáng để đánh đổi những lời khen này không?

 

Chưa kể sự lo lắng của người thân, nhất là cha mẹ khi con mình tự dưng bỏ học "đi liều" đến những nơi xa nguy hiểm vì trong người chỉ có vài trăm USD. Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh nếu con gái của mình tự dưng đang đi học bỏ ngang đi lang bạt khắp nơi, với lý do là để thỏa mãn sở thích, ước mơ tự do, để tự khám phá, để khẳng định mình trước mọi người. Đó sẽ là một ác mộng!

 

Cũng theo lời kể của Huyền còn nhiều điều như: "Khi đặt chân đến đâu, tôi đi làm thêm ở đó một thời gian, dành dụm tiền rồi lại đi tiếp". Tôi cũng là người có được đi đây đi đó, luật pháp ở các nước luôn có quy định về người lao động nước ngoài rất khắt khe, khi được cấp visa du lịch thì đó cũng là một rào cản lớn để "thích làm gì thì làm", và theo cách của Huyền chắc chắn đã được coi là lao động bất hợp pháp, nếu bị phát hiện chắc chắn sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí có thể ngồi tù. Chưa kể thời gian lưu trú tại một số quốc gia cô gái đã "đi qua và làm việc" đều không thể quá 30 ngày.

 

Đó chỉ là một vài chi tiết rất nhỏ đã được nhiều bạn đọc phân tích cho thấy cô gái này đã tạo dựng hành trình du lịch với nhiều điều không thật và cũng khó có thể gọi là "đi vòng quanh thế giới" được nếu muốn vì những rào cản visa như đã nói ở trên.

 

Trước đó không lâu, giới trẻ Việt và báo chí đã từng bị hớ bởi một ký sự đi bụi một mình 42 ngày qua nhiều nước châu Âu của một chàng hotboy lớp 11 mà được cư dân mạng phong là "Thần gió Trần Tam Linh". Chữ "thần gió" ở đây ám chỉ từ lóng "chém gió", nói xạo một cách thái quá.

 

Giới trẻ đô thị ngày nay dường như luôn có xu hướng "nổi loạn". "Nổi loạn" ở đây hiểu theo nghĩa là muốn được thể hiện mình và được nhiều người quan tâm. Một trong nhiều cách họ thường lựa chọn là đi du lịch, chinh phục những địa danh khó tiếp cận.

 

Riêng từ đầu năm tới giờ đã có 2 bạn trẻ đam mê "phượt" ra đi mãi mãi trên đường lên Phan Xi Păng và một bạn khác tại điểm cực Đông của Tổ quốc. Những chuyến đi mạo hiểm luôn tiềm tàng nhiều nguy cơ, cần được trau dồi kinh nghiệm, thử thách, có người hướng dẫn chứ không phải là cách hứng thú "xách ba lô lên và đi" như nhiều người đang vô tình cổ xúy.

 

Anh Trần Việt Anh trong tâm thế của người đã trưởng thành cứng cáp đi nhiều chỉ rút ra một nhận xét nhỏ: "Đi là để được chứng kiến nhiều sự kiện, được va chạm, được giao thoa với nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa trên thế giới, nhiều nơi con người dù khác biệt ngôn ngữ vẫn cố gắng để thấu hiểu nhau. Một khi mình đã bước ra thế giới, mình sẽ thấy mỗi cá nhân thật bé nhỏ trong thế giới rộng lớn này".

 

Theo Trí Minh

ANTG