“Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa”

(Dân trí) - “Chọn ngành học cũng giống như lựa chọn quần áo vậy. Nếu bạn chọn một bộ quần áo đắt tiền, sành điệu mà không vừa thì cũng phí hoài”, Th.S Phạm Mạnh Hà, khoa Tâm lý ĐH KHXH & NV Hà Nội chia sẻ.

Sáng chủ nhật vừa qua, tại ĐH Bách Khoa HN, rất đông các bạn học sinh THPT đã được tư vấn tâm lý, gỡ rối hướng nghiệp và tư vấn dinh dưỡng trong Ngày hội tuyển sinh hướng nghiệp 2011.

 

TS Tâm lý học Trịnh Thị Linh, khoa Tâm lý, ĐH KHXH & NV Hà Nội chia sẻ: “Quan tâm hàng đầu của các bạn hiện nay là làm thế nào để chọn ngành, chọn trường thi phù hợp. Ngoài ra các bạn cũng muốn được tư vấn phương pháp học tập hiệu quả,…”

 
“Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa” - 1
 
Tập trung điền phiếu trắc nghiệm khám phá nghề nghiệp phù hợp qua tính cách
 

Câu hỏi xuất hiện nhiều nhất trong ngày tư vấn là nên dự thi trường bố mẹ định hướng hay trường mình thích.

 

Qua câu hỏi của các bạn học sinh dễ nhận thấy còn khá nhiều bậc phụ huynh có quan niệm sai lầm về giáo dục hiện đại như cho rằng học khối C ra trường sẽ nghèo, muốn thu nhập cao phải học ngành Kinh tế, tốt nghiệp trường danh tiếng mới dễ xin việc,…

 

Th.S Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lý, ĐH.KHXH&NV Hà Nội hài hước chia sẻ cách để bố mẹ đồng ý với nguyện vọng là cùng bố mẹ đi mua quần áo, con trai chọn một bộ đồ nữ, con gái chọn đồ của nam. Nếu bố mẹ nói phải chọn quần áo phù hợp với giới tình thì trình bày với bố mẹ lựa chọn ngành học cũng phải phù hợp với năng lực và nguyện vọng của con.

 

TS Tâm lý học Trịnh Thị Linh thì dẫn ra câu chuyện về một bạn học đến năm thứ 4 của ĐH Bách Khoa vẫn quyết định dừng lại sang Ấn Độ du học về…nhạc vì lựa chọn ban đầu không đúng với sở thích.

 

“Nên trao đổi lại với bố mẹ để đi đến thống nhất, nhẹ nhàng giải thích cho bố mẹ hiểu để có cơ hội theo đuổi ngành học yêu thích”, cô Linh nhấn mạnh.

 
“Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa” - 2
“Em thích sửa chữa máy móc, tìm hiểu cơ chế hoạt động của máy móc thì nên thi ngành gì?”
 

Một bạn nam đỏ mặt, tía tai tâm sự từ ngày có cảm tình với một bạn nữ trong lớp thì không tập trung vào học được. TS Trịnh Thị Linh khuyên bạn nên dành mỗi ngày từ 10 – 15 phút chơi xếp hình hoặc lắp ráp mô hình để rèn luyện sự tập trung.

 

Đây là một phương pháp đã được áp dụng nhiều với trẻ em quá năng động, không chịu ngồi yên một chỗ. Ngoài ra luyện thở từ 5 – 10 lần những lúc căng thẳng sẽ giúp nhịp tim đều đặn và giảm stress.

 

Nói về phương pháp học, TS.Trịnh Thị Linh cho biết: “Sơ đồ hóa sẽ trở về trong trí óc chúng ta đầu tiên chứ không phải những trang giấy dày đặc chữ”.

 

“Học quá tải không nghỉ ngơi cũng không khác gì đổ chai nước quá đầy, phần rớt ra ngoài sẽ lãng phí. Hãy quan niệm học Đại học chỉ là phương tiện chứ đừng nghĩ là mục tiêu duy nhất. Xác định học mà chơi, chơi mà học thì mới đạt được hiệu quả.”, Th.S Phạm Mạnh Hà nói.

 
“Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa” - 3
Học quá tải cũng giống như nước bị đổ ra ngoài.
 

TS. Lê Thị Thanh Mai, phó trưởng Ban đào tạo ĐHQG TP.HCM đưa ra lời khuyên: Nguyện vọng 2 (NV2) những trường top trên hầu hết chỉ dành cho những bạn có điểm thi cao nhưng vẫn không đỗ trường NV1. Vì thế những bạn có sức học trung bình thì ngay từ đầu nên xác định một trường vừa sức có thể đỗ ngay từ NV1, đừng ỷ vào NV2.

 

Th.S Phạm Mạnh Hà dẫn chứng một nghiên cứu về thí sinh học NV2 đã cho kết quả 50% sinh viên học NV2 không thỏa mãn với ngành nghề của mình.

 

Chia sẻ về bí quyết giữ gìn sức khỏe mùa thi, PGS.TS Lê Bạch Mai, phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng khuyên các bạn nên ăn đủ chất, tránh ăn mì ăn liền vì có thể làm tăng huyết áp. Để trí óc minh mẫn, ôn thi hiệu quả cần ngủ đủ giấc, tuy nhiên không được thả mình ngủ nhiều quá, buổi trưa chỉ cần 30 phút. Với những “con sâu ngủ” thì phải biết tự nghiêm khắc với bản thân mình.

 

Tham dự Ngày hội tuyển sinh hướng nghiệp 2011 các bạn còn có cơ hội làm trắc nghiệm trên máy tính và bản in để khám phá nghề nghiệp phù hợp qua tính cách. Vừa làm trắc nghiệm, Nguyễn Ngọc Ánh, lớp 12A11, THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, HN) vừa cho biết: “Em muốn dự thi ngành Ngân hàng nhưng có quá nhiều trường khiến em bị rối”.

 

Trịnh Thịnh Quân, lớp 12D3, THPT Quang Trung và Lê Tuấn Anh, lớp 12A2 THPT Ngọc Hồi thoáng chút bối rối khi nhận được kết quả tư vấn ngành học từ phiếu trắc nghiệm trái ngược hẳn với ngành thi dự định. Các bạn nói sẽ tham khảo để có được lựa chọn tốt nhất. Thực tế cho thấy rất nhiều bạn lựa chọn dựa trên cảm quan chứ chưa thực sự hiểu về ngành học yêu thích.

 
“Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa” - 4
Chăm chú lắng nghe tư vấn
 
“Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa” - 5
TS.Lê Thị Thanh Mai khuyên các bạn nên cân nhắc thi trường vừa sức ngay từ NV 1.

“Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa” - 6
Làm trắc nghiệm trên máy tính.

“Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa” - 7


“Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa” - 8

Chờ lấy kết quả sau trắc nghiệm
 

Phương Nhung