DNews

Ukraine dựng bức tường thép, "náu mình chờ thời" phản công Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau cuộc phản công bất thành và đạn dược ngày càng cạn kiệt, Ukraine chuyển sang phòng thủ tích cực để chờ thời cơ đạt ưu thế trước Nga bằng cách xây loạt hệ thống phòng tuyến kiên cố.

Ukraine dựng bức tường thép, "náu mình chờ thời" phản công Nga

Các đường chiến hào liên tiếp được đào cạnh nhau, hệ thống răng rồng bê tông và trung tâm chỉ huy dưới lòng đất xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực Ukraine kiểm soát gần tiền tuyến.

Các công sự mới đã mọc lên dọc theo các đoạn quan trọng của hơn 1.000km mặt trận khi Ukraine thay đổi chiến thuật từ phản công dồn dập sang "phòng thủ tích cực".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối năm ngoái tuyên bố Kiev đang "tăng cường đáng kể" hệ thống các công sự, chiến hào. Theo Telegraph, Ukraine dường như đang xây dựng các "phòng tuyến Surovikin" giống như cách mà Nga đã thực hiện năm ngoái. 

Phòng tuyến Surovikin

Ukraine dựng bức tường thép, náu mình chờ thời phản công Nga - 1

Sơ đồ phòng tuyến do Nga bố trí (Ảnh: Deepstate).

Trước khi Ukraine mở cuộc phản công lớn vào tháng 6/2023, Nga đã có nhiều tháng để thiết lập các vị trí phòng thủ, điều mà Ukraine cho rằng là kết quả của việc Kiev phải chờ vũ khí từ phương Tây trước khi bắt đầu phản công.

Moscow đã xây dựng một hệ thống phòng thủ như "bức tường thép" được gọi là "Phòng tuyến Surovikin".

Đây là một loạt các chướng ngại vật và công sự kết nối và đan xen trên lãnh thổ do Nga kiểm soát. Việc xây dựng bắt đầu dưới sự giám sát của tướng Nga Sergey Surovikin, cựu tổng chỉ huy chiến trường của Moscow vào mùa thu năm 2022, để đáp trả cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine ở Kharkov.

Phần chính của phòng tuyến bao gồm 3 lớp chướng ngại vật và vị trí chiến đấu; được bảo vệ ở phía trước bởi các bãi mìn. Sau các bãi mìn là lớp đầu tiên của phòng tuyến - hệ thống hào nhằm ngăn chặn xe tăng và thiết giáp hạng nặng tiến về phía trước.

Tiếp theo là phòng tuyến răng rồng làm bằng bê tông được thiết kế để ngăn chặn các phương tiện đối phương. Và xa hơn nữa là những chiến hào với các binh sĩ Nga trong vị trí chiến đấu.

Cộng đồng tình báo nguồn mở Ukraine DeepState đã xử lý các dữ liệu về sự chuẩn bị của Nga dựa vào phân tích hình ảnh vệ tinh ở các khu vực mà Moscow đang kiểm soát từ tháng 6 tới tháng 10/2023. 

Cụ thể, theo DeepState, tổng chiều dài phòng tuyến mà Nga xây dựng là khoảng 6.000km. Chúng kéo dài từ hướng nam sang đông, qua các vùng Kherson (886km), Zaporizhia (1.869km), Donetsk (1.865km), Lugansk (1.140km) và Crimea (265km) và tiến sâu hơn vào phía sau.

Tất cả những phòng tuyến này đều được đào mới, chưa tính đến những công sự được xây dựng từ năm 2014 khi lực lượng ly khai ở Donbass đối đầu với quân đội Ukraine.

Để đạt được đà tiến, Ukraine phải xuyên qua các pháo đài kiên cố của Nga, một nhiệm vụ phức tạp và gây thiệt hại lớn về cả vũ khí lẫn nhân lực. Điều này lý giải vì sao Ukraine khó tiến nhanh khi phản công.

Tới tháng 9/2023, Ukraine đã đạt được một số bước tiến khi xuyên qua được 2 lớp phòng thủ của Nga. Vào thời điểm đó, NATO ước tính Ukraine nhích được khoảng 100m mỗi ngày.

Tuy nhiên, trước những chướng ngại vật dày đặc, Ukraine đã trở nên bế tắc trong những tháng sau đó khi không thể nhích thêm được đáng kể trên tiền tuyến. Cuộc phản công của Ukraine sau đó đã bất thành, khiến họ tiêu hao lượng lớn nguồn lực, vũ khí phương Tây.

Vào tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 125.000 binh sĩ và 16.000 đơn vị vũ khí sau 6 tháng phản công.

Ukraine chưa bình luận về các con số do Nga cung cấp. Rất khó xác minh độc lập những thông tin này do các bên trong một cuộc chiến có xu hướng cung cấp những con số gây bất lợi cho đối phương như một đòn tâm lý chiến.

Ukraine xây "bức tường thép"

Ukraine dựng bức tường thép, náu mình chờ thời phản công Nga - 2
Ukraine dựng bức tường thép, náu mình chờ thời phản công Nga - 3
Ukraine dựng bức tường thép, náu mình chờ thời phản công Nga - 4

Hai khu vực phòng thủ chính của Ukraine (Đồ họa: WSJ)

Sau giai đoạn phản công ồ ạt, Ukraine đối mặt với tình trạng cạn kiệt vũ khí, đồng thời nguồn viện trợ từ phương Tây trở nên nhỏ giọt.

Mỹ đang vướng bất đồng trong nội bộ dẫn tới viện trợ bị đình trệ trong thời gian qua. Liên minh châu Âu thừa nhận sẽ không thể giữ đúng cam kết viện trợ cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3 năm nay.

Ukraine từng bắn ra 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày trong giai đoạn phản công, nhưng tới nay họ chỉ còn có thể bắn ra 2.000 quả. Bên cạnh đó, Nga đã tăng cường sản xuất quốc phòng, nâng cao tiềm lực quân sự và tấn công Ukraine dồn dập ở các điểm nóng trong thời gian qua bất chấp mùa đông lạnh giá.

Đó là lý do mà Ukraine không còn nhiều lựa chọn ngoài việc phải chuyển sang phòng thủ tích cực.

Ukraine dựng bức tường thép, náu mình chờ thời phản công Nga - 5

Phòng tuyến răng rồng chăng dây thép gai của Ukraine ở Kupiansk, Kharkov (Ảnh: Reuters).

Theo Telegraph, công tác chuẩn bị phòng thủ của Ukraine đã được tăng cường xung quanh các thị trấn Lyman và Avdiivka của Donetsk, cũng như Kupiansk ở khu vực Kharkov lân cận.

Các công sự cũng được xây dựng dọc theo biên giới của Ukraine với Nga và Belarus, cho đến tận biên giới với Ba Lan.

Telegraph nhận định, hệ thống phòng thủ mới của Ukraine gần giống với cái gọi là "phòng tuyến Surovikin" của Nga, hệ thống 3 lớp gồm hào, bẫy xe tăng và cứ điểm.

Các bãi mìn gây thách thức cho đoàn xe tăng, xe bọc thép cũng được xây dựng ở các khu vực, nhằm khiến Nga phải đối phó với những gì mà Kiev đã trải qua hơn nửa năm trước.

Khi đi sâu hơn vào vùng lãnh thổ mà Ukraine đang kiểm soát, Kiev bắt đầu đào thêm mạng lưới chiến hào và các trung tâm chỉ huy mới. Ở những nơi quân Ukraine có nhiều vị trí phòng thủ tĩnh, họ đặt một loạt công sự cách nhau khoảng 1,5km.

"Mỗi pháo đài có thể tự bảo vệ mình từ mọi hướng. Cần phải giành được hết chúng thì một lực lượng mới có thể tiến lên", Clement Molin, người đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu Atum Mundi của Pháp, cho biết.

Tại Avdiivka, khu vực mà Nga đang tập trung nguồn lực để tấn công, Ukraine đã đặt các hệ thống phòng thủ chính cách tiền tuyến khoảng 16km. Tại đây, Ukraine cũng tận dụng hàng loạt những chướng ngại vật tự nhiên như sông, hồ.

Xa hơn nữa, thành phố Pokrovsk được bảo vệ bởi hệ thống hào 2 lớp chạy khắp thành phố. Nó nằm cách chiến tuyến khoảng 40km. Nếu Nga giành được Avdiivka và muốn kiểm soát toàn bộ Donetsk, Pokrovsk dự kiến sẽ là mục tiêu kế tiếp.

Ukraine dựng bức tường thép, náu mình chờ thời phản công Nga - 6

Tuyến phòng thủ của Ukraine bao gồm các chiến hào bê tông và trung tâm chỉ huy dưới lòng đất (Ảnh: Reuters).

Hệ thống phòng thủ mới được xây dựng kiên cố nhất là xung quanh Chernihiv, khu vực phía bắc Ukraine, mà Nga từng tấn công trong những tháng đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Theo Reuters, Kiev đã tăng cường 63% các công sự phòng thủ ở phía bắc đất nước. Ukraine đã đào hào, rãnh chống tăng rộng khắp khu vực phía bắc, nhằm ngăn Nga có thể di chuyển tới Kiev một lần nữa. Các phòng tuyến răng rồng bê tông đều được bao phủ bởi những cuộn dây thép gai ở khu vực này.

Anthony King, giáo sư đại học Exeter (Anh) cho rằng, Ukraine cần hướng tới việc xây dựng một mạng lưới các thành trì và cứ điểm trong cũng như xung quanh các thị trấn và làng mạc gần tiền tuyến. Mục tiêu của việc này nhằm khiến Nga kể cả có giành được các khu vực cũng phải trả giá đắt.

Mặt khác, từ các cứ điểm, Ukraine sẽ phải tìm cách tấn công vào hậu phương và tuyến tiếp tế của Nga để giảm nguồn lực đối phương, ngăn Moscow tận dụng ưu thế về vũ khí nhằm áp đảo thế trận.

Những thách thức

Ukraine dựng bức tường thép, náu mình chờ thời phản công Nga - 7

Hàng rào dây thép gai ở một khu vực Ukraine đặt phòng tuyến (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, Ukraine phải đối mặt với thế khó với chiến thuật này.

Thứ nhất, Ukraine có nguồn lực giới hạn so với Nga, nên phòng tuyến của Kiev khó có thể so sánh với độ vững chắc của Moscow. Tiền tuyến dài 1.000km đòi hỏi nguồn lực khổng lồ về cả nhân sự, khí tài để xây dựng hệ thống kiên cố nhiều lớp, trải dài.

Ngoài ra, tại các điểm phòng thủ, Ukraine cũng cần phải có hệ thống hỏa lực như một lớp bảo vệ để ngăn đối thủ tiến lên phía trước. Với tình trạng đạn dược khan hiếm như hiện tại, Kiev đối mặt với bài toán khó của việc cân bằng giữa phòng thủ và đảm bảo nguồn lực để tiếp tục nuôi hy vọng sẽ tiếp tục phản công.

Các chuyên gia Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế Michael Kofman, Dara Massicot và chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Rob Lee, nhận định: "Trong khi cuộc chiến đang trong tình trạng bế tắc, Nga nắm giữ các lợi thế về nguồn lực, công nghiệp và nhân lực vào năm 2024".

Mặt khác, Ukraine không thể xây dựng các công sự kiên cố để ngăn đà tiến của Nga vì chúng có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch phản công trong tương lai của Kiev. Đây là điều mà giới chính trị Ukraine không mong muốn.

Edward Arnold, thuộc Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết: "Vấn đề đối với người Ukraine là họ không muốn chiến sự rơi vào trạng thái tĩnh vì điều này không tích cực về quan điểm chính trị".

Ukraine dựng bức tường thép, náu mình chờ thời phản công Nga - 8

Binh sĩ Ukraine dưới một tuyến phòng thủ (Ảnh: Reuters).

Đó là lý do vì sao Ukraine muốn "phòng thủ chủ động". Khái niệm này là sự kết hợp giữa mục tiêu giữ các tuyến phòng thủ trong khi tiếp tục hành động tấn công với hy vọng tìm ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng tuyến của Nga để khai thác.

Đây là chiến thuật mà Ukraine đã sử dụng thành công trong cuộc phản công vào tháng 9/2022 khi Kiev giành lại được một phần lớn lãnh thổ ở Kharkov.

Vì vậy, nguyên lý xây phòng tuyến của Ukraine sẽ là linh hoạt ở tiền tuyến, nhưng gia tăng kiên cố khi di chuyển sâu xuống vùng lãnh thổ mà Kiev nắm giữ.

Mục tiêu cho năm 2024 đối với Ukraine dường như là tái tạo sức mạnh chiến đấu cho một cuộc phản công lớn trong tương lai, có thể là vào năm 2025. 

Theo ông Arnold, việc duy trì một tuyến phòng thủ linh hoạt sẽ cho phép quân đội Ukraine giữ được lãnh thổ nhưng cũng đảm bảo họ sẵn sàng tác chiến nếu có cơ hội tấn công.

"Phòng thủ tĩnh hiếm khi là một ý tưởng hay đối với quân đội, bởi vì nó ảnh hưởng tới khả năng cơ động của đơn vị đó", ông nói thêm.

Mặt khác, Ukraine đang đối mặt với mối đe dọa khi viện trợ phương Tây đang đổ vào nhỏ giọt. 

Các chuyên gia Kofman, Massicot và Lee cảnh báo: "Nếu sự hỗ trợ của phương Tây tiếp tục giảm, Ukraine sẽ thất thế trong cuộc chiến tiêu hao vì họ cạn kiệt nguồn lực. Lúc này, Kiev sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga nhưng trong thế yếu".

Theo Telegraph, Moscow Times, War on The Rock

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine