Người Việt ở Pháp: Vẫn thiếu món ăn tinh thần Việt

Trong những ngày đầu Xuân Quý Tỵ, phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với anh Võ Xuân Hoài - Tổng Thư ký Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) về cuộc sống của du học sinh Việt Nam ở đất nước hoa lệ này.

Các sinh viên Việt Nam ở Pháp bên nồi bánh chưng ngày Tết như ở quê nhà.

Các sinh viên Việt Nam ở Pháp bên nồi bánh chưng ngày Tết như ở quê nhà.

Về tham dự Chương trình Xuân Quê hương và đón Tết cổ truyền cùng gia đình, có lẽ anh đã phải bỏ lỡ nhiều hoạt động đón Xuân của UEVF?

Đúng vậy! Nhưng chắc chắn các bạn ấy sẽ tổ chức rất tốt các hoạt động đón Xuân Quý Tỵ vì Ban Chấp hành UEVF có nhiều thành viên, người này vắng mặt thì những người khác hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt công việc Hội. Hơn nữa, Hội sinh viên Việt Nam ở Pháp có tới 24 chi hội với 6.500 hội viên - trong đó chi hội Paris là lớn nhất với 3000 du học sinh người Việt. Nhiều anh chị đã học xong, ra trường và đi làm nhưng vẫn là hội viên của Hội sinh viên và tham gia hoạt động Hội rất nhiệt tình. Có thể nói, UEVF là Hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài lớn nhất thế giới và có những hoạt động sôi nổi thường xuyên nhất.

Những dịp Lễ, Tết của người Việt chính là cơ hội để cộng đồng người Việt tại Pháp tổ chức những hoạt động nhằm quảng bá văn hóa, hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè Pháp và cộng đồng quốc tế. Bình thường, một người dân Pháp mà biết đến phở, đến nem của Việt Nam đã là rất mừng rồi - muốn họ biết về đất nước mình nhiều hơn nữa thì cần có những hoạt động cộng đồng thường xuyên hơn.

Được biết anh đảm nhiệm cương vị Tổng Thư ký của Hội với tuổi đời rất trẻ. Anh có thể chia sẻ đôi nét về hành trình hoạt động Hội của mình không?

Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải ở Việt Nam, tôi tìm được học bổng sang Pháp để học chuyên ngành xây dựng. Tuy nhiên, vì học ở Việt Nam là học tiếng Anh mà sang đó lại học bằng tiếng Pháp nên thời gian đầu, tôi đã rất vất vả với việc học ngoại ngữ.

Nhiều tháng ròng, tôi và một bạn học người Mexico cứ tối tối lại cắp sách xuống luyện đọc và giao tiếp tiếng Pháp cùng với người bảo vệ của Trường bởi nếu không thành thạo tiếng bản địa, việc học của tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó hòa nhập được.

Sau đó vài tháng, tôi nhận được việc làm thêm tại một nhà hàng của người Nhật ở Pháp - công việc này đã cho tôi vốn tiếng Pháp khá tốt và sự tự tin nhất định để hòa nhập với cuộc sống tại đây. Từ lúc này, tôi mới có điều kiện tham gia các hoạt động của sinh viên người Việt tại Pháp và biết đến UEVF.

Sau 2 năm học tập ở Pháp, tôi đồng thời xin được học bổng thạc sĩ Kinh tế tài chính trong chương trình đào tạo cho những lãnh đạo trẻ tương lai của các nước ngoài châu Âu của Liên minh Châu Âu (EU). Thời gian này, sau quá trình tham gia nhiệt tình các hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc của UEVF, tôi được anh chị em hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Chi hội UEVF tại Paris. Trong lần Đại hội UEVF tiếp đó, tôi tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Tổng Thư ký Hội.

Như tất cả các thành viên trong Ban chấp hành Hội khác, việc tham gia công tác Hội khiến tôi tốn khá nhiều thời gian. Mỗi ngày tôi chỉ được ngủ khoảng 4-5 tiếng và thời gian còn lại dành cả cho việc học và việc hoạt động Hội. Gần như tuần nào Hội cũng tổ chức các hoạt động cho hội viên, từ thể thao tới văn hóa hay giao lưu. Có những bạn buổi chiều tham gia giải bóng đá của Hội, tối đi làm thêm đến 12 giờ đêm mới về. Các anh chị em hội viên giao lưu và bàn bạc chương trình hoạt động lúc đêm khuya và tới 4 giờ sáng, lại có những hội viên phải đi giao báo... Vất vả là thế nhưng sự nhiệt tình và gắn kết khăng khít sau mỗi hoạt động khiến các hội viên hết sức nỗ lực để hoạt động Hội không bị gián đoạn.

Trong suốt thời gian tham gia hoạt động Hội, điều gì khiến anh ấn tượng nhất?

Trong thời gian tham gia hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp hay các hoạt động từ thiện, quyên góp ủng hộ về trong nước, tôi ấn tượng nhất là sự nhiệt tình và thân thiết của các bạn bè Pháp. Có những người bạn Pháp suốt ngày chỉ đi theo giúp Hội tổ chức các hoạt động, vì họ thấy vui và thích tham gia. Họ không nề hà việc gì, từ dọn hàng, bán hàng đến việc trang trí không gian cho sự kiện... Có lần, thấy áo tôi bị bẩn do khuân vác đồ, một bạn gái người Pháp bảo tôi cởi ra để họ đem giặt giúp. Vài chục phút sau, cô ấy đưa cho tôi chiếc áo đã được giặt là thẳng nếp tinh tươm. Người ta nói, lịch sự như người Pháp - nhưng tôi thấy, với những người Pháp cụ thể mà tôi từng tiếp xúc, họ không chỉ lịch sự mà còn rất chân thành.

Với các hoạt động sôi nổi và phong phú của mình, UEVF cũng thường xuyên có sự gắn kết chặt chẽ, trao đổi và thông qua với Sứ quán Việt Nam tại Pháp những sự kiện, chương trình lớn. Là những người Việt Nam đang sinh sống và học tập xa tổ quốc, có sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng người Việt tại Pháp, tôi nhận thấy rằng, với bà con tại đây, vấn đề vật chất hoàn toàn có thể thu xếp được - nhưng bà con luôn cảm thấy thiếu và mong được thưởng thức những món ăn tinh thần từ trong nước. Đó là những đoàn nghệ thuật sang biểu diễn văn hóa, văn nghệ và phía Hội chúng tôi hoàn toàn có thể đảm nhiệm vấn đề tổ chức tại đây.

Những món ăn tinh thần có chất lượng như thế có vai trò gắn kết chặt chẽ người Việt tại Pháp nói chung và tri thức người Việt nói riêng với quê hương, với Tổ quốc. Theo tôi, những hoạt động như thế đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút tri thức kiều bào về nước làm việc.

Xin cảm ơn anh!

Theo Khánh Nguyễn
TGVN