DNews

Hezbollah ở phía bắc, Hamas ở phía nam: Israel có rơi vào "thế gọng kìm''?

Hà Nam

(Dân trí) - Nếu không có những đối sách phù hợp, Israel có thể sẽ rơi vào "thế gọng kìm'' khi phải cùng lúc đối phó lực lượng Hezbollah ở biên giới phía bắc, và Hamas ở phía nam.

Hezbollah ở phía bắc, Hamas ở phía nam: Israel có rơi vào "thế gọng kìm''?

Hơn 2 tuần kể từ khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng đất nước ông đang trong "tình trạng chiến tranh" và tiến hành đáp trả cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, xung đột chưa có dấu hiệu lắng xuống và con số thương vong của 2 bên tiếp tục tăng lên.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của phong trào Hezbollah tại Li Băng nhiều lần đánh tiếng về việc sẽ phối hợp với Hamas để đối đầu với Israel, và lợi dụng thời cơ để thực hiện nhiều cuộc tập kích nhỏ ở khu vực biên giới phía bắc.

Trả lời phỏng vấn Foreign Policy, Tamir Hayman, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Quân sự Israel, tự tin khẳng định rằng lực lượng phòng vệ của nước này hoàn toàn có đủ khả năng chống đỡ nhiều hơn một mặt trận, thậm chí là 3 mặt trận. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ chiến sự đối với người dân và xã hội Israel mới là vấn đề thực sự cần cân nhắc kỹ lưỡng.

QUAN HỆ GIỮA HEZBOLLAH VÀ HAMAS 

Hezbollah ở phía bắc, Hamas ở phía nam: Israel có rơi vào thế gọng kìm? - 1

Hamas kiểm soát Gaza từ năm 2007 (Ảnh minh họa: Reuters).

Hezbollah là một tổ chức chính trị có vũ trang của người Hồi giáo dòng Shia, ra đời vào năm 1982 nhằm phản ứng trước sự kiện quân đội Israel tiến vào và kiểm soát miền Nam Li Băng.

Trong khi đó, Hamas, viết tắt của "Phong trào kháng chiến Hồi giáo", được thành lập vào năm 1987 trong cuộc nổi dậy đầu tiên (Intifada) của người Palestine chống lại Israel. Tổ chức này phản đối đường lối ôn hòa của chính đảng đối lập Fatah và ủng hộ việc sử dụng vũ trang để tấn công Israel.

Hamas kiểm soát chính trị Dải Gaza, một vùng lãnh thổ rộng khoảng 365km2 với hơn 2 triệu người dân nhưng bị Israel phong tỏa.

Hezbollah và Hamas đều nhận được sự hỗ trợ về tài chính, vũ khí và huấn luyện từ Iran, cụ thể là Lực lượng Vệ binh Hồi giáo Cách mạng Iran. Tuy nhiên, vì cùng là các tín đồ Hồi giáo dòng Shia, quan hệ giữa Hezbollah và Iran có phần khăng khít hơn, thậm chí được coi là lực lượng ủy nhiệm của nước này. 

Dù nhận được nguồn viện trợ từ Iran, Hamas có xu hướng hoạt động độc lập hơn, và quan hệ với nước này cũng đã có phần lạnh nhạt sau khi Hamas tiến hành hỗ trợ các nhóm nổi dậy dòng Sunni trong cuộc nội chiến tại Syria. Một số nguồn tin cho rằng, lực lượng này nhận được sự ủng hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.

Có thể thấy rằng, sự tương đồng về hình thức tổ chức và mục tiêu giữa Hamas và Hezbollah có thể là yếu tố quan trọng để 2 lực lượng này phối hợp đối đầu Israel.

Vào ngày 10/10, Ali Barakeh, một quan chức cấp cao đại diện cho Hamas tại Li Băng cũng khẳng định rằng, các đồng minh của tổ chức như Iran và Hezbollah "sẽ tham gia trận chiến nếu Gaza phải hứng chịu một cuộc chiến hủy diệt".

MỘT MẶT TRẬN MỚI?

Hezbollah ở phía bắc, Hamas ở phía nam: Israel có rơi vào thế gọng kìm? - 2

Hezbollah là một lực lượng vũ trang ở Li Băng (Ảnh: Zuma).

Tối 16/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo: "Các hành động phủ đầu chống lại Israel của trục kháng chiến (ám chỉ các phong trào vũ trang) có thể được tiến hành trong vài giờ tới".

Phát ngôn trên của người đứng đầu Bộ ngoại giao Iran cho thấy, nếu được "bật đèn xanh" từ chính quyền nước này, lực lượng Hezbollah hoàn toàn có thể sẽ tiến hành tấn công trên quy mô lớn nhằm vào Israel, mở ra một mặt trận mới.

Trước đó, theo AFP, vào ngày 20/10, hơn 20.000 người dân ở thành phố Kiryat Shmona ở miền Bắc Israel đã phải sơ tán theo lệnh của quân đội, sau khi xảy ra đụng độ giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và các tay súng Hezbollah.

Bộ Ngoại giao của một số nước Ả Rập như Ả Rập Xê Út, Kuwait và các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada... cũng đưa ra các cảnh báo đi lại và kêu gọi công dân hiện có mặt ở Israel sơ tán khẩn cấp do lo ngại xung đột lan rộng.

Các cường quốc hiện diện tại khu vực đều đang chia sẻ lo ngại rằng, Hezbollah và Israel có thể sẽ có những bước đi sai lầm và biến những cuộc đụng độ biên giới trở thành một cuộc chiến tranh tổng lực, thậm chí có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực.

Tuy nhiên, khả năng một mặt trận mới xuất hiện khá thấp. 

Trong cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah vào năm 2006, chính quyền của Thủ tướng Israel khi đó là ông Ehud Olmert bị đánh giá đã quá nóng vội khi tấn công diện rộng vào sâu trong lãnh thổ Li Băng chỉ để trả đũa việc các thành viên của Hezbollah bắt cóc một số lính biên phòng của nước này.

Sau đó, sự nghiệp chính trị của ông Ehud Olmert đã tuột dốc khi tỷ lệ ủng hộ của người dân Israel dành cho ông ngay lập tức sụt giảm nhanh chóng. 

Vì vậy, chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người đang giữ kỷ lục về tổng thời gian lãnh đạo chính trường Israel với hơn 16 năm, chắc chắn sẽ không muốn lặp lại vết xe đổ của người đi trước. 

Đặc biệt, việc để xảy ra cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 vừa qua có thể coi là một thất bại to lớn về mặt tình báo của Israel. Do đó, chính quyền của ông Netanyahu sẽ cố gắng không để xảy ra một sai lầm khác khi ra quyết định mà chưa thu thập đủ thông tin.

Vì vậy, nếu Hezbollah không tiếp tục leo thang và tấn công trên quy mô rộng hơn mà chỉ dừng lại ở các cuộc tấn công nhỏ lẻ vào các khu vực miền bắc Israel, chắc chắn Israel sẽ không động binh trước.

Hơn nữa, chính Hezbollah cũng không có nhiều động lực để tiến hành tấn công tổng lực vào Israel trong thời điểm hiện nay. Dù các nhà lãnh đạo của tổ chức này đã nhiều lần lên tiếng đe dọa và phản ứng trước Israel vì các cuộc không kích vào dải Gaza, nhưng chưa bao giờ phong trào này thực sự có những hành động phản kháng trên danh nghĩa ủng hộ người Palestine.

Trên thực tế, nguyên nhân bùng phát của các lần xung đột trước đó giữa Hezbollah và Israel cũng chưa bao giờ có liên quan tới vấn đề Palestine, mà đều vì tranh chấp biên giới.

Theo Nicholas Blanford, một nhà phân tích tại Hội đồng Đại Tây Dương, mục đích của Iran khi viện trợ và huấn luyện Hezbollah là tạo thế răn đe trước Mỹ và Israel. Nếu một cuộc chiến mới thực sự bùng nổ, ông cho rằng Hezbollah sẽ bị đánh bật, do sự bất cân xứng về năng lực và trang bị, và khi đó Iran sẽ mất đi công cụ răn đe của mình.

NHỮNG KỊCH BẢN CÓ THỂ XẢY RA

Nguy cơ xuất hiện một mặt trận mới khá thấp, nhưng không phải là không thể xảy ra. Theo đó, kịch bản nhiều khả năng nhất là Hezbollah sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Hamas bằng cách thực hiện các cuộc tập kích bằng tên lửa tầm ngắn vào khu vực cận kề biên giới giữa Li Băng và Israel.

Đồng thời, thông qua việc sử dụng hệ thống dẫn đường chính xác do Iran cung cấp, các thành viên của phong trào này sẽ tính toán kỹ lưỡng để các cuộc tập kích không gây ra thiệt hại quá nặng nề, từ đó đảm bảo đủ sức răn đe quân đội Israel nhưng vẫn phòng tránh được nguy cơ leo thang xung đột. 

Trên thực tế, trong lần xung đột trước đó giữa Hamas và Israel vào mùa hè năm 2021, Hezbollah cũng đã sử dụng chiến lược này nhằm tranh thủ thời cơ khi quân đội Israel đang hướng sự tập trung vào Dải Gaza. Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel khi đó đã phá hủy thành công tất cả các tên lửa phóng từ phía Li Băng.

Một kịch bản khác với khả năng xảy ra thấp hơn, đó là lực lượng Hamas đóng tại Li Băng sẽ sử dụng nước này làm bàn đạp nhằm tấn công Israel. 

Hamas được cho là có quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Tuy nhiên, kể từ sau khi Qatar phải hứng chịu lệnh cấm vận từ các nước láng giềng vùng Vịnh vào năm 2017 và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hàn gắn lại quan hệ với Israel, các nhà lãnh đạo của phong trào này buộc phải tìm chỗ trú ẩn mới.

Sự bất ổn chính trị và các cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra liên miên tại Li Băng đã biến quốc gia này trở thành "nơi trú ẩn hoàn hảo" cho các nhà lãnh đạo lưu vong của Hamas. 

Vào mùa hè năm 2018, Saleh al-Arouri, phó Cục trưởng Cục Chính trị của Hamas, đã đến Beirut, thủ đô của Li Băng. Khalil al-Hayya, phụ trách về các mối quan hệ Hồi giáo và Ả Rập của Hamas, và Zaher Jabarin, phụ trách các vấn đề liên quan đến tù nhân Palestine trong các nhà tù của Israel, cũng đã chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới thành phố này.

Do đó, không thể loại trừ khả năng các chiến binh của Hamas sẽ tiến hành các cuộc tấn công vào Israel từ Li Băng. 

Nếu kịch bản này xảy ra, chắc chắn Israel sẽ đáp trả mạnh mẽ vào lãnh thổ Li Băng, kéo theo nguy cơ xuất hiện một mặt trận mới, và khi đó sẽ kéo theo sự tham gia của cả các lực lượng Hezbollah cũng như quân đội chính quy của Li Băng.

Kịch bản cuối cùng, với nguy cơ xảy ra thấp nhất, đó là Hezbollah, với sự hỗ trợ từ Iran, sẽ tấn công trực diện vào miền Bắc Israel. 

Nếu xét về sức mạnh tổng thể, Hezbollah không thể so sánh với lực lượng của Israel. Tuy nhiên, tổ chức này hoàn toàn có thể thực hiện các hành động tấn công liều lĩnh, chớp nhoáng nhằm vào Israel và rút lui sớm về biên giới, như cách Hamas đã làm. 

Khi so sánh về tiềm lực quân sự giữa Hezbollah và Hamas, ông Tamir Hayan thẳng thắn thừa nhận rằng, tổ chức này có "hỏa lực mạnh hơn gấp 10 lần, khả năng tấn công trên mặt đất mạnh hơn gấp đôi, trang bị vũ khí tốt hơn và khả năng chính xác cao hơn". Thậm chí, ông cho rằng Hezbollah đã đạt tới năng lực của "một quân đội chính quy".

Nếu Hezbollah thực hiện một hành động liều lĩnh như vậy, chắc chắn các cường quốc trong khu vực sẽ tiến hành can dự, không ngoại trừ nguy cơ kích động một cuộc chiến trực tiếp giữa Iran và Mỹ cùng các đồng minh.

Mặc dù xác suất của từng kịch bản chưa ngã ngũ, nhưng có thể khẳng định rằng, cho dù kịch bản nào xảy ra, người dân trong khu vực sẽ phải hứng chịu những tổn thất không đáng có.

Do đó, điều mà cộng đồng quốc tế cần ưu tiên trong thời điểm hiện nay là tiếp tục kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, đồng thời tăng cường các hoạt động cứu trợ nhân đạo nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với người dân thường, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Hezbollah ở phía bắc, Hamas ở phía nam: Israel có rơi vào thế gọng kìm? - 3

Hamas và Hezbollah có thể phối hợp gây sức ép với Israel ở phía bắc và phía nam (Bản đồ: Al Jazeera).

Theo Foreign Policy, Conversation, Reuters, Al Jazeera

Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas