DNews

"Hậu trường ngoại giao" lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Quốc Đạt

(Dân trí) - Cựu Đại sứ Ted Osius đánh giá, không có lý do gì để cho rằng quan hệ Việt - Mỹ có giới hạn. Cả hai nước đều được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị bền chặt mà chúng ta đã tạo ra.

"Hậu trường ngoại giao" lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

"Tôi thấy rất vui mừng", ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, chia sẻ cảm xúc khi biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam vào các ngày 10-11/9. "Chuyến thăm này thể hiện cam kết từ phía lãnh đạo cấp cao nhất của 2 nước và sẽ đánh dấu một cột mốc lịch sử nữa trong quan hệ Việt - Mỹ".

Trong 3 năm làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (2014-2017), ông Osius đã chứng kiến liên tiếp 4 chuyến thăm cấp cao qua lại giữa các nhà lãnh đạo 2 nước. Trong đó, chuyến đi ấn tượng nhất với cựu Đại sứ là khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ vào năm 2015 theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

"Sau khi Tổng Bí thư thăm Washington, mối quan hệ song phương khởi sắc trên mọi phương diện: An ninh, giáo dục, kinh tế thương mại, đầu tư…", ông Osius cho biết, nói thêm rằng ông kỳ vọng chuyến thăm sắp tới cũng là cú hích tương tự.

Trao đổi với Dân trí nhân chuyến thăm của Tổng thống Biden, ông Osius đã kể lại những kỷ niệm trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư, đồng thời chia sẻ hy vọng về quan hệ Việt - Mỹ và những điều mà ông cho rằng là then chốt của công việc ngoại giao.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào tháng 7/2015 (Ảnh: AFP).

Vượt ra ngoài hệ thống

Thưa ông, chuyến thăm Việt Nam sắp tới vào ngày 10-11/9 của Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương Việt - Mỹ?

- Chuyến thăm lần này có ý nghĩa lớn vì nó thể hiện cam kết từ phía lãnh đạo cấp cao nhất của 2 nước, đồng thời cũng có thể tạo động lực mới cho quan hệ song phương.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam để trao đổi các cách làm sâu sắc hơn quan hệ trong nhiều lĩnh vực.

Đây không phải lần đầu tiên 2 nhà lãnh đạo gặp nhau. Ông Biden từng chủ trì tiệc trưa sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Phòng Bầu dục, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư năm 2015.

Sau này nhìn lại, tôi nhận ra rằng cuộc gặp gỡ tại Phòng Bầu dục đã thay đổi lịch sử. Đó là thời khắc quan trọng nhất trong thời gian tôi làm đại sứ và cũng có lẽ là thời điểm quan trọng nhất trong 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện của 2 nước.

Sau khi Tổng Bí thư thăm Washington, mối quan hệ song phương khởi sắc trên mọi phương diện: An ninh, giáo dục, kinh tế thương mại, đầu tư, chống biến đổi khí hậu, và năng lượng. Quan hệ hợp tác y tế từ trước đã mạnh mẽ sau đó được tiếp tục tăng tốc.

Chúng ta có thể tiếp nối những gì đã làm được trong 10 năm qua thông qua chuyến thăm lần này. Tôi cho rằng sau chuyến thăm của Tổng thống Biden, chúng ta sẽ có thể thực hiện những điều trước đó chưa thể làm được. Chuyến thăm lần này sẽ đánh dấu một cột mốc lịch sử nữa trong mối quan hệ Việt - Mỹ.

Ông cho rằng chuyến thăm Mỹ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một cột mốc lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ. Là một trong những nhân vật giúp thúc đẩy chuyến thăm, ông đã phải đối mặt với những khó khăn gì?

- Khó khăn lớn nhất là việc thể chế chính trị của Việt Nam và Mỹ không giống nhau. Một số người trong đội ngũ của Tổng thống Obama cho rằng nước Mỹ chưa từng có tiền lệ tiếp người đứng đầu một đảng tại phòng Bầu Dục.

Vì thế, tôi trao đổi phía Mỹ rằng thể chế chính trị của 2 nước khác nhau. Việc mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Nhà Trắng là đúng đắn và phù hợp.

Tôi nhờ cậy bạn tôi, Thomas Vallely (Giám đốc chương trình Việt Nam của Đại học Harvard và sau này là Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam - PV). Thomas sau đó nói chuyện với bạn mình, ông John Kerry (khi đó là Ngoại trưởng Mỹ), và tới lượt ông Kerry nói chuyện với "sếp" của ông ấy - Tổng thống Obama.

Đó là một cách khá bất thường để gửi thông điệp tới Tổng thống rằng đây là việc quan trọng cần làm. Tôi đã vượt ra ngoài quy trình thông thường nhưng tôi cho rằng đó là điều đúng đắn và cần làm đối với 2 nước chúng ta. Tôi rất vui vì đã đi ra ngoài hệ thống và chấp nhận rủi ro.

Ngay cả những người ban đầu còn có ý kiến khác sau đó cũng đồng ý rằng cuộc họp ấy đã làm thay đổi mối quan hệ và cần thiết để linh hoạt điều chỉnh hệ thống của chúng tôi, sao cho phù hợp với hệ thống của Việt Nam.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - 2

Cựu Đại sứ Ted Osius nhận định chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Biden sẽ đánh dấu một cột mốc lịch sử nữa trong mối quan hệ Việt - Mỹ (Ảnh: Reuters).

Trong chuyến thăm đó, cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục diễn ra tốt đẹp. Có điều gì làm ông nhớ nhất về cuộc gặp lịch sử đó?

- Tôi nhớ đã cố vấn Tổng thống Obama về việc khẳng định "Chúng tôi tôn trọng hệ thống chính trị khác biệt" trong cuộc gặp với Tổng Bí thư. Tổng thống đã nói như vậy và thậm chí là hơn nhiều những gì tôi đề xuất.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi rất hiệu quả và ý nghĩa. Họ đã tạo được kết nối và cuộc trao đổi kéo dài gấp đôi thời gian dự kiến.

Họ đã nói rất nhiều về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chúng ta đàm phán vào thời điểm đó. Mỹ rất tiếc không còn là thành viên của CPTPP như tên gọi hiện nay, nhưng Việt Nam vẫn là thành viên và đang được hưởng lợi từ hiệp định này.

Quá trình đàm phán TPP đã cho thấy rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề nếu tiếp cận bằng thiện chí từ cả hai bên. Đó là một bài học rất hữu ích dù chúng tôi cuối cùng không trở thành thành viên của TPP hay CPTPP.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - 3

Phó Tổng thống Joe Biden chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào năm 2015 (Ảnh: AP).

Ngay sau cuộc hội đàm, phía Mỹ tổ chức tiệc chiêu đãi và người chủ trì chính là ông Joe Biden - khi ấy là Phó Tổng thống Mỹ. Xin ông mô tả lại những giây phút tương tác giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Joe Biden trong bữa tiệc?

- Tôi nhớ rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Joe Biden đã gặp nhau trước khi buổi tiệc bắt đầu ở tầng 8 của trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Cuộc tương tác ấy rất tích cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó rất vui vì cuộc hội đàm với Tổng thống Obama diễn ra tốt đẹp, còn ông Joe Biden vẫn luôn thân thiện.

Khi phát biểu tại bữa tiệc, ông Biden đã lẩy 2 câu Kiều bằng tiếng Anh, nguyên tác là "Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".

Truyện Kiều là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong văn học Việt Nam. Tác phẩm ấy nói lên rất nhiều điều và đó là một câu chuyện rất quan trọng khi nói đến văn hóa và những giá trị Việt Nam.

Việc ông Biden quan tâm tìm hiểu tác phẩm quan trọng bậc nhất trong văn học Việt Nam là hành động thể hiện sự tôn trọng. Và theo tôi, nếu có thể cho thấy sự tôn trọng, ta có thể xây dựng lòng tin. Một khi có lòng tin, chúng ta có thể làm nhiều thứ cùng nhau và tiếp tục tích lũy thêm niềm tin.

Tôi tin rằng mối quan hệ cá nhân và lòng tin giữa các nhà lãnh đạo có thể tạo động lực thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - 4

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng "Không gì là không thể" trong quan hệ Việt - Mỹ (Ảnh: New York Times).

"Không gì là không thể trong quan hệ Việt - Mỹ"

Ông từng nhiều lần cho rằng "không gì là không thể" khi nói về quan hệ Việt - Mỹ. Xin ông nói rõ hơn về quan điểm này?

- Câu nói đó thực ra không xuất phát đầu tiên từ tôi mà là lời của ông Pete Peterson, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam.

Trong dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, ông Peterson có nói: "Tôi tin rằng không có điều gì là không thể trong quan hệ Mỹ - Việt", và tôi đã nghĩ: "Ông ấy nói đúng". Vì vậy, tôi đã nói đi nói lại điều đó trong suốt 3 năm làm đại sứ.

Nhiều người Việt Nam khi gặp tôi đã nói rằng họ cũng đồng ý "Không gì là không thể" trong mối quan hệ của chúng ta. Và tôi nghĩ điều đó trở nên rõ ràng nhất đối với tôi là sau chuyến thăm Tổng Bí thư, khi chúng ta đã tăng tốc hợp tác trong tất cả lĩnh vực.

Sau khi Tổng thống Obama đến Việt Nam năm 2016, hàng loạt thỏa thuận được ký kết và chúng ta đã có thể hoàn thành những điều mà 2 bên nỗ lực trong nhiều năm trước. Điều đó cũng đã tạo điều kiện cho sự phát triển phi thường trong mối quan hệ kinh tế và thương mại của Việt Nam và Mỹ.

Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên cách đây 30 năm, quy mô kinh tế Việt Nam còn nhỏ. Nhưng vào năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều là 138 tỷ USD, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Đó không phải là sự tình cờ.

Mỹ đã đầu tư hơn 11 tỷ USD vào Việt Nam tính đến cuối năm 2022. Ở nơi tôi đang làm việc, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, hiện có rất nhiều công ty chú ý tới Việt Nam đầu tiên khi họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong ASEAN. Họ thấy một chính phủ luôn ủng hộ đầu tư trực tiếp nước ngoài và có các chính sách thân thiện với doanh nghiệp.

Những điều trên cho tôi thấy là những gì từng có vẻ bất thường và phi thường giờ đây chỉ là một phần trong hoạt động hợp tác bình thường của chúng ta.

Mối quan hệ "không gì là không thể" giữa Việt Nam và Mỹ đã có tác động tích cực ra sao tới đời sống người dân hai nước?

- Tôi xin lấy ví dụ về hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong thời gian tôi tham gia đóng góp trực tiếp vào mối quan hệ này, một trong những điều cả 2 bên đã và đang cùng làm với nhau đó là thẳng thắn nhìn vào quá khứ. Chính việc thẳng thắn với quá khứ sẽ giúp chúng ta tạo ra một tương lai rất khác.

Trong giai đoạn bình thường hóa quan hệ, Mỹ đã nói ngay từ đầu rằng việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh là rất quan trọng đối với người dân chúng tôi, đặc biệt là với gia đình có người thân mất tích. Và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lắng nghe chúng tôi về vấn đề thực sự quan trọng đó.

Từ đó tới nay, chúng ta đã có thể tìm được hài cốt của 731 quân nhân mất tích và đem lại câu trả lời cho gia đình họ. Lúc này, chúng tôi đã có thể hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích.

Ở chiều ngược lại, các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam cho rằng tẩy độc dioxin là việc quan trọng. Công việc của chúng tôi do đó sẽ là thuyết phục chính phủ Mỹ rằng đây là điều hệ trọng và hai nước cần làm cùng nhau.

Như vậy, chúng ta đã có thể rà phá lượng lớn bom mìn chưa nổ tại các tỉnh, tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, hỗ trợ người khuyết tật và tiếp tục tẩy độc ở sân bay Biên Hòa. Đầu năm nay, Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tuyên bố tài trợ thêm 73 triệu USD để xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Việc tìm ra nguồn lực để thực hiện những dự án ấy là quá trình khó khăn, nhưng cả hai nước đều rất cố gắng và cam kết trung thực với quá khứ. Tôi nghĩ đó là một bài học quan trọng: Hãy thành thật với quá khứ và tương lai sẽ là vô hạn.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - 5

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là nền tảng cho mối quan hệ Việt - Mỹ (Ảnh: Tiến Tuấn).

"Đôi khi bạn phải bướng bỉnh để hoàn thành công việc"

Tôi hiểu rằng công tác tìm nguồn kinh phí cho các dự án xử lý dioxin đôi lúc còn gặp khó khăn. Trong thời gian công tác, ông đã làm gì để kêu gọi tiếp tục các khoản hỗ trợ ấy?

- Trong thời gian Tổng thống Obama còn đương chức, tôi đã có rất nhiều đồng minh trong vấn đề xử lý dioxin, như John Kerry và John McCain. Ông McCain lúc đó còn sống và vẫn là Thượng nghị sĩ, còn ông John Kerry là Ngoại trưởng. Họ biết tầm quan trọng của việc thành thật với quá khứ và họ hiểu làm sạch dioxin là điều cần thiết.

Tìm kiếm nguồn lực vẫn là điều khó khăn nhưng Tổng thống Obama đã đưa ra cam kết về vấn đề này vào tuyên bố chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 và sau đó là tuyên bố chung khi ông Obama thăm Việt Nam năm 2016.

Và rồi có thời điểm việc tẩy độc dioxin không còn được quá chú tâm. Tôi đã viết thư cho nhiều quan chức ở Nhà Trắng như Ngoại trưởng Rex Tillerson, tướng McMaster (cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ), hay Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nhưng họ đều không quá ủng hộ. Nhưng tôi vẫn rất quyết tâm.

Tin tốt là tôi không phải là người duy nhất có quyết tâm ấy vì còn có những nhân vật như Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và trợ lý của ông, Tim Rieser. Với thẩm quyền ở Ủy ban Phân bổ Ngân sách ở Thượng viện, Thượng nghị sĩ Leahy đã nỗ lực không ngừng để đảm bảo vấn đề làm sạch dioxin. Tôi đã cung cấp "đạn dược" cho các lập luận của ông ấy.

Đã có lúc chúng tôi được yêu cầu ngừng gửi thư tới Lầu Năm Góc hay Ngoại trưởng nhưng chúng tôi vẫn kiên trì. Nhóm của tôi, cũng như USAID và các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ trực tiếp tham gia tại hiện trường, đều đồng ý rằng chúng tôi sẽ không dừng lại.

Và rồi Thượng nghị sĩ Leahy và ông Tim Rieser đã đạt được đột phá. Bộ trưởng Jim Mattis cuối cùng đã đồng ý dành ngân sách cho việc làm sạch dioxin ở sân bay Biên Hòa. Đôi khi bạn phải thật "bướng bỉnh" để có thể hoàn thành công việc.

Hậu trường ngoại giao lần đầu tiết lộ của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - 6

Ông John Kerry (trái) và ông John McCain, 2 nhân vật có đóng góp lớn cho quan hệ Việt - Mỹ, tại một buổi điều trần năm 1992 tại thủ đô Washington D.C. (Ảnh: AP).

Ông có kỳ vọng gì vào mối quan hệ Việt - Mỹ?

- Tôi thấy không có lý do gì để cho rằng quan hệ 2 nước có giới hạn. Cả hai nước đều được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị bền chặt mà chúng ta đã tạo ra. Tôi hy vọng rằng quỹ đạo tích cực ấy sẽ được tiếp tục và chúng ta sẽ cùng giải quyết vấn đề của cả khu vực.

Xin lấy ví dụ về hợp tác y tế. Quan hệ hợp tác y tế đã giúp chúng ta cùng nhau ứng phó HIV/AIDS, dịch SARS và Covid-19. Chúng tôi cung cấp vaccine cho Việt Nam, và Việt Nam cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cho Mỹ. Chúng ta đã cùng nhau giải quyết hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.

Khi Phó Tổng thống Kamala Harris thăm Việt Nam vào năm 2021 trong một trong những chuyến công du đầu tiên của mình, Mỹ đã khai trương Văn phòng CDC Khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội. Hãy tưởng tượng ý nghĩa của động thái hợp tác y tế như vậy trong nhiều năm tới.

Chúng ta sẽ không chỉ hợp tác song phương, mà còn trong tất cả vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu, như chuẩn bị cho đại dịch, chống biến đổi khí hậu, ứng phó với các công nghệ thay đổi nhanh như trí tuệ nhân tạo… Chúng ta sẽ xây dựng niềm tin đủ lớn để hai nước có thể cùng nhau tiến bước, tạo ra hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn báo Dân trí!