“Độc hành” ở Liên hợp quốc

Ông là Nguyễn Hữu Động - Việt kiều Mexico - người Việt Nam đầu tiên được Chính phủ Việt Nam giới thiệu làm việc cho Liên hợp quốc.

Ông Nguyễn Hữu Động (trái)
Ông Nguyễn Hữu Động (trái) 

Đó là một cuộc nói chuyện thú vị và khá kỳ lạ với tôi, khi nhân vật là một người đàn ông giản dị, người Hà Nội gốc, nói giọng Đà Lạt dù công việc cả đời người của ông là bôn ba khắp thế giới. Ông là Nguyễn Hữu Động - Việt kiều Mexico - người Việt Nam đầu tiên được Chính phủ Việt Nam giới thiệu làm việc cho Liên hợp quốc.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu với dòng ký ức thuở ấu thơ của ông khi cậu bé Nguyễn Hữu Động sinh ra trong một gia đình bác sĩ ở phố Hàng Trống (Hà Nội). Ông theo học trường Albert Sarraut cho đến năm chín tuổi - khi cha ông phải chuyển vào Đà Lạt làm việc với vai trò là bác sĩ riêng cho cựu Hoàng Bảo Đại. Tại đây, ông tiếp tục học tú tài tại trường A. Yersin và sang Thụy Sỹ du học năm 19 tuổi.

Cơ duyên với ngoại giao

Khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế học năm 1964, ông sang Pháp học thạc sĩ về xã hội học tại Đại học Sorbonne. Sau đó, ông vừa làm luận án tiến sĩ về kinh tế xã hội học vừa làm trợ giáo tại Đại học Paris. Cũng tại đây, cơ duyên Hiệp định Paris đã đưa đẩy ông Động gặp gỡ và làm việc với Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ông nhớ lại: "Năm 1968, Hội nghị Paris mở ra. Khi đó, phong trào Việt kiều ở Pháp chính là chỗ dựa của hai phái đoàn của Việt Nam. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập một phòng thông tin - thực chất là cơ quan hỗ trợ cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam ở Paris trong những năm đó. Tôi may mắn được vào làm việc tại đây. Công việc của tôi là dịch tin, viết bài và đánh giá, phân tích tình hình để phục vụ cho đấu tranh ngoại giao. Cứ thế, hàng tuần tôi dạy học hai ngày, còn ba ngày là lên phòng thông tin làm việc".

Sau khi cuộc đấu tranh trên bàn ngoại giao tại Paris của Việt Nam giành thắng lợi, ông Động vẫn vừa làm trợ giảng cho Đại học Paris, vừa làm việc tại phòng Kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Paris những năm 1976-1984. Trong thời gian này, ông nhiều lần trở về Việt Nam làm việc với tư cách giảng viên Đại học Paris trong khuôn khổ hợp tác giữa trường đại học này với Học viện Quan hệ quốc tế và Viện Kinh tế của Việt Nam.

Năm 1982, Chính phủ Việt Nam giới thiệu Tiến sĩ Nguyễn Hữu Động vào làm cho Liên hợp quốc và đến năm 1984, tổ chức quốc tế có sức ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu này đã chấp thuận.

Công chức quốc tế người Việt

Đây là thời điểm đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông, mở ra quá trình hơn ba thập kỷ bôn ba qua trên 40 quốc gia trên thế giới với vai trò là một công chức quốc tế. Cũng từ đây, ý thức "là công chức quốc tế người Việt Nam" trở nên rõ nét hơn bao giờ hết và ông luôn nỗ lực chứng minh điều này một cách đầy tự hào.

TS. Nguyễn Hữu Động "khởi nghiệp" công chức quốc tế với vai trò chuyên viên kinh tế tại Ban thư ký Liên hợp quốc. Ông kể: "Trong những năm từ 1989 đến 2004, tôi làm việc cho Phái bộ hòa bình của Liên hợp quốc. Công việc này là đi, đi quanh năm suốt tháng, từ khu vực Trung Mỹ đến các quốc gia châu Phi”. Mỗi quốc gia, ông làm việc từ ba tháng đến một năm rưỡi. "Đi như vậy cảm giác rất cô độc vì khi đó, Việt Nam chỉ có một mình tôi làm việc ở Phái bộ hòa bình của Liên hợp quốc. Thời điểm đó, khi nhìn một người Việt Nam, người ta quan tâm ngay đến chuyện thái độ chính trị của người này như thế nào chứ không đơn giản như bây giờ nên lúc nào tôi cũng xác định chỗ đứng của mình là công dân Việt Nam".

“Cho tôi được bắt tay ông"

Một kỷ niệm đáng nhớ của ông Động là năm 2003, khi ông đi giám sát bầu cử ở Afghanistan. Hôm đó, ông đến họp để xác định cơ cấu bầu cử với các đảng phái tại đây. Khi bước vào căn phòng khoảng 14-15 người, ai cũng mang súng, một người lớn tuổi chặn ông lại và hỏi: "Ông từ đâu đến?" Ông trả lời: "Tôi là người Việt Nam. Tôi làm trong Ban thư ký Liên hợp quốc".

Nghe đến đây, người này gác súng vào tường rồi nói: "Lúc sáng, tôi đuổi Bin Laden chạy tới chân núi. Khi còn cách khoảng 20 km, tôi thấy B52 của Mỹ dội bom như trút xuống dãy núi này. Tôi là người lính cầm súng 20 năm nay mà khi chứng kiến cảnh này còn thấy rợn tóc gáy. Chúng tôi không hiểu vì sao các ông có thể đánh Mỹ vài chục năm như vậy. Ông là người Việt Nam đầu tiên mà tôi được gặp, cho tôi được bắt tay ông".

Lúc đó, không ai bảo ai, cả phòng đứng dậy lần lượt tới bắt tay ông Động.

Ông Động giãi bày: "Lúc đó, tôi hơi ngượng vì tôi không phải người lính cầm súng đánh giặc nơi quê nhà. Tôi chỉ là một công dân Việt Nam, nhưng mang danh Việt Nam khiến tôi có bổn phận là đón tiếp lời chào, cái bắt tay đó để chuyển về trong nước. Tôi làm việc với các anh em ngoại giao nên tôi hiểu việc đại diện cho đất nước là quan trọng, thì tôi làm dân cũng phải xứng là dân Việt Nam".

“Chúng tôi đều là người chiến thắng"

Lần khác, ông Động đi Haiti trong phái đoàn giám sát bầu cử. Lúc này, Mỹ đã đổ bộ hai vạn quân xuống Haiti để củng cố hòa bình. Viên Thiếu tướng chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Haiti biết trong phái đoàn có người Việt nên khi gặp ông Động, ông ta bắt tay và chào bằng tiếng Việt. Trò chuyện mới biết trong những năm 1968-1972, ông ta từng là đại úy-cố vấn cho sư đoàn dù ở Sài Gòn.

Tối hôm sau, Trưởng đoàn Liên hợp quốc mở tiệc chiêu đãi, có mời cả các đoàn ngoại giao. Viên Thiếu tướng Mỹ đứng lên tự giới thiệu: "Tôi là người lính, 30 năm chiến trận chưa bao giờ thua. Trận này tôi có thể khẳng định là sẽ thắng".

Ông Động kể: "Tôi đứng đó mà ông ta dám nói là đánh nhau chưa bao giờ thua. Tôi không trả lời thì thành vô duyên nên tôi bước ra ôm vai viên Thiếu tướng và nói: "Thưa các vị, tôi đồng ý với ông Thiếu tướng vì một anh lính ra trận mà không chết là đã thắng rồi. Tôi cũng có thể chứng minh vì tôi cũng như anh này, tôi ra trận mà không chết nên chúng tôi đều là người chiến thắng".

Cả đoàn ngoại giao cười rầm, còn viên Thiếu tướng trầm ngâm, không nói gì thêm. Khi trở về từ Haiti, ông ta được thăng chức trung tướng và gửi thư mời ông Động đến dự tiệc.

Qua câu chuyện, ông Động rút ra kinh nghiệm, nếu mình giữ được thế của mình thì họ sẽ nể. Nếu ông im lặng, chưa chắc viên Thiếu tướng đã nể ông như vậy.

Ông nói: "Trong trách nhiệm của một người đi làm ngoại giao quốc tế, thì có trách nhiệm đối với tổ chức và trách nhiệm là công dân Việt Nam. Tôi có 30 năm làm cho Liên hợp quốc, nhưng đã có 70 năm là người Việt Nam".

Ông bảo, trong những năm hoạt động ở Liên hợp quốc, ông trụ lại được đó cũng nhờ kinh nghiệm làm việc với những nhà ngoại giao Việt Nam, đó là cương nhưng lại nhu, thân thiện nhưng rất có lập trường, mở nhưng lại khép… Nhiều anh em đồng nghiệp hỏi ông học điều đó ở đâu? Ông trả lời: "Tôi học từ mấy ông Việt cộng".

Theo Khánh Chi
Thế giới và Việt Nam