DNews

ATACMS lần đầu tham chiến, Ukraine gây bất ngờ: "Kẻ 8 lạng, người nửa cân"

Ngọc Huy

(Dân trí) - Trong cuộc xung đột Ukraine có một điều khá lạ lùng là cứ mỗi khi được phương Tây viện trợ vũ khí mới, Kiev thường sử dụng chúng rất hiệu quả, gây nhiều khó khăn cho phía Nga.

ATACMS lần đầu tham chiến, Ukraine gây bất ngờ: "Kẻ 8 lạng, người nửa cân"

Nếu bỏ qua các yếu tố về sự hỗ trợ về khí tài và thông tin tình báo từ Mỹ và phương Tây, Ukraine thực tế vẫn luôn là đối thủ "không dễ chơi" đối với Lực lượng vũ trang Liên bang Nga khi Kiev vừa hiểu rất rõ đối thủ của mình lại vừa có khả năng sáng tạo và linh hoạt để tận dụng tốt nhất khả năng của khí tài.

Tên lửa ATACMS Ukraine lần đầu tham chiến, gây bất ngờ lớn

Theo kênh Telegram WarGonzo, ngày 17/10, sân bay của Quân đội Nga ở Berdyansk, vùng Zaporizhia đã bị tấn công. Vụ tập kích khiến một số trực thăng Nga bị phá hủy và hư hại sau đó được kết luận là do tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS với đầu đạn chùm gây ra.

Liên quan tới vụ tấn công này, Chủ tịch phong trào "Chúng tôi sát cánh cùng Nga", Vladimir Rogov xác nhận trên kênh Telegram cá nhân rằng, các mảnh đạn chùm M74 của tên lửa Mỹ đã được tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công.

Sau đó, hãng tin Klymenko Time đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky lên tiếng xác nhận trong thông điệp video của mình về vụ tấn công đầu tiên bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật mới được Mỹ viện trợ nhằm vào các sân bay tại vùng Moscow kiểm soát.

"Vụ tấn công rất chính xác. ATACMS đã chứng tỏ khả năng tấn công lợi hại trên chiến trường", ông Zelensky tuyên bố.

Trước đó, Wall Street Journal đăng tải, Mỹ đã bí mật chuyển tên lửa chiến thuật ATACMS cho Kiev. Các nguồn tin giấu tên của ấn phẩm của Mỹ lưu ý rằng loại vũ khí này nếu được sử dụng sẽ làm tăng hiệu quả và khả năng tấn công của Ukraine. Ngày 9/10, The New York Time xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn việc chuyển giao tên lửa cho Kiev.

Vậy điều gì đã xảy ra với lực lượng phòng không của Moscow khi họ biết rằng Mỹ đã chuyển giao tên lửa đạn đạo đáng gờm cho Ukraine, nhưng các đơn vị phòng thủ vẫn không thể ngăn cản được đòn tấn công đầu tiên gây thiệt hại lớn đó.

Sự kiện này cũng thêm một lần nữa đánh dấu việc Kiev sử dụng khá hiệu quả các loại vũ khí tấn công tầm xa được Mỹ và phương Tây viện trợ.

Chúng ta không khó để tìm ra những thông tin về các hoạt động tấn công hiệu quả của hệ thống pháo phản lực đa năng HIMARS, tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow hay bom JDAM phóng từ mặt đất trong những đòn tập kích đầu tiên khi chúng được đưa vào sử dụng. Vậy điều này có phải là ngẫu nhiên?

ATACMS lần đầu tham chiến, Ukraine gây bất ngờ: Kẻ 8 lạng, người nửa cân - 1

Tổ hợp HIMARS của Mỹ (Ảnh: U.S. Army).

Kiev rất hiểu đối thủ

Khi để các yếu tố về hỗ trợ của Mỹ và phương Tây là thứ yếu, không khó để nhận ra Ukraine và Nga có chung lịch sử khi đều thuộc Liên Xô tới năm 1991.

Điều này giúp lý giải việc nhiều sĩ quan cao cấp của cả hai bên trong quá khứ thậm chí đã học chung các học viện, nhà trường quân sự, nơi họ tích lũy kiến thức chiến thuật, chiến lược và những kinh nghiệm có ảnh hưởng tới tư duy tác chiến sau này. Ở góc độ nào đó, cuộc xung đột nhìn giống như "anh em trong nhà" so tài với nhau.

ATACMS lần đầu tham chiến, Ukraine gây bất ngờ: Kẻ 8 lạng, người nửa cân - 2
Hạm đội Biển Đen Nga đã rơi vào tình cảnh thất bại về mặt chức năng. Họ buộc phải phân tán ra các cảng để không chịu thêm tổn thất từ Ukraine.
Quốc vụ khanh Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey

Như vậy chúng ta sẽ dễ hiểu tại sao các sĩ quan chỉ huy của Kiev có thể phán đoán được phần nào đó cách thức tổ chức chiến thuật, chiến dịch của Quân đội Nga để có những động thái đáp trả phù hợp. Ngoài ra, sự linh hoạt và phản ứng nhanh chóng trong tính cách của người Ukraine cũng giúp quân đội nước này sử dụng hiệu quả cao các loại khí tài được viện trợ.

Theo The Guardian, sau các vụ tấn công hiệu quả của Kiev vào Crimea, Quốc vụ khanh Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey cho biết: "Hạm đội Biển Đen Nga đã rơi vào tình cảnh thất bại về mặt chức năng. Họ buộc phải phân tán ra các cảng để không chịu thêm tổn thất từ Ukraine".

Quan chức Anh cho rằng việc rút tàu chiến khỏi Crimea đồng nghĩa Nga đã "nhường lại quyền kiểm soát Biển Đen" cho Ukraine, điều này quan trọng không kém cuộc phản công năm ngoái ở tỉnh Kharkov, giúp Kiev giành lại vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực tây bắc đất nước.

Quân đội Ukraine sử dụng hệ thống HIMARS hay tên lửa Storm Shadow theo chiến thuật "bắn và chạy" như tấn công phẫu thuật, qua đó họ đã gây thiệt hại đáng kể cho Quân đội Nga trong giai đoạn đầu khi vũ khí mới được đưa vào tham chiến.

Điều này được duy trì cho tới khi Nga thu được các mẫu đạn còn gần như nguyên vẹn trên chiến trường để nghiên cứu cách hạn chế và hóa giải đòn tấn công.

Cùng với đó, Ukraine còn biết sử dụng tốt nguồn lực khi liên tục giáng những đòn tấn công hiệu quả vào Bán đảo Crimea bằng bầy đàn UAV và tên lửa Storm Shadow nhằm vào Hạm đội Biển Đen.

Những UAV đơn lẻ đầu tiên chính là nhằm thăm dò hệ thống phòng không của Nga, phát hiện các vị trí chiến thuật phù hợp để Kiev phối kiểm với các thông tin tình báo rồi tung đòn tấn công bão hòa, gây thiệt hại lớn tại cơ sở sửa chữa tàu biển ở Sevastopol và sau đó là trụ sở của Hạm đội Biển Đen.

Ngoài ra còn có rất nhiều ví dụ khác ở cấp chiến thuật, chiến dịch chứng minh sự "tháo vát" của Kiev trong cuộc xung đột. Điều này không chứng tỏ Kiev có năng lực vượt trội so với Moscow, mà là cách tiếp cận và giải quyết "các bài toán" chiến thuật của phía Ukraine có sự linh động và điều chỉnh nhanh chóng, phù hợp với hoàn cảnh chiến trường khiến họ trở thành đối thủ "khó chơi".

ATACMS lần đầu tham chiến, Ukraine gây bất ngờ: Kẻ 8 lạng, người nửa cân - 3

Tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS đã được Washington cung cấp cho Kiev (Ảnh: Mil.in.ua).

"Kẻ tám lạng, người nửa cân"

Vậy nếu đối thủ ở bên kia chiến tuyến có sự linh hoạt trong việc sử dụng nguồn lực, thì Quân đội Nga liệu có máy móc và rập khuôn trong tác chiến. Đó là một câu hỏi khá ngây thơ!

Chiến lệ trong lịch sử đã từng chứng minh, quân đội Sa hoàng, Hồng quân Liên Xô và Quân đội Nga hiện nay thường bắt đầu các cuộc chiến tranh, xung đột khá chậm chạp. Tuy nhiên, họ lại biết học từ thất bại rất nhanh để đè bẹp đối thủ trên chiến trường.

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, điều này càng thể hiện rõ. Các loại "thánh khí", "vũ khí thay đổi cuộc chơi" của Mỹ và phương Tây thường thể hiện uy lực trong thời gian đầu, sau đó đều biến mất hoặc phơi xác trên chiến trường Ukraine.

Bài học này có thể thấy từ tên lửa HIMARS hay sau đó là các loại bom, đạn chùm được viện trợ cho Ukraine. Quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật để hạn chế thấp nhất những thiệt hại bởi các loại vũ khí Mỹ và NATO viện trợ.

Cùng với đó, các mẫu vật về vũ khí này, cũng như các thông tin về chúng được hệ thống phòng thủ của Nga cập nhật để tìm ra phương án ngăn chặn hiệu quả.

Ngay sau khi vụ tấn công của tên lửa ATACMS, các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng tại tiền tuyến sẽ thay đổi chiến thuật để vô hiệu hóa loại vũ khí mới này.

Quả đúng vậy, ngày 25/10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: "Trong 24 giờ qua, lực lượng phòng không đã đánh chặn thành công 2 tên lửa chiến thuật ATACMS, 1 tên lửa đất đối không S-200 được hoán cải để tấn công các mục tiêu mặt đất, 2 tên lửa chống bức xạ HARM và 2 rocket của hệ thống HIMARS".

Theo hãng tin TASS, đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố bắn hạ 2 tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Phóng viên chiến trường Evgeny Linin của báo Ura.ru đánh giá, các đơn vị quân đội Nga được khuyến nghị phân tán vũ khí trang bị nằm ngoài bán kính sát thương của dòng tên lửa chiến thuật này để hạn chế tối đa tổn thất. Ngoài ra, lực lượng của Moscow cũng thực hiện những thay đổi về hậu cần, di chuyển các kho đạn dược và nhiên liệu lớn vào sâu hơn trong lãnh thổ.

Phóng viên Linin chỉ ra rằng Quân đội Nga sẽ nhanh chóng thích nghi để hạn chế hiệu quả của loại vũ khí mới, sau đó việc sử dụng ATACMS sẽ dần trở nên vô dụng như nhiều loại vũ khí tấn công tầm xa khác của Ukraine.

Diễn biến tương tự cũng được thực hiện sau khi phương Tây bắt đầu chuyển giao hệ thống pháo phản lực HIMARS cho Ukraine. Hiện tại, hiệu quả của hệ thống vũ khí này đã giảm đáng kể.

Chuyên gia quân sự, Đại tá nghỉ hưu Viktor Litovkin cho rằng, các hệ thống phòng không của Nga như Tor, Buk và S-400 hoàn toàn có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo ATACMS của Mỹ một cách hiệu quả.

Ông Litovkin nói thêm rằng các hệ thống phòng không hiện đại của Nga có thể phát hiện ra loại vũ khí đạn đạo này khi có sự chuẩn bị và bố trí trận địa phù hợp. Theo đó, việc sử dụng tên lửa đạn đạo nói trên có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến trình của chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng sẽ không thể thay đổi tình hình chiến trường đang bất lợi cho Ukraine.

ATACMS lần đầu tham chiến, Ukraine gây bất ngờ: Kẻ 8 lạng, người nửa cân - 4
Bạn còn nhớ về HIMARS và Storm Shadow không? Người Nga đã có rất nhiều kinh nghiệm và tiêu diệt chúng. Gần đây, thậm chí chúng tôi còn không nghe nói về những loại vũ khí đó nữa.
Larry Johnson, cựu sĩ quan tình báo CIA

Có chung nhận định, chuyên gia quân sự, Đại tá nghỉ hưu Anatoly Matviychuk cho rằng, tên lửa mới của Kiev sẽ không thể thay đổi tiến trình của hoạt động quân sự đặc biệt.

RIA Novosti dẫn nhận định của cựu nhà phân tích CIA Larry Johnson trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Stephen Gardner cho biết, quân đội Nga đã xử lý tên lửa chiến thuật ATACMS mà Mỹ gửi đến Ukraine, giống như cách họ xử lý Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS (Mỹ) và tên lửa hành trình Storm Shadow (Anh).

"Bạn còn nhớ về HIMARS và Storm Shadow không? Người Nga đã có rất nhiều kinh nghiệm và tiêu diệt chúng. Gần đây, thậm chí chúng tôi còn không nghe nói về những loại vũ khí đó nữa", chuyên gia Larry Johnson chia sẻ.

Theo ông Johnson, điều tương tự cũng đang xảy ra với tên lửa ATACMS, vừa được Mỹ chuyển giao cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Hiện số lượng còn lại rất ít.

"Mỹ gửi khoảng 12 quả ATACMS (cho Ukraine), giờ chỉ còn lại 3 quả. Việc tìm kiếm vũ khí thần kỳ đã dẫn đến thực tế là các yếu tố cơ bản nhất của tác chiến đã bị bỏ qua - chiến lược và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Trong khi, Kiev không có yếu tố nào cả", chuyên gia CIA Johnson nhận định.

Chúng ta có thể hiểu đơn giản, cuộc xung đột tại Ukraine hay việc sử dụng các loại vũ khí mới giống như 2 võ sĩ boxing trên sàn đấu, mỗi chiến thuật và đợt tấn công là một cú đấm, nhưng chưa xuất hiện đòn đánh đủ mạnh để hạ knock-out đối phương. Và điều này thì rõ ràng là Kiev đang thiếu… còn Moscow vẫn chưa tung ra cú đấm quyết định dù họ có đủ sức mạnh.

Thế nên, diễn biến chiến trường cho thấy cả hai bên vẫn đang giằng co, tạm ở thế "kẻ tám lạng, người nửa cân".

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine