PGS.TS Bùi Hoài Sơn: "Lì xì online phải giữ được tinh thần truyền thống"

Phương Nhung

(Dân trí) - "Với tục lì xì ngày Tết, cách thức thể hiện có thể đa dạng nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta vẫn phải giữ được tinh thần truyền thống", PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với PV Dân trí xoay quanh câu chuyện đón Tết, lì xì trong mùa dịch.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lì xì online phải giữ được tinh thần truyền thống - 1

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ông cho rằng, việc lì xì online có làm mất đi ý nghĩa của phong tục lì xì ngày Tết?

- Văn hóa không phải là sự tĩnh tại mà luôn thay đổi. Trong xã hội hiện đại, sẽ có rất nhiều hiện tượng văn hóa mới nảy sinh. Có những thay đổi ngày hôm nay không hoàn toàn đi ngược lại giá trị truyền thống mà chỉ là sự thích nghi của văn hóa với những bối cảnh xã hội nhất định. Biết đâu đó, sau này sự thay đổi đó lại trở thành truyền thống.

Lì xì online cũng là một hiện tượng xuất hiện trong một bối cảnh nhất định. Để đánh giá một cách chính xác hiện tượng văn hóa này có thực sự trở thành giá trị văn hóa hay không, chúng ta cần thời gian kiểm chứng.

Trên thực tế, những trải nghiệm của chúng ta cho thấy, lì xì online cũng đã đáp ứng những nhu cầu nhất định, không gặp phải quá nhiều sự phản đối của mọi người.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lì xì online phải giữ được tinh thần truyền thống - 2

Lì xì online là một thói quen trong thời đại số, nền kinh tế số với những người công dân số (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).  

Đây có thể là một thói quen trong thời đại số, nền kinh tế số với những người công dân số. Khái niệm "văn hóa số" đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021).

Chúng ta cần có một tinh thần cởi mở với những hiện tượng văn hóa mới.

Trách nhiệm của chúng ta là làm thế nào để những sinh hoạt văn hóa đó phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, không làm mất đi giá trị truyền thống.

Quay lại tục lì xì, cách thức thể hiện có thể đa dạng nhưng chúng ta vẫn phải giữ được tinh thần truyền thống, thực sự mong muốn những điều tốt lành cho những người chúng ta lì xì. Đó là thông điệp quan trọng nhất mà lì xì mang lại. Giữ gìn truyền thống là giữ gìn ngọn lửa chứ không phải đống tro tàn.

Trong nhiều quảng cáo phát trên truyền hình hay những sản phẩm được bày bán trên thị trường ngày Tết, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh em bé mặc áo dài, lễ phép đưa hai tay nhận phong bao lì xì đỏ từ ông bà, cha mẹ. Những hình ảnh ấy trong tiềm thức của ông có là một niềm thương nhớ?

- Thực sự đó là những hình ảnh khiến cho ngày Tết trở nên gần gũi, ấm áp, sinh động hơn. Ngày Tết được biểu hiện rõ nét qua hình ảnh, màu sắc, của những câu chuyện, nghi lễ. Những hình ảnh đó khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc không khí Tết.

Hương vị tình thân trong ngày Tết vẫn là giá trị được đề cao trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Những người làm kinh doanh bao giờ cũng phải tính toán để chinh phục tình yêu của khách hàng. Việc họ chọn những hình ảnh thân thương, gần với không khí, bối cảnh của ngày Tết cũng là điều dễ hiểu.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lì xì online phải giữ được tinh thần truyền thống - 3

Hình ảnh em bé nhận phong bao lì xì đỏ đã trở nên quen thuộc trong tiềm thức của người Việt (Ảnh: Lê Đăng Đạt).

Trên thực tế, dịch Covid-19 ở nước ta vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ. Theo ông, việc chúc Tết trực tiếp có nên hay không? Và nếu không thì chúng ta nên thay bằng hình thức như thế nào?

- Chúc Tết là một truyền thống đáng quý của người Việt, vì thế chắc chắn chúng ta phải duy trì tục lệ này để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Chúng ta chưa thực sự an toàn, an tâm.

Trước những mối lo đó, việc đi lễ Tết năm nay phải hết sức cẩn trọng. Chắc chắn chúng ta phải tuân thủ nghiêm các quy định của Chính phủ về phòng chống dịch, đảm bảo yếu tố 5K, kết hợp với việc áp dụng các tiến bộ công nghệ để nối liền khoảng cách, giúp việc chúc Tết vẫn được duy trì bất chấp khó khăn của bệnh tật.

Đó cũng là ý nghĩa quan trọng của ngày Tết: đem lại niềm vui, hạnh phúc, khởi đầu năm mới bằng tinh thần tích cực cho mỗi người dân, gia đình và xã hội.

Làm được như vậy chúng ta cũng sẽ tạo ra một cái Tết an toàn. Điều này phụ thuộc vào ý thức tự giác của mỗi người.

Việc ứng dụng công nghệ liệu có đánh mất đi giá trị của ngày Tết không thưa ông?

- Ngày Tết, việc tiếp xúc trực tiếp là quan trọng nhất vì chỉ có như vậy mới đem đến không khí ấm áp, tình cảm gắn bó, Tết đoàn viên theo đúng nghĩa cho tất cả mọi người.

Sự sum vầy, cùng thực hiện những nghi lễ truyền thống, chia sẻ, chuyện trò là ý nghĩa quan trọng của ngày Tết.

Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giữ an toàn, sức khỏe cho mỗi cá nhân là ưu tiên hàng đầu và trở thành trách nhiệm đạo đức của mỗi người.

Tôi nhận thấy, khi thực hiện các quy định của Chính phủ cũng là lúc chúng ta làm điều thiện cho chính mình, gia đình mình và toàn xã hội. Chính những điều thiện, điều tốt đó sẽ giúp chúng ta có tinh thần tốt hơn.

Việc áp dụng công nghệ như nhắn tin, gọi điện, livestream chúc Tết qua các ứng dụng giúp chúng ta vẫn có thể chia sẻ không khí Tết mà lại đảm bảo được an toàn. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay.

Với lực lượng tuyến đầu chống dịch, có rất nhiều người năm trước không được ở bên cạnh gia đình đón Tết và năm nay cũng vậy, ông muốn nói điều gì?

- Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói, chúng ta đang sống trong một giai đoạn hết sức đặc biệt, như một cuộc chiến. Điều đó đòi hỏi sự hi sinh của rất nhiều người, đặc biệt là tuyến đầu chống dịch. Rất nhiều những hình ảnh xúc động, truyền cảm hứng cho toàn dân tộc đã được ghi nhận.

Sự hi sinh đó là không vô nghĩa. Lực lượng tuyến đầu chính là những chiến sĩ giúp đất nước ta đồng lòng vượt qua những khó khăn, gian khổ, gặt hái những thắng lợi, chiến đấu với dịch bệnh.

Chính vì thế, cả dân tộc rất biết ơn sự hi sinh của lực lượng tuyến đầu. Lời cảm ơn của tất cả mọi người là điều mà tôi muốn gửi đến những người anh hùng thầm lặng đã cho chúng ta một cái Tết an toàn, ấm áp.

Thưa ông, tác động của dịch Covid-19, bên cạnh những yếu tố tiêu cực có điểm gì tích cực đến văn hóa đón Tết của dân tộc Việt Nam?

- Tết là dịp hết sức đặc biệt. Đây là môi trường tuyệt vời để chúng ta thực hành các giá trị truyền thống, các nghi lễ, cùng nhau chia sẻ, ôn lại những giá trị trường tồn của dân tộc.

Trong đợt dịch vừa qua, dân tộc ta đã vượt qua những khó khăn chính nhờ những giá trị đáng quý của dân tộc như tinh thần yêu nước, đoàn kết, chia sẻ, nghĩa tình.

Thông qua những hình tượng cụ thể, đó là các y bác sĩ, các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch, thậm chí người già, trẻ em,… chúng ta một lần nữa thấy được những giá trị quan trọng này được nhân lên, từ đó giúp chúng ta tin tưởng văn hóa thực sự là động lực phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng phồn vinh, hạnh phúc cho dân tộc.

Trân trọng cảm ơn ông!