Tâm điểm
Lưu Đình Long

Việc thiện đầu năm

Một trong những việc làm định kỳ của tôi trong suốt năm chính là đi hiến máu. Mỗi ba tháng, như lời hẹn với chính mình, tôi sẽ rủ rê một vài người bạn đến Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TPHCM ở quận 1 hoặc quận Tân Bình để hiến những giọt hồng.

Tôi biết đến việc tình nguyện hiến máu từ thời sinh viên, hơn 20 năm trước. Lúc đó, đoàn trường tổ chức, xe hiến máu lưu động về tận sân trường ở làng đại học Thủ Đức để tiếp nhận máu của sinh viên.

Từ khóa "hiến máu" khiến một sinh viên tỉnh lẻ như tôi tò mò. Sau khi tìm hiểu kỹ, thì đó là hoạt động hỗ trợ người bệnh có một "biệt dược" mà y học dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể nào bào chế được. Đó là máu.

Tôi nhớ rất rõ slogan của trung tâm hiến máu, ghi bằng chữ đỏ trên chiếc xe lưu động: "Máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu".

Việc thiện đầu năm - 1

Công đoàn viên, đoàn viên Bộ LĐ-TB&XH tham gia hiến máu, tháng 3/2023 (Ảnh: Minh Nhật).

Thực tế, máu là "thuốc" đặc trị cho nhiều bệnh nhân cần phẫu thuật hoặc truyền máu gấp do mất máu cấp. Có những loại máu hiếm thì việc huy động cho ngân hàng máu này càng khó khăn hơn.

"Mỗi người trưởng thành từ trên 18 tuổi đến 60 tuổi có thể hiến máu tự nguyện, lượng máu hiến thấp nhất là 250ml, nhiều nhất 450ml, tùy sức khỏe, số ký của tình nguyện viên. Tuy nhiên, phổ biến và được khuyến khích là 350ml". Tôi nhớ rất rõ thông tin ấy khi hỏi một cán bộ đoàn trường về chiến dịch hiến máu tự nguyện dành cho sinh viên nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập đoàn năm đó. Cậu sinh viên 55kg lúc bấy giờ - là tôi - đã cẩn thận rót một cốc nước vào trong chiếc bình 500ml, đúng nửa bình. Nếu mình hiến thì sẽ lấy chừng ấy máu. Mới đầu tôi hơi sợ.

Nhưng rồi, nhớ lại lời chia sẻ của anh cán bộ đoàn, "máu hiến sẽ được tái tạo trong thời gian ngắn sau đó, 3-5 ngày, và máu mới sẽ tốt hơn". Ngoài ra, khi hiến máu, người hiến được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng. Đặc biệt là thông tin, máu hiến sẽ cứu được người nếu đơn vị máu mình trao có người nhận, qua cơn nguy kịch.

Tâm niệm cứu người, chia sẻ với người khó khổ hơn mình đã hun đúc trong lòng tôi từ lâu. Nay có cơ hội, tại sao mình không làm. Nhất là khi máu hiến sẽ được tái tạo lại sau đó.

Tôi đặt bút đăng ký hiến máu lần đầu tiên. Hồi hộp. Nhưng rồi, sau vài thủ tục thăm khám, xác định nhóm máu bởi một kỹ thuật viên, tôi đã hiến máu an toàn. "Cũng bình thường". Tôi nghĩ. Và thấy vui trong lòng khi nhớ về giá trị mà mình vừa trao.

Đến nay, sau đúng 65 lần hiến, tôi vẫn khỏe mạnh, thỉnh thoảng có người còn khen: "Nom, cậu trẻ hơn trước, càng ngày càng trẻ". Tôi cười, nói vui, chắc nhờ hiến máu.

Là một Phật tử, tôi được học về hạnh bố thí. Đức Phật dạy, bố thí không chỉ tài vật (tiền bạc, quà cáp) mà còn nhiều điều khác: một tâm thế tích cực, bình an, một nụ cười, một lời hay ý đẹp khiến người nghe xong chuyển hóa nhẹ nhàng… Trong đó, hiến tặng sự sống thông qua những giá trị mình có nơi thân thể như hiến tạng, hiến máu, hiến tiểu cầu, tủy… là một trong những sự chia sẻ đáng trân trọng.

Con người hiện đại ngày càng hiểu giá trị của sự cho đi, kể cả trao tặng những phần cơ thể quý giá của mình sau khi chết, nếu còn sử dụng được; hoặc lúc sống mà người bệnh cần để lành bệnh như máu, tiểu cầu. Y học hiện đại cũng đã có khả năng cứu sống nhiều người từ những mô tạng mà một người nào đó mất hiến tặng.

Nhà Phật tán dương việc cứu người - đó là việc còn tốt hơn xây bảy kiểng chùa - dù việc xây chùa tạo tháp vốn là việc thiện rất tôn quý.

Một ngày đầu tháng 2/2024, tôi đọc được thông tin Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân hiến máu trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đặc biệt là người có nhóm máu O, A để bảo đảm nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị dịp Tết.

Ông Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, mỗi tháng Trung tâm Máu quốc gia cần tiếp nhận khoảng 40.000 - 42.000 đơn vị máu và 5.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách để đảm bảo cung ứng cho các bệnh viện.

Ông Quế thông tin, hai tháng đầu năm 2024 cần tối thiểu 80.000 đơn vị máu để cung cấp cho hơn 180 cơ sở y tế tại 31 tỉnh thành.

Mặc dù đã chuẩn bị, lên kế hoạch tiếp nhận máu từ trước nhưng kết quả đạt thấp hơn so với nhu cầu. Lý giải, ông Quế cho rằng, những ngày gần đây thời tiết khắc nghiệt, rét đậm xảy ra ở nhiều nơi khiến nhiều điểm hiến máu không đạt được kết quả như dự kiến. Trong khi đó, viện đang phải tiếp tục chi viện 1.000 đơn vị máu mỗi tuần cho Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Một số khu vực khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng không đạt kết quả tiếp nhận máu theo kế hoạch và xin hỗ trợ từ Trung tâm Máu quốc gia. Tương tự, tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, nơi đang cung cấp chế phẩm máu cho hơn 150 bệnh viện tại TPHCM và hỗ trợ cho các tỉnh Tây Nam bộ cũng trong tình trạng thiếu máu do số người hiến máu giảm những ngày gần đây. Có thể hiểu, cuối năm ai cũng bận rộn nên không sắp xếp thời gian đi hiến được.

Rất may, tôi đã kịp hiến trong ngày Chủ nhật cuối cùng của năm, trước khi rời TPHCM về Quảng Nam ăn Tết cùng người thân.

Ai cũng biết, những ngày trước, trong và sau Tết, tình trạng tai nạn giao thông, xuất huyết dạ dày (do nhậu nhiều), đánh nhau gây thương tích (từ tiệc tùng, say xỉn), cộng với thời tiết cực đoan ở nhiều địa phương, nhất là phía Bắc khiến bệnh nhân nhập viện cao. Nhu cầu về máu theo đó có thể cao hơn thường ngày nhưng lượng người đi hiến giảm đi vì về quê, bận lo Tết nhất. Do vậy, ngay thời điểm đầu năm mới Giáp Thìn, khi các trung tâm hiến máu nhân đạo, bệnh viện về truyền máu, huyết học hoạt động lại, người dân có thể đăng ký hiến tặng những giọt hồng.

Máu có thể chờ người bệnh, người bệnh không thể chờ máu. Tôi nhớ slogan ấy nên phát nguyện sẽ giữ sức khỏe để hiến máu đến tuổi không thể hiến theo quy định của ngành y tế. Hình ảnh động viên tôi và có lẽ nhiều người hiến máu chính là mỗi lần hiến 350ml, bạn sẽ cứu sống được ba người. Thật là một phần thưởng lớn lao.

Tôi nghĩ, gieo mầm thiện có thể bằng nhiều cách. Nhưng hiến máu thì ai cũng có thể, chỉ cần sức khỏe mình tương đối tốt, không có bệnh truyền nhiễm…

Gieo mầm xuân từ giọt máu hồng của mình có lẽ là món quà không chỉ cho người nhận mà còn là của để dành theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của hành động hiến máu cứu người. Thực tế, có những người đã được nhận lại máu hiến khi bản thân xảy ra bất trắc. Tất nhiên, không ai muốn điều đó. Còn niềm vui lan tỏa khi biết mình cứu được ba người sau mỗi lần hiến tặng máu sống của mình thì thật là khó tả!

Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!