Tâm điểm
Trịnh Minh Tuấn

Vì sao công chúng phải săn vé phim "Đào, phở và piano"?

Trong những ngày gần đây bộ phim "Đào, phở và piano" nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Công chúng săn vé, xếp hàng chờ đợi… tại Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội) để được xem bộ phim này.

Trước tình trạng quá tải của Trung tâm chiếu phim quốc gia, hai công ty tư nhân là Beta Cinemas và Cinestar đã đồng hành cùng Cục điện ảnh để công chiếu bộ phim này dưới hình thức phi lợi nhuận.

Hành động của Beta Cinesmas và Cinestar là rất kịp thời nhưng có lẽ chỉ mang tính chất phản ứng với vụ việc bởi, các doanh nghiệp tư không thể công chiếu phi lợi nhuận mãi được. Từ đó, công chúng có quyền đặt ra câu hỏi: Tại sao Công ty phim truyện I được Cục điện ảnh đặt hàng sản xuất bộ phim này lại không thể đáp ứng nhu cầu xem của công chúng?

Vì sao công chúng phải săn vé phim Đào, phở và piano? - 1

Trung tâm Chiếu phim Quốc gia thông báo hệ thống bán vé online ngày 20/2 quá tải (Ảnh: Minh Nhân).

Đáng tiếc, việc Công ty phim truyện I khó có thể đáp ứng quyền thụ hưởng văn hóa của công chúng có thể xuất phát từ những bất cập của Luật điện ảnh và các văn bản pháp luật liên quan.

Theo Quyết định 1230 ngày 26/5/2022 thì bộ phim "Đào, phở và piano" được Cục điện ảnh đặt hàng cho Công ty cổ phần phim truyện I sản xuất. Sau hơn một năm, vào tháng 11/2023 phim "Đào, phở và piano" ra mắt với mục đích có lẽ công chiếu vào dịp Ngày toàn quốc kháng chiến. Không hiểu vì nguyên nhân gì, mãi đến tháng 1/2024 bộ phim này mới công chiếu.

May mắn thay, sau khi một hot Tiktoker xem "Đào, phở và piano" về giới thiệu lại trên mạng xã hội, bộ phim đột ngột thu hút lượng lớn công chúng tới Trung tâm chiếu quốc gia để xem.

Trong Luật điện ảnh hiện hành thì ba hình thức sản xuất phim sử dụng NSNN là: giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu. Phim "Đào, phở và piano" sản xuất theo hình thức đặt hàng sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và Điều 14 Luật điện ảnh hiện hành, được hướng dẫn cụ thể tại Điều 7 Nghị định 131/2022 và Nghị định 32/2019 dành cho sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN. Chủ đầu tư là Cục điện ảnh. Đơn vị được đặt hàng là Công ty cổ phần phim truyện I.

Theo Luật Điện ảnh, Nghị định 131, Nghị định 32/2019 thì phim do Nhà nước đặt hàng từ nguồn NSNN phải có phương án phát hành và phổ biến phim.

Phát hành phim là trao đổi, mua, bán, cho thuê. Phổ biến phim là đưa phim đến người xem thông qua các hình thức chiếu phim trong rạp chiếu phim, tại địa điểm chiếu phim công cộng, tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, trên hệ thống truyền hình, không gian mạng và phương tiện nghe nhìn khác.

Vì sao công chúng phải săn vé phim Đào, phở và piano? - 2

Khu vực soát vé tại các phòng chiếu Đào, phở và piano luôn trong cảnh đông đúc (Ảnh: Minh Nhân).

Bài viết này chưa đề cập đến việc phát hành phim bởi nó liên quan đến việc mua, bán, thuê, kế hoạch tiếp thị, phân chia lợi nhuận, quyền sở hữu và quyền liên quan giữa các bên.

Còn việc phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng như nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ; hệ thống truyền hình; không gian mạng… nằm trong thẩm quyền của Cục điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Để có thể phổ biến phim, các bên liên quan cần có giấy phép phân loại phim và quyết định phát sóng. Thủ tục để có giấy phép phân loại phim và quyết định phát sóng trong khoảng 15 ngày do Bộ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép. Giấy phép và quyết định này có giá trị trên toàn quốc.

Như phân tích phía trên, bộ phim ra mắt vào tháng 10/2023, cho đến nay là gần bốn tháng. Vậy tại sao phim "Đào, phở và piano" chưa công chiếu rộng rãi trên các hệ thống rạp chiếu phim, địa điểm chiếu phim công cộng và không gian mạng để công chúng có thể thụ hưởng sản phẩm văn hóa? Đây là đòi hỏi chính đáng bởi phim "Đào, phở và piano" là sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN ở cấp trung ương hoặc địa phương để phục vụ lợi ích công.

Lợi ích công ở đây là "sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc… để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam".

Nguyên nhân của sự chậm trễ này đến từ sự thiếu chủ động của các Cục điện ảnh, Công ty cổ phần phim truyện I và các bên liên quan hay đến từ sự bất cập của quy định pháp luật về điện ảnh? Ví dụ, theo Quyết định 1230 ngày 26/5/2022 thì ngân sách cho tài trợ phổ biến phim chỉ có 500 triệu đồng cho 8 phim theo phương thức đặt hàng, cho nên, các công ty phim không có ngân sách cho phí phát hành phim và ngân sách tiếp thị.

Ngoài ra, đối với phương thức Nhà nước đặt hàng sản xuất phim thì chỉ cần xây dựng phương án phát hành; nhưng với phương thức đấu thầu thì bên tham gia thầu phải có: dự kiến chi phí phát hành; dự kiến doanh thu phát hành; phương án phát hành, phổ biến phim và phương án phân chia lợi nhuận.

Rõ ràng, khi so sánh phương thức Nhà nước đặt hàng sản xuất phim và phương án đấu thầu thì phương án đấu thầu ưu việt hơn. Nhưng tại sao đa phần phim sản xuất từ NSNN là hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng?

Chưa kể, theo điểm b, khoản 2 Điều 7 Nghị định 131 thì chỉ áp dụng phương thức đấu thầu "đối với dự án sản xuất phim theo kế hoạch nhiệm vụ chính trị về đề tài bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam". Nghĩa là, nếu so sánh giữa ba phương án: giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, thì phạm vi đề tài của phương án đấu thầu hẹp hơn hai phương án trên. Điều này có thể dẫn đến hệ quả là sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng từ NSNN thông qua phương án đầu thầu sẽ chiếm tỉ lệ thấp.

Có thể nói là khá lâu rồi phim sản xuất do Nhà nước đặt hàng từ NSNN mới nhận được hiệu ứng tích cực từ công chúng. Công chúng có quyền thụ hưởng sản phẩm văn hóa từ sự đầu tư của Nhà nước. Nhưng công chúng chỉ có thể thụ hưởng sản phẩm văn hóa và tiếp cận thông tin khi sản phẩm văn hóa đó được công chiếu rộng rãi.

Thụ hưởng sản phẩm văn hóa sản xuất từ NSNN là quyền của công chúng. Còn các tổ chức nhận được sự tài trợ của Nhà nước để sản xuất phim phải có nghĩa vụ phổ biến phim theo luật định. Khi đó cơ quan nhà nước mới hoàn thành nhiệm vụ chính trị; còn công chúng mới có thể đánh giá sản phẩm văn hóa được đầu tư từ một phần đóng góp của họ.

Với tư cách là một người dân, tôi rất muốn hỏi chủ đầu tư rằng vì sao công chúng phải săn vé phim "Đào, phở và piano"?

Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!