Tâm điểm
Bích Diệp

Ứng xử như thế nào với vé số online?

"Khách hàng không nên mua vé xổ số online vì đây là hoạt động chưa được phép theo quy định, không đảm bảo quyền lợi của khách hàng". Đây là khuyến cáo của Bộ Tài chính trước việc nhiều ý kiến đề nghị áp dụng hình thức mua, bán vé số trực tuyến.

Theo đó, khách hàng được đề nghị chỉ mua vé số từ công ty hoặc từ các đại lý được phép kinh doanh và phải lưu giữ vé số để được nhận thưởng khi trúng thưởng. Đối với vé xổ số truyền thống nên mua trực tiếp từ hệ thống đại lý xổ số; còn với vé xổ số điện toán, hiện nay chỉ có 2 kênh phân phối chính thức qua thiết bị đầu cuối tại các điểm bán hàng và qua điện thoại (SMS).

Ứng xử như thế nào với vé số online? - 1

Một tấm vé trúng thưởng sản phẩm Mega 6/45 đang chờ lĩnh tiền qua tài khoản (Ảnh minh họa: Vietlott).

Khuyến cáo trên mới được Bộ Tài chính đưa ra, nhưng khi đọc kỹ thì tôi không thấy có "yếu tố mới" nào ở đây. Trên thực tế, các đại lý bán vé số vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư 75 được Bộ Tài chính ban hành năm 2013, trong đó quy định vé số truyền thống không được phát hành và bán qua các hình thức khác ngoài hình thức bán trực tiếp.

Cụ thể, theo khoản 2 điều 12 của Thông tư 75 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số, các sản phẩm xổ số truyền thống không được phân phối qua các kênh: điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, Internet và phương tiện viễn thông khác.

Nói tóm lại, Bộ Tài chính chỉ đang nhắc lại yêu cầu trong một quy định vốn có sẵn. Yếu tố "mới" ở đây có chăng là phản ứng của dư luận, của những thành phần đang trực tiếp tham gia vào quá trình mua, bán trên thị trường vé số đối với quy định nói trên. Qua báo chí thấy rằng, hầu hết đại lý kinh doanh xổ số lẫn người mua và cả giới chuyên gia đều không ủng hộ việc cấm bán xổ số online.

Cũng như nhiều mặt hàng khác, việc kinh doanh vé số qua môi trường trực tuyến (online) nở rộ ở giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành. Trong điều kiện bất khả kháng là phong tỏa, giãn cách xã hội, việc thực hiện bán vé số online trở thành yếu tố "cứu" doanh số cho các nhà phân phối, các doanh nghiệp kinh doanh vé số. Cho đến nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, kênh giao dịch online càng trở nên quen thuộc hơn với nhiều người dân, phát triển thành một thị trường sôi động.

Đành rằng xổ số được coi là hàng hóa đặc biệt, nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này hoàn toàn có thể được giao dịch thuận lợi qua môi trường online. Trong khi chủ trương của Nhà nước là tạo điều kiện để phát triển kinh tế số thì việc cấm bán xổ số online quả thực gây khó hiểu.

Đồng ý rằng, mọi hoạt động kinh tế của người dân và doanh nghiệp đều phải trên cơ sở tuân thủ pháp luật, làm những gì pháp luật không cấm, tuy nhiên, nếu quy định đã lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với nhu cầu, xu thế phát triển thì phải có sửa đổi cho phù hợp. Nên nhớ rằng, quy định tại Thông tư 75 có từ 10 năm trước, khi mà hoạt động kinh doanh online còn chưa phát triển và thói quen người tiêu dùng hoàn toàn khác với thời điểm hiện tại.

Sự ngỡ ngàng của công chúng với khuyến cáo gần đây của Bộ Tài chính cho thấy 2 vấn đề: Thứ nhất, hoạt động kinh doanh xổ số online trước đến nay là không đúng luật, vậy vì sao cơ quan chức năng không xử phạt? Thứ hai, lập luận của cơ quan quản lý dựa trên quan điểm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vậy trong 3 năm qua (tính từ khi hoạt động bán vé số online phổ biến do Covid-19) thì đã xảy ra tranh chấp, khiếu kiện nào đáng kể hay chưa, có dẫn chứng cụ thể không?

Việc chấm dứt kinh doanh vé số online sẽ buộc các đại lý phải phân phối theo kênh trực tiếp, người bán vé số dạo sẽ phải tận tay phát vé tới người mua. Dĩ nhiên là những người bán vé số dạo sẽ vất vả hơn, còn xét về mỹ quan đô thị hay cảm nhận chung của khách hàng tại quán ăn, tiệm cà phê… chắc chắn họ cũng sẽ cảm thấy bất tiện, không thoải mái. Liệu có phải điều này đang đi ngược lại xu thế phát triển hay không?

Hãy thử tưởng tượng, một khách hàng thường xuyên mua xổ số, nếu trước đây chỉ cần nhắn tin qua ứng dụng, đặt mua qua mạng thì nay phải cất công đến tận nơi địa điểm bán vé số, trực tiếp gặp đại lý. Có phải là quá bất tiện không? Thế nên, dễ suy đoán lượng người mua sẽ giảm.

Bộ Tài chính cho hay, trong trường hợp mua vé số online, do người mua không nắm giữ vé số nên trong trường hợp trúng thưởng có thể không được trả thưởng hoặc bị ép phải chia giải thưởng; tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền, tệ nạn xã hội, trốn thuế, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Vấn đề đặt ra là liệu những nguy cơ này có tránh được và có biện pháp hóa giải hay không? Chẳng hạn để tránh trường hợp một vé số bán cho nhiều người, tránh tranh chấp xảy ra thì nên quy định rõ mỗi tờ vé số khi đã được bán cho ai thì phải ghi tên và số căn cước công dân người mua vào tờ vé số. 

Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh xổ số đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước. Một thống kê cho thấy, nộp ngân sách của hơn 20 công ty xổ số năm 2022 xấp xỉ 40.000 tỷ đồng (chủ yếu thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng), gần tương đương với tổng thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc (khoảng 40.353 tỷ đồng). Đây là nguồn lực để các địa phương sử dụng đầu tư xây dựng các công trình có ý nghĩa thiết thực như: giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội.

Phản ánh trên báo chí cho thấy, sau khi nhấn mạnh quy định cấm bán online vé số, lượng vé bán ra của các đơn vị kinh doanh đã giảm sút. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới doanh thu doanh nghiệp cũng như doanh thu ngân sách Nhà nước.

Thú vui may, rủi luôn tồn tại trong xã hội. Nếu không có một phương án quản lý phù hợp và khéo léo thì xổ số hợp pháp trong nước chẳng những bị thua thiệt trước xổ số nước ngoài mà còn phải chịu sức cạnh tranh rất lớn của các hoạt động trái phép như lô, đề, cá độ.

Các hoạt động mua bán qua mạng bị đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất trật tự an toàn xã hội; gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành thị trường xổ số của cơ quan quản lý. Song thiết nghĩ, việc của cơ quan quản lý chính là tìm cách hóa giải khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp và người dân hoạt động trên tinh thần "ích nước lợi nhà", thượng tôn pháp luật, chứ không phải hễ thấy khó là cấm!

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!