Tâm điểm
Bích Diệp

Từ chuyện thu hút FDI của Nghệ An, bàn về giải quyết "vùng trũng" FDI

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng còn nhiều khó khăn, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng đáng chú ý. Đến 20/11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn cả nước đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Góp vào kết quả đó là sự trỗi dậy của một số địa phương vốn là "vùng trũng" FDI, những năm trước đây chưa được các nhà đầu tư đặt nhiều quan tâm.

"Bí kíp" của Nghệ An

Nghệ An trở thành từ khóa "hot" khi lần đầu tiên thu hút trên một tỷ USD và tiếp tục nằm trong top 10 tỉnh, thành hút vốn FDI hàng đầu cả nước, đứng đầu khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Con số gần 1,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký đổ về Nghệ An 11 tháng qua khiến nhiều người ngạc nhiên khi mà suốt 27 năm kể từ khi tỉnh thu hút được dự án FDI đầu tiên, Nghệ An vẫn là vùng đất "trầm lặng". Dù vậy, với việc 2 năm liên tiếp địa phương này lọt top 10, chắc hẳn thành quả đạt được không phải ngẫu nhiên.

Báo chí dẫn lời ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết đã chuẩn bị 5 điều kiện mà tỉnh gọi là "5 sẵn sàng". Một là sẵn sàng về quy hoạch, hai là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, ba là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, kế đến là sẵn sàng về nguồn nhân lực và cuối cùng là cải cách thủ tục hành chính.

Từ chuyện thu hút FDI của Nghệ An, bàn về giải quyết vùng trũng FDI - 1

Hình ảnh một khu công nghiệp ở Nghệ An (Ảnh: T.C).

Việc thu hút thành công nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny..., bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô,... cho thấy định hướng của Nghệ An khá rõ ràng.

Tỉnh khẳng định ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; song thẳng thừng từ chối, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án khai thác tận dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Có thể thấy quan điểm này hoàn toàn đúng đắn! Còn nhớ nhiều năm trước, khi thu hút FDI trở thành "phong trào", các địa phương đua nhau "rải thảm" bằng cơ chế ưu đãi, hút vốn bằng mọi giá, thậm chí đánh đổi cả môi trường. Hệ lụy là khi mà cơ chế ưu đãi bị "vắt kiệt" thì nhà đầu tư bỏ đi. Do vậy, ưu đãi không nên là chiếc chìa khóa vạn năng biến thu hút FDI thành "cuộc đua xuống đáy" giữa các tỉnh, thành.

Nghệ An cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định và đánh giá cẩn trọng về công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, môi trường, suất đầu tư... đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ tại Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế.

Vậy, Nghệ An có gì để thu hút, để ra điều kiện với nhà đầu tư?

Như ông Nguyễn Đức Trung đã đề cập, những yếu tố mà địa phương chuẩn bị mang tính dài hơi hơn, gắn với quỹ đất sạch, hạ tầng kết nối. Đến năm 2025, tỉnh bảo đảm có đủ quỹ đất, mặt bằng sạch với khoảng 1.500 ha để thu hút đầu tư. Nghệ An cũng đang triển khai lập đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam trên 20.000 ha lên trên 100.000 ha. Ngoài các hạ tầng dùng chung, Nghệ An đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu như: Dự án đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò, Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; đồng thời quan tâm hoàn thiện hệ thống hạ tầng và dịch vụ xã hội.

Về giải quyết thủ tục, tiêu chí là "đúng và nhanh nhất", có dự án chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 5 ngày làm việc. "Cảm nhận về sự thay đổi có rõ ràng không?", tôi đưa câu hỏi này tới một số cán bộ trong các Sở, ngành ở Nghệ An, thì câu trả lời là "rõ rệt". Theo đó, các thủ tục đưa lên dịch vụ công nếu xử lý muộn một ngày cũng có thể bị kỷ luật.

Các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện được yêu cầu chủ động rà soát các quy định pháp luật còn vướng mắc, chồng chéo và thiếu cụ thể để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý.

Sự năng động của chính quyền địa phương

Nghệ An không phải là trường hợp mang tính hiện tượng, đơn lẻ. Một số địa phương khác dù xét về giá trị tuyệt đối không lớn nhưng cũng là tấm gương đáng học hỏi về thu hút FDI, cho thấy triết lý về sự phát triển đã có sự thay đổi và chuyển động tích cực.

Ví như ở Thái Bình, chỉ trong 11 tháng, tỉnh đã thu hút hơn 615 triệu USD vốn FDI đăng ký, cao hơn hẳn cả năm 2022 và 2021. Thậm chí trước năm 2021, vốn FDI vào tỉnh này ở mức khiêm tốn, chưa khi nào vượt 100 triệu USD.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết dự kiến, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo tỉnh sẽ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình (dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD) cho liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Marubeni Nhật Bản trong nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao bởi đây vừa là lợi thế mạnh của các nhà đầu tư Nhật Bản, vừa tận dụng được tiềm năng, dư địa phát triển của tỉnh Thái Bình.

Tương tự Nghệ An, Thái Bình cũng đã chuẩn bị quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, với 10 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố, tổng diện tích khoảng gần 3.000 ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tại Bình Định, tính chung cả đầu tư trong nước và nước ngoài, đến nay tỉnh đã thu hút mới 75 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch năm. UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác đến khảo sát, tìm hiểu và đăng ký đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo, xây dựng khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ du lịch, trí tuệ nhân tạo…

Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 91 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1,19 tỷ USD, qua đó giải quyết một lượng lớn lao động địa phương và thu hút lực lượng lao động chất lượng cao làm việc tại Bình Định.

Lãnh đạo tỉnh này cho biết, thời gian qua, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã phối hợp tích cực, khẩn trương và có hiệu quả nên bước đầu đã giải quyết được những vướng mắc, khó khăn giúp cho một số dự án quan trọng có thể triển khai sớm trên cơ sở tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thiết nghĩ, sự năng động, sự lắng nghe, cầu thị của chính quyền địa phương là quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp lựa chọn gắn bó. Bình Định trong năm qua đã làm rất tốt trong việc phối hợp với báo chí để quảng bá, truyền thông chính sách, giúp nhà đầu tư hiểu hơn về địa phương. Điều này vốn là hạn chế của không ít tỉnh, thành khi đóng kín nguồn tiếp cận của doanh nghiệp: lãnh đạo ngại báo chí, trong khi các trang web của địa phương gần như "đóng băng" không cập nhật thông tin, dữ liệu.

Ngay cả cải cách hành chính, dù nhiều nơi đã làm tốt về xử lý dịch vụ công nhưng thủ tục hành chính nội bộ vẫn ì ạch, trì trệ, chưa được kiểm soát tốt khiến sự phối hợp giữa các bộ phận, cơ quan còn hạn chế, chưa thông suốt, dễ tạo ra tâm lý đùn đẩy, ảnh hưởng đến hiệu quả chung.

Khi chính quyền địa phương thể hiện được sự năng động và chủ động, chúng tôi tin rằng sẽ không còn các "điểm mù" tồn tại đâu đó về thu hút FDI cũng như vốn đầu tư nói chung.

Tóm lại, dù coi thu hút FDI là một mục tiêu quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, nhưng chính quyền các địa phương thay vì nôn nóng đã lựa chọn cách làm bài bản, chắc chắc; thay vì thụ động, khép kín là sự chủ động và cởi mở. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư không chỉ đến tìm hiểu mà còn xác định gắn bó lâu dài. Quan trọng là sau đăng ký, vốn FDI không những được giải ngân đầy đủ mà còn mở rộng, tăng thêm.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!