Tâm điểm
Đào Trung Thành

Trẻ em học code

Mới đây một đoạn video về ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn Nvidia, người có chuyến thăm Việt Nam vào cuối năm 2023 - xuất hiện trên mạng, trong đó ông nói rằng "trẻ em không nên học code (ngôn ngữ lập trình)".

Chuyện một CEO công nghệ nổi tiếng, đứng đầu tập đoàn sản xuất chip có vốn hóa lớn nhất thế giới hiện nay, đưa ra phát biểu trên đã gây xôn xao dư luận.

Ông Jensen Huang cho rằng khoảng một thập kỷ trước, mọi người thường khuyên trẻ em cần học viết code. Nhưng bây giờ, kịch bản hoàn toàn ngược lại, với trí tuệ nhân tạo (AI), mọi người đều là lập trình viên. Ngôn ngữ làm việc với máy là ngôn ngữ tự nhiên như tiếng Anh, tiếng Việt.

Trẻ em học code - 1

Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành của tập đoàn Nvidia, cho rằng trẻ em không cần học viết code (Ảnh: DALL-E)

Ông cũng nói thêm rằng trẻ em không cần phải học cách viết mã và công việc của chúng ta là tạo ra một công nghệ để ngôn ngữ lập trình mang tính con người. Nói cách khác, các ngôn ngữ lập trình như C++ hoặc Java không còn cần thiết nữa vì máy tính sẽ hiểu những gì mọi người đang cố gắng nói với nó.

John Carmack - người sáng lập Id Software và Armadillo Aerospace, cũng là một nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ thế giới - đã đồng ý với ông Jensen Huang.

"Lập trình chưa bao giờ là nguồn gốc của giá trị và mọi người không nên quá gắn bó với nó. Giải quyết vấn đề là kỹ năng cốt lõi", John Carmack nói.

Trong thực tế hiện nay các lập trình viên đang được sự hỗ trợ tích cực của AI. Họ sử dụng các công cụ hỗ trợ lập trình, ví dụ như Github Copilot trong khoảng 50-60% tác vụ, và phản hồi rằng khả năng hỗ trợ code của AI ngày càng tiến bộ, tốc độ nhanh và chất lượng tốt.

Tôi quan sát tranh luận về phát biểu của Jensen Huang và thấy khá thú vị là những người vẫn đang code và làm việc trong lĩnh vực phần mềm thì đa số có cái nhìn linh hoạt và thích ứng, họ cũng cho rằng không cần phải học code trong tương lai. Trong khi đó lại có khá nhiều tiếng nói "bảo thủ", không nhìn thấy sự thay đổi sẽ đến trong bối cảnh công nghệ AI đang phát triển như vũ bão.

Chúng ta đang đứng giữa thời khắc lạ thường của biến chuyển mang tầm vóc vĩ đại, kỳ dị, thời kỳ mà những phát biểu về AI có thể sẽ không còn đúng đắn chỉ sau một thời gian ngắn vì AI "đi nhanh quá". Nhìn lại ChatGPT chỉ mới ra mắt được hơn một năm song đã làm được những điều trước đây là không tưởng. Vì vậy, tôi cho rằng điều quan trọng là luôn đón nhận những thông tin mới với tinh thần cởi mở, nhưng lại cần thận trọng khi áp dụng ngay vào cuộc sống.

Cá nhân tôi với những nghiên cứu về AI cũng tin rằng trẻ em sau này không cần học viết code. Nhưng theo tôi, đứng trước xu hướng nhu cầu lớn về nguồn nhân lực kỹ sư công nghệ thông tin nói chung, kỹ sư bán dẫn nói riêng hiện nay, , học sinh Việt Nam vẫn cần học cách tư duy trừu tượng, cách giải quyết vấn đề thông qua các thuật toán của ngôn ngữ lập trình, hay nói cách khác vẫn nên học code ở tương lai gần.

Về dài hạn, với sự phát triển của AI, ngôn ngữ tự nhiên có thể trở thành công cụ lập trình chính, làm giảm nhu cầu học viết mã truyền thống, nhưng hiện nay chưa ai có thể đưa ra dự báo cụ thể về thời điểm thay đổi. Vì vậy, về ngắn hạn, việc học code vẫn mang lại nhiều lợi ích, giúp trẻ em phát triển tư duy logic.

Ngoài ra, với xu thế phát triển trí tuệ nhân tạo hiện nay, tôi cho rằng có một số kỹ năng mà các bạn trẻ cần chú ý, đó là tư duy logic và tư duy trừu tượng để hiểu và phát triển các giải pháp sáng tạo, điều mà AI vẫn còn hạn chế.

Kỹ năng giao tiếp và thấu hiểu: AI có thể giao tiếp ngày càng tốt hơn với con người, nhưng sự hiểu biết sâu sắc về cảm xúc, động cơ và nhu cầu con người là điều mà chỉ con người mới có thể cảm nhận và phản hồi một cách chính xác nhất.

Kỹ năng hợp tác với AI: Hiểu cách làm việc và tối ưu hóa công việc cùng AI sẽ trở nên quan trọng, bao gồm việc biết cách đặt câu hỏi và định hình vấn đề để AI có thể hỗ trợ hiệu quả nhất. Dù không cần phải trở thành chuyên gia, một hiểu biết cơ bản về cách thức hoạt động của AI và các công nghệ liên quan sẽ giúp mọi người tận dụng và tương tác hiệu quả với công nghệ.

An toàn và bảo mật thông tin: Trong một thế giới ngày càng kỹ thuật số, kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân và hiểu biết về an ninh mạng trở thành thiết yếu.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, khả năng tự học và thích nghi sẽ là chìa khóa để thành công, không chỉ trong công nghệ mà còn trong mọi lĩnh vực khác.

Tác giả: Ông Đào Trung Thành học Thạc sĩ an ninh mạng tại Học viện Quốc gia Viễn thông, Pháp; từng kinh qua nhiều vị trí kỹ thuật và quản lý như Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khách hàng và Quản lý cước - VNPT TPHCM; Phó giám đốc Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft); Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) của Hệ thống Vinschool… Hiện ông Thành là Phó Viện trưởng viện Blockchain và AI.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!