Tâm điểm
Trương Chí Hùng

Trăn trở chính sách tiền lương giáo viên

Mấy năm nay, năm nào tôi cũng tham gia tư vấn tuyển sinh đại học. Nhiệm vụ của tôi là tư vấn về các nhóm ngành đào tạo giáo viên, hay còn gọi là Sư phạm. Tôi quan sát thấy, đa số các bạn trẻ bây giờ khi nghe tư vấn về ngành này thì tỏ ra thờ ơ, ít quan tâm. Có bạn còn thẳng thừng nói, gia đình mấy thế hệ làm giáo viên, nhưng bạn nhất quyết không theo nghề.

Tôi bỗng nhận ra, suy nghĩ của các bạn trẻ hiện nay đã có nhiều thay đổi, không giống như trước đây. Từng có một thời học sinh phải thực sự giỏi mới mong thi đậu vào Sư phạm. Phải chăng chính sự sàng lọc gắt gao thời ấy đã tạo ra giá trị thực, nghĩa là hình thành nên một thế hệ nhà giáo khá chất lượng.

Trăn trở chính sách tiền lương giáo viên - 1

Áp lực về tiền lương là một trong những nguyên nhân khiến nhiều giáo viên phải nghỉ việc (Ảnh minh họa: Đặng Dương).

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khối ngành đào tạo giáo viên thời gian gần đây ghi nhận nhiều sự biến động và quy mô đào tạo ngày càng giảm. Đơn cử, năm học 2022-2023, quy mô đào tạo khối ngành này giảm sâu tới gần một nửa, chỉ còn 89.321 sinh viên so với trước là trên 150.000 sinh viên.

Ngoài ra, nếu thống kê các thủ khoa, á khoa và nhiều học sinh đạt giải quốc gia trong cả nước sẽ thấy rất ít em chọn thi vào ngành sư phạm.

Là người gắn bó với công việc người thầy 20 năm qua, tôi luôn trăn trở trước thực trạng trên và tự đặt ra câu hỏi vì sao.

Trước tiên, phải nói đến vấn đề thu nhập. Khi lương giáo viên hầu như không đủ để chính bản thân thầy cô giáo trang trải cuộc sống, thì làm sao họ có thể chuyên tâm dấn thân cống hiến. Dĩ nhiên xã hội nói chung, các bạn học sinh nói riêng khi nhìn vào đời sống khó khăn của giáo viên thì sẽ không có động lực để đăng ký ngành Sư phạm.

Có những trường hợp, giáo viên ở đô thị mở lớp dạy thêm, thu nhập có cải thiện hơn. Nhiều người vì thế cứ đánh đồng, cho rằng giáo viên đi dạy thêm được và mức sống ổn lắm. Thật ra số giáo viên có thể dạy thêm chiếm tỉ lệ rất ít, còn đa số chỉ sống bằng lương, mà lương giáo viên thì "bèo bọt".

Thu nhập thấp khiến giáo viên mới ra trường rất chật vật mới đủ xoay xở cho cuộc sống hàng ngày. Nhiều thầy cô giáo đi dạy xa nhà, phải thuê nhà trọ để lưu trú thì tình hình càng khó khăn hơn. Không ít giáo viên trẻ mỗi tháng phải nhận thêm tiền hỗ trợ từ gia đình mới đủ sống.

Tôi nghĩ rằng trên đây là một trong những nguyên nhân chính khiến ngành Sư phạm ngày càng ít được giới trẻ ưu tiên lựa chọn, nhất là những học sinh giỏi, xuất sắc. Khi nghề giáo không còn tuyển dụng được những người giỏi, thì nền giáo dục của chúng ta chắc chắn đứng trước nguy cơ lớn.

Tất nhiên nhiều bạn trẻ thực sự đam mê nghề giáo, sẵn sàng bỏ qua chuyện cơm áo gạo tiền để dấn thân cống hiến. Song những áp lực khác lại làm cho họ chùn ý chí. Đó là tình trạng bạo lực học đường, thái độ thiếu tôn trọng của một bộ phận học sinh và phụ huynh đối với thầy cô… Mới đây, một bạn đồng nghiệp của tôi chia sẻ sự ấm ức, có học sinh vừa học tệ, vừa đạo đức kém, giáo viên đã khiển trách em nhiều lần trong quá trình dạy nhưng em không cải thiện, cấp trên vẫn "chỉ đạo ngầm" là phải cho lên lớp, giáo viên sao dám làm trái.

Ngày nay áp lực với nghề giáo viên không chỉ là chuyên môn, bài giảng mà còn rất nhiều vấn đề khác như họp hành triền miên; "gồng gánh" nhiều loại hồ sơ, sổ sách; đảm bảo chỉ tiêu học sinh lên lớp, tốt nghiệp; tham gia đầy đủ các chương trình bồi dưỡng, tập huấn, chuyên đề; tham gia các phong trào của đơn vị và địa phương…

Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi vì lương thấp và áp lực đã từ chỗ yêu nghề trở nên nguội lạnh đam mê, thậm chí chán ghét chính công việc của mình.

Nhìn bức tranh rộng hơn, chúng ta thấy rằng cả nước đang thiếu giáo viên. Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, cả nước còn thiếu 106.945 giáo viên; trong khi đó những năm gần đây đã có 16.265 giáo viên nghỉ việc.

Việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên không hề đơn giản, vì quy trình tuyển dụng phức tạp. Chưa nói đến, để đào tạo được một giáo viên, các trường Sư phạm phải mất từ 3-4 năm, trong khi bây giờ giới trẻ lại không mặn mà học ngành này như đã nêu ở trên.

Nhằm thu hút giới trẻ chọn nghề giáo, ngày 25/9/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; đồng thời được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).

Điều kiện nhận hỗ trợ nêu trên là Sinh viên sư phạm phải đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội). Với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục cũng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Nghị định 116 đang có tác động tích cực đến tuyển sinh ở các trường Sư phạm. Tuy nhiên, nhiều sinh viên rất băn khoăn, bởi Nghị định này chỉ hỗ trợ cho quá trình học tập, còn khi ra trường thì chính sách vẫn bỏ ngỏ. Nhiều khả năng thầy cô lại rơi vào vòng luẩn quẩn "gánh nặng áo cơm" như trước.

Lực lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên luôn có vai trò tiên quyết trong tiến trình cải cách giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Hiện tượng thiếu giáo viên trầm trọng ở một số địa phương hay chuyện giáo viên bỏ nghề, giới trẻ không mặn mà với ngành Sư phạm là những hồi chuông cảnh báo, cần sớm có giải pháp hữu hiệu.

Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Chỉ thị nêu rõ: Tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Là một giáo viên, tôi rất vui mừng trước nội dung nêu trên. Mong rằng các cơ quan hữu quan và ngành Giáo dục đẩy nhanh việc cải thiện thu nhập cho giáo viên, làm sao thầy cô thực sự sống được bằng nghề.

Thiết nghĩ các trường sư phạm cần khảo sát nhu cầu giáo viên thực tiễn của địa phương trước khi đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo, tránh việc mất cân đối giữa "cung" và "cầu" như thời gian qua.

Ngành Giáo dục và mỗi nhà trường nên xem xét từng bước gỡ bỏ những hoạt động mang tính "phong trào", "hình thức", qua đó để người giáo viên tập trung với công việc chuyên môn. Khẳng định vai trò, vị thế, tiếng nói của người thầy trong nhà trường cũng như ngoài xã hội cũng là giải pháp giúp họ "giữ lửa" nghề nghiệp, đồng thời có thể thu hút thế hệ trẻ lựa chọn ngành Sư phạm.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chúng ta càng không nên giải quyết vấn đề theo kiểu hỏng chỗ nào vá chỗ ấy, bởi chuyện "trồng người" là chuyện hệ trọng, là chuyện trăm năm.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!