Tâm điểm
Dương Xuân Nam

Quyền lực và kiểm soát quyền lực

Kiểm soát quyền lực là vấn đề đã được đề cập ở nước ta từ nhiều năm nay. Vào tháng 9/2019, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng, Bộ Chính trị đã quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập đến vấn đề này khi đưa ra một số ý kiến có tính gợi mở để Trung ương thảo luận.

Đề cập đến việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư cho hay báo cáo tổng kết trình Trung ương đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết, chỉ ra những kết quả, thành tựu to lớn, toàn diện, rất ấn tượng đã đạt được; đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân. Trong đó Tổng Bí thư nêu rõ "chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ".

Về khoa học chính trị thì quyền lực và kiểm soát quyền lực là vấn đề từ bao đời nay. Từ bậc vua chúa, tổng thống, thủ tướng, các ông chủ những tập đoàn giàu có, đến các ông bố, bà mẹ, đến những người lao động bình thường đều mong có một chút quyền, một chút thôi, hay quyền lực vô biên!

Đối với chúng ta quyền lực có ý nghĩa gì? Tại sao ai cũng tìm mọi cách để đạt cho được quyền lực? Cho dù không để ý… "Chúng ta luôn cố đạt cho được một địa vị có quyền lực bởi vì ta tin rằng quyền lực giúp ta làm chủ được cuộc sống, đem lại cho ta tự do và hạnh phúc - những gì ta mong muốn nhất" - mở đầu cuốn sách "Quyền lực đích thực" thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết như vậy.

Quyền lực, chuyện của muôn đời. Lịch sử đã chứng kiến những bậc minh quân mang lại thái bình, thịnh trị cho đất nước, nhưng cũng chứng kiến biết bao tấm bi kịch do giành giật quyền lực mà dẫn đến những cuộc chiến tranh, sát phạt đẫm máu, đất nước bị phá hủy; từ Đông sang Tây đã và đang không ngừng diễn ra…

Quyền lực là gì? "Xã hội chúng ta được xây dựng trên một khái niệm rất hạn hẹp về quyền lực, đó là giàu có, sung túc, thành công nghề nghiệp, danh tiếng, sức khỏe, sức mạnh quân sự và quyền năng chính trị …" ( Thích Nhất Hạnh).

Muốn có quyền lực, muốn được danh tiếng hay giàu sang không phải là điều xấu. Nhưng phải nhớ rằng, chúng ta theo đuổi quyền lực hay danh tiếng, tiền tài là để được hạnh phúc. Nếu giàu có và quyền lực không hạnh phúc cho chính bản thân mình và mang lại bất hạnh cho nhiều người, cho đất nước, thì giàu có và quyền thế để làm gì?  

Triết gia Jean Jacques Rousseau đã viết: Người mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để mãi mãi ở vị trí lãnh đạo, trừ khi người ấy chuyển đổi sức mạnh thành lẽ phải, và chuyển đổi sự khuất phục thành bổn phận.

Đúng vậy. Sử dụng quyền lực không đúng, sự cách biệt quá lớn giữa dân tộc này và dân tộc khác, giữa nhóm người này với nhóm người khác sẽ làm cho quyền lực bấp bênh. Ngay cả khi dường như được người khác chấp nhận thì người cầm quyền vẫn cảm thấy bất an.

Ấy vậy, nhưng ở nước ta hiện nay đã và đang có một số hiện tượng lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân, gia đình, bạn bè, hay thao túng người khác cho những nhóm lợi ích khác nhau. Sự lạm dụng quyền lực này nhiều lúc đã bất chấp tất cả, dẫn đến "tự tung tự tác" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói. Làm sao để kiểm soát quyền lực có hiệu quả, đó là vấn đề nóng hiện nay. 

Thực ra, trên thế giới đã có khái niệm về quyền lực của những người không có quyền lực, đó là quyền lực của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn rằng "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", ấy là nói về quyền lực của nhân dân, sức mạnh của nhân dân.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhân dân biết được người cán bộ từ khu phố, từ quận, phường… rõ nhất. Để những người dân bình thường thực hiện được quyền lực của mình, phải có những cơ chế thực sự hiệu quả trong việc thực thi khẩu hiệu "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" mà chúng ta đã nêu.

Hay nói cách khác, chúng ta phải thực hành mọi điều một cách dân chủ, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật.

Tác giả: Nhà thơ Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) nguyên là Tổng biên tập Báo Tiền phong; Trưởng ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2008.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!