Tâm điểm
Nguyễn Cảnh Bình

Phần cứng và phần mềm của văn hóa

Một nội dung tin tức mà tôi thấy xuất hiện với tần suất khá thường xuyên trên báo chí là công trình này, công trình kia trị giá nhiều tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, "đắp chiếu" ở các địa phương. Chẳng hạn, mới đây báo Dân trí phản ánh Ninh Bình hiện có hơn 120 công sở, trường học, trạm y tế... bị bỏ hoang, chưa có phương án xử lý gây lãng phí.

Những tòa nhà đã được xây dựng hoàn thành hoặc dở dang nằm phơi mưa, phơi nắng "trơ gan cùng tuế nguyệt", không chỉ công trình mà đất đai ở khu vực đó cũng bị hoang phí, trong khi đời sống người dân địa phương nhìn chung còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhiều nơi người dân lén cho trâu bò vào khu vực công trình bỏ hoang để chăn thả, tận dụng từng chút cỏ xanh. Vậy nhưng, dường như loại tin tức này xuất hiện quá nhiều trong những năm qua nên không mấy gây… xúc động với người đọc (?). Người ta đã quá quen với các khu đất, công trình "đắp chiếu" như vậy.

Là một người làm nghề xuất bản nên khi đi đến các địa phương tôi thường quan tâm đến các công trình nhà văn hóa, thư viện và thấy rằng, sự lãng phí không chỉ ở những nơi dự án bỏ hoang mà ở nhiều nơi ngay cả các dự án đã xây cất hoàn thiện, đưa vào sử dụng cũng rất lãng phí vì ít được sử dụng. Trong khi đó những dự án mới tương tự vẫn không ngừng được đề xuất cấp ngân sách.

Phần cứng và phần mềm của văn hóa - 1

Một trụ sở bỏ hoang trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá)

Đơn cử là thư viện cấp tỉnh và cấp huyện ở một số địa phương miền Trung mà tôi có dịp đến thăm, kinh phí xây dựng lên đến hàng chục hoặc hàng trăm tỷ đồng, nằm ở vị trí đắc địa, song không phát huy hết công năng. Một tòa nhà xây cho chưa đến vài chục lượt người đến đọc mỗi ngày hoặc vài ngàn lượt mỗi năm là vô cùng lãng phí.

Vấn đề là, trong những cuộc trò chuyện, tôi nghe rất nhiều đến các dự án đầu tư tiếp tiền của nhà nước để nâng cấp, cải tạo công trình, nghĩa là tập trung vào "phần cứng" chứ ít nghe đến những ý tưởng "phần mềm": Làm thế nào để thu hút nhiều người dân đến với các công trình văn hóa, thư viện; tổ chức thêm những hoạt động thiết thực nào; có nên đầu tư cho các dự án làm sách hay không…

Dường như chúng ta đang quan tâm đến đầu tư cho cơ sở vật chất, nhà cửa, trang thiết bị trong khi đầu tư chưa thỏa đáng cho nội dung và cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tri thức để lôi cuốn người dân đến với các thiết chế văn hóa trên địa bàn. So sánh thì khập khiễng nhưng đúng là các quán karaoke, quán nhậu tấp nập hơn so với nhà văn hóa, thư viện rất nhiều lần.

Tôi biết rằng đầu tư cho "phần cứng" là cần thiết, nhưng nếu không dành sự quan tâm đến "phần mềm" thì những sự đầu tư đó mang tiếng là phát triển văn hóa đọc, phát triển tri thức nhưng thực tế hầu như không đạt được mục tiêu nào đáng kể.

Vậy chúng ta nên làm gì? Điều cần thiết là tư duy và hành động cân bằng giữa "phần cứng" và "phần mềm", cần thấy rằng các hoạt động văn hóa thực sự, trong đó có văn hóa đọc, là thứ lôi cuốn người dân chứ không phải một công trình bê tông lạnh lùng. Chúng ta có thể xây các thư viện nhưng không đầu tư cho văn hóa đọc, không có những chương trình hành động để hình thành thói quen đọc sách cho các em nhỏ ngay từ những năm tháng đầu tiên trên ghế nhà trường thì các em sẽ ở nhà dùng thiết bị điện tử chứ không bao giờ đến thư viện.

Một dự án xây dựng trung tâm hội nghị cấp huyện với kinh phí lên đến 20 tỷ đồng kéo theo đó chi phí nuôi bộ máy vận hành, sửa chữa và tu bổ thường xuyên, trong khi địa phương hoàn toàn có thể thuê hội trường to đẹp của các khách sạn trên địa bàn khi có nhu cầu tổ chức hội nghị. Thực tế tôi quan sát thấy hệ thống công sở hiện tại ở địa phương đó cũng đã có đủ hội trường, không cần thiết xây thêm trong khi ngân sách còn khó khăn.

Với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, tôi tin chắc rằng chúng ta không thiếu nơi để tổ chức các hoạt động văn hóa, điều quan trọng là sự đầu tư cho các hoạt động đó như thế nào.    

Nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều nước còn mở cơ chế cho tư nhân vận hành những thiết chế văn hóa công như thư viện, bảo tàng… Họ thấy rằng tư nhân không thể đủ điều kiện xây dựng/mua các hiện vật cho bảo tàng nhưng hẳn là vận hành hiệu quả hơn nhiều.

Ngoài ra, có nhiều giải pháp để đầu tư cho văn hóa, tri thức mà không nhất thiết phải xây dựng công trình hay chỉ tổ chức các hoạt động biểu diễn "đến hẹn lại lên". Tôi từng dự những hội sách xin tiền ngân sách trong khi địa phương có thể áp dụng chính sách tặng voucher giảm giá hay khuyến mại/tặng sách cho người dân (kinh nghiệm tổ chức hội sách của tôi cho thấy không nên tặng mà chỉ nên khuyến mại, giảm giá sẽ hiệu quả hơn) hoặc thuê các sàn thương mại có sẵn vận hành, tổ chức riêng những hội sách phục vụ chương trình, đối tượng, mục tiêu cụ thể nào đó.

Những đầu tư công kiểu này có thể chuyển sang hướng nhà nước chi mua các voucher cung cấp cho người dân, mua dịch vụ của tư nhân cung cấp cho người cần sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Hiện nay áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn, trong phạm vi cụ thể như nêu trên, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không có giải pháp để thay đổi tư duy thì trên sổ sách có thể con số đầu tư là rất nhiều tỷ đồng song không mang lại hiệu quả thực chất. Và cứ như thế, trên báo chí vài năm nữa lại thấy những công trình "đắp chiếu", bỏ hoang.

Tác giả: Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!