Tâm điểm
Hương Hồng

Những tấm lòng Nhân ái: Nơi lan tỏa sự tử tế

"Cháu đã đi học trở lại, cháu xin bố mẹ quay lại trường để hoàn thành nốt bậc phổ thông. Cuộc đời của cháu đã được tái sinh từ những tấm lòng nhân ái, dự định của cháu sau này sẽ đăng ký học ngành Công tác xã hội, để có cơ hội hỗ trợ những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội, như là một cách để cháu tri ân cuộc đời này…".

Đó là những lời chia sẻ của nữ sinh Nguyễn Thanh Phương (20 tuổi), từng mắc căn bệnh viêm tủy thị thần kinh dẫn tới mất thị lực và liệt 2 chân, nghẹn ngào trong ngày đầu năm 2024.

Câu chuyện về chiến thắng bệnh hiểm nghèo của nữ sinh quê Mỹ Đức (Hà Nội) như một kỳ tích. Tháng 2/2021, khi ấy Thanh Phương đang học lớp 11, thì bất ngờ phát bệnh. Em được phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tuy nhiên sau đó lại tái phát bệnh và không đi lại được, 2 mắt mờ dần.

Trong thời gian Phương tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đại học Y, chị Nguyễn Thị Tám (mẹ của Thanh Phương) bám trụ bệnh viện bằng những suất cơm từ thiện, trong khi tiền viện phí thì gia đình vẫn chưa đóng được đồng nào.

Sau khi bài viết "Bác sĩ Đại học Y kêu gọi cứu giúp thiếu nữ 18 tuổi mắc căn bệnh hiếm gặp" được lên trang, tổng số tiền gia đình Phương được bạn đọc Dân trí giúp đỡ là hơn 1,3 tỷ đồng (trong đó qua tài khoản báo Dân trí 1.078.183.598 đồng, gia đình nhận trực tiếp hơn 250 triệu đồng).

Được bạn đọc Dân trí chung tay giúp sức, cùng với sự tận tâm của các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y, bệnh tình của Thanh Phương thuyên giảm nhanh chóng. Qua 3 tháng tích cực điều trị, từ nằm liệt một chỗ, 2 mắt gần như không nhìn thấy gì, Thanh Phương đã đi lại được bình thường, thị lực cũng hồi phục 50%.

Nữ điều dưỡng Hà Thị Khánh Huyền (32 tuổi) đang có cuộc sống hạnh phúc, bình dị cùng người chồng Hồ Minh Hòa và cô con gái nhỏ tại Đồng Hới (Quảng Bình) thì nhận tin sét đánh "mắc hội chứng rối loạn sinh tủy - một dạng tiền ung thư máu". Cách duy nhất giúp Huyền thoát khỏi án tử, là ghép tủy. Chị được chuyển ra điều trị tại Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương, Hà Nội.

Gặp phóng viên Dân trí ở Hà Nội, anh Hòa cho hay "nhìn tờ kê viện phí, nhiều đêm tôi không ngủ nổi. Nếu không có tiền tiếp tục chữa trị vợ tôi chết mất…".

Bài báo về nữ điều dưỡng Hà Thị Khánh Huyền được lên trang và ngay sau đó bạn đọc Dân trí đã chung tay giúp đỡ tổng số tiền gần 800 triệu đồng.

Sau 6 tháng kể từ khi được hỗ trợ viện phí, Huyền xuất viện và nữ điều dưỡng quay trở lại với công việc yêu thích của mình ở quê nhà. Sóng gió đã qua, căn nhà nhỏ của anh chị lại tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. "Tất cả là nhờ tình yêu thương của bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm, cùng sự tận tâm của các y, bác sĩ", chị Huyền chia sẻ.

Lan tỏa tấm lòng Nhân ái trong khó khăn

Câu chuyện của nữ sinh Thanh Phương hay nữ điều dưỡng Khánh Huyền chỉ là hai trong số rất nhiều những cảnh đời, những số phận đã được hỗ trợ, được cứu giúp, được tái sinh nhờ những tấm lòng nhân ái của bạn đọc Dân trí.

Từ những ngày đầu thành lập, báo Dân trí lấy phương châm Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái làm kim chỉ nam hoạt động, và trong hơn 18 năm qua, chúng tôi đã kết hợp cùng các quý doanh nghiệp, đặc biệt là hàng triệu bạn đọc đóng góp công sức, tiền bạc nhằm thực hiện các Chương trình Nhân ái. 

Những tấm lòng Nhân ái: Nơi lan tỏa sự tử tế - 1

Ngày 10/3/2023, báo Dân trí phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Lễ khánh thành cầu Dân trí tại thôn Poói, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Quân Đỗ).

Báo Dân trí hạnh phúc được làm nhịp cầu, nối tấm lòng nhân ái của bạn đọc đến những nơi khó khăn nhất, những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và cũng thật xúc động khi được lắng nghe những chia sẻ, những sự tri ân của người dân khắp mọi miền Tổ quốc.

Tính riêng trong năm 2023, Chương trình Nhân ái của báo đã hoạt động liên tục với mỗi ngày ít nhất một hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ của cộng đồng được đăng tải. Tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 25/12/ 2023, tổng số tiền được bạn đọc chuyển qua tài khoản của báo Dân trí là 58.174.706.210 đồng.

Số tiền trên đã được kết chuyển tới 360 hoàn cảnh đã được đăng tải.

Bên cạnh những nỗ lực bền bỉ làm nhịp cầu nối tấm lòng nhân ái của bạn đọc đến những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, Chương trình Nhân ái còn có nhiều hoạt động khác bao gồm việc đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để xây dựng được 76 công trình nhân ái, trong đó có 28 cây cầu, 48 công trình, còn lại là trường học, nhà bán trú dành cho các em học sinh.

Năm 2023, Dân trí đã xây dựng, sửa chữa điểm trường tiểu học Nà Phung (Tân Tiến, Bảo Yên, Lào Cai); Điểm trường Thành Lợp, Trường Tiểu học Tân Thành 2 (Như Xuân, Thanh Hóa); Nhà bán trú Trường PTDTBT Tiểu học Quảng Nguyên, (Hà Giang); Điểm trường mẫu giáo Hoa Thiên Lý (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).

Chúng tôi cũng xây cầu Dân trí tại ấp Qui Lân 6 (xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ); cầu Dân trí tại thôn Poói, xã Minh Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang;

Và ngay từ những ngày đầu năm 2024 này, báo Dân trí đã khởi công cầu Dân trí tại bản Chăm Pộng và Nậm Nghẹp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La).

Những tấm lòng Nhân ái: Nơi lan tỏa sự tử tế - 2

Sáng 10/1, báo Dân trí đã khởi công cầu Dân trí tại bản Chăm Pộng và Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, góp phần mở ra con đường đi vào vùng lõi du lịch, thông thương kinh tế (Ảnh: Thanh Ngọc).

Là phóng viên được lãnh đạo báo Dân trí giao nhiệm vụ viết về những hoàn cảnh khó khăn, những tấm lòng nhân ái, mỗi ngày tôi đều cảm nhận được năng lượng tích cực từ đông đảo bạn đọc của báo. 

Cũng là một người dân, có cuộc sống đời thường như mọi người, tôi thấu hiểu bối cảnh kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến mọi nhà. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, lòng tốt vẫn luôn ngự trị trong mỗi chúng ta, sự tử tế thông qua nhịp cầu Dân trí vẫn luôn được lan tỏa và trở thành nguồn động viên mạnh mẽ giúp xoa dịu những nỗi đau, thách thức.

Sự lan tỏa của lòng tốt không chỉ là biểu hiện của lòng nhân ái. Sự lan tỏa của lòng tốt không chỉ là về việc giúp đỡ, mà còn là về việc xây dựng một tinh thần đoàn kết và sẵn sàng chia sẻ.

Các câu chuyện về những nghĩa cử cao đẹp, về sự tự nguyện, hy sinh, và lòng nhân ái trong những thời điểm khó khăn đã minh chứng rằng không ai khác mà chính mỗi người trong chúng ta với đạo lý "thương người như thể thương thân" đã khiến thế giới trở nên ấm áp hơn, tràn đầy tình yêu thương hơn.

Ngoài kia còn nhiều lắm những vùng đất khó khăn, những cảnh đời, những số phận cần được hỗ trợ, cần được giúp đỡ. Và chúng tôi lại lên đường với sứ mệnh tử tế mà bạn đọc báo Dân trí đã tin tưởng trao gửi.

Trong năm 2024 này, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và giao diện chuyên trang về hoạt động nhân ái để các hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, mở rộng hơn và lan tỏa hơn.

Tác giả: Hương Hồng là phóng viên báo Dân trí, chuyên trách hoạt động Nhân ái và những câu chuyện nhân văn trong cuộc sống. 

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!