Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Khi Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc

Chiều 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thông tin chi tiết về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo đó, kỳ thi sẽ gồm hai môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn. Thí sinh thi thêm hai môn tự chọn trong số 7 môn còn lại bao gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Ngoài việc giảm số môn trong kỳ thi tốt nghiệp, điều đáng chú ý là môn Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) không còn nằm trong số các môn thi bắt buộc.

Nếu nhìn lại một chặng đường dài, giáo dục Việt Nam đã rất nỗ lực để đưa tiếng Anh trở thành môn thi bắt buộc trong các kỳ thi ở cả bậc phổ thông và đại học. Việc bỏ Ngoại ngữ ra khỏi môn bắt buộc kỳ thi tốt nghiệp THPT, khiến nhiều người quan ngại liệu có ảnh hưởng tới việc phát triển năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam hay không?

Khi Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo bảng đánh giá năng lực tiếng Anh toàn cầu của các quốc gia sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (EF EPI), năng lực tiếng Anh trung bình tại Việt Nam đã tăng từ vị trí 60/111 quốc gia (502 điểm) vào năm 2022 lên vị trí 58/113 trong năm 2023 (505 điểm). Kết quả này dựa theo các bài kiểm tra chuẩn quốc tế từ 2,2 triệu người trưởng thành trên 113 quốc gia trong năm 2023.

Tại châu Á, chỉ số năng lực tiếng Anh trung bình của Việt Nam trong năm 2023 xếp ở hạng 7, cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản hay thậm chí cả Ấn Độ. Tuy không phải khung đánh giá năng lực tiếng Anh chính xác 100%, bảng xếp hạng và các chỉ số trên phần nào cho thấy những thay đổi tích cực trong việc nâng cao ngoại ngữ của người Việt Nam trong những năm vừa qua. 

Trên đây là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó chắc chắc có phần quan trọng từ kết quả dạy và học ngoại ngữ ở nhà trường phổ thông. Vậy nên việc bỏ thi bắt buộc môn tiếng Anh khiến nhiều người lo lắng là điều có thể hiểu được. Thoạt đầu tôi có cùng lo lắng này. Lý do nằm ở chỗ khi tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc, những học sinh vốn không thích môn học này sẽ không có động lực để học và thi.

Cách đây 15 năm, khi chuẩn bị thi đầu vào trung học phổ thông ở Hà Nội, tôi nhận được thông tin tiếng Anh sẽ trở thành môn bắt buộc bên cạnh Toán và Ngữ Văn, nên quyết tâm đi học tiếng Anh. Quyết định này đã thay đổi cuộc đời tôi rất nhiều. Câu chuyện cá nhân không đại diện cho đa số, nhưng tôi tin rằng có những học sinh giống tôi ngày trước, tìm thấy động lực học khi đó là một môn bắt buộc để "vượt vũ môn".

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn và nhìn sâu vào vấn đề, tôi thấy rằng với ba phương án thi tốt nghiệp THPT, chúng ta chỉ có thể chọn một và không phương án nào có thể đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra, không giải pháp nào chiều lòng hết được công chúng.

Trước hết, cần thấy rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến rộng rãi, cân nhắc kỹ lưỡng với sự thấu hiểu đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Thi tốt nghiệp THPT chỉ hai môn bắt buộc đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí và giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Với chủ trương đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục, học sinh phổ thông sẽ lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở phù hợp giữa năng lực, sở thích cá nhân với nhu cầu của thị trường lao động. Những em có định hướng vào đại học thì các em vẫn phải tập trung học tiếng Anh để thi theo tổ hợp xét tuyển, và trong thực tế nhiều em còn phải "cày" các chứng chỉ đòi hỏi khả năng tiếng Anh như IELTS, SAT… để được ưu tiên trong xét tuyển.

Những năm gần đây, học sinh đã nhận thức được rõ hơn về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh khi đa số trường đại học đưa tiếng Anh vào tiêu chí xét duyệt đầu vào và đầu ra. Ngoài ra cơ hội làm việc tại các công ty lớn mở rộng cho nhân lực với năng lực tiếng Anh tốt, cơ hội đi du học và làm việc tại nước ngoài cũng mở rộng hơn.

Ở góc độ khác, việc đưa tiếng Anh ra khỏi môn thi bắt buộc cũng có thể giúp phân luồng đào tạo tốt hơn. Không phải ngành nghề nào cũng cần trình độ tiếng Anh cao, nhất là ở các bậc dạy nghề, trung cấp. Dư luận từng sục sôi vì những câu chuyện "thừa thầy thiếu thợ" hay học sinh Việt Nam giờ đây chỉ học ngoại ngữ, không coi trọng khoa học cơ bản. Trao quyền lựa chọn nhiều hơn cho học sinh cũng là cách hiệu quả để giúp các em lựa chọn định hướng học tập và nghề nghiệp trong tương lai.

Như vậy, có thể nói thi tốt nghiệp THPT hai môn bắt buộc Toán và Ngữ văn là sự lựa chọn có nhiều ưu điểm. Nhưng, trước những lo lắng về câu chuyện "ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc", theo tôi ngành Giáo dục vẫn cần tiếp tục nhấn mạnh thông điệp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông, chú trọng tính ứng dụng, và quan tâm hơn đến việc dạy Ngoại ngữ ở vùng nông thôn, miền núi.

Dù tiếng Anh đã trở nên phổ cập hơn tại Việt Nam nhưng vẫn tồn tại khoảng cách chênh lệch giữa học sinh thành phố và học sinh nông thôn, vì nhiều lý do như điều kiện kinh tế, nguồn giáo viên ngoại ngữ chất lượng cao… Theo báo cáo về năng lực tiếng Anh toàn cầu 2023, chỉ số năng lực tiếng Anh tại Hà Nội dẫn đầu cả nước (538 điểm), cách địa phương thứ hai là TPHCM (519 điểm). Hầu hết các địa phương trong top 10 tại Việt Nam đều là những thành phố lớn. 

Tóm lại, tôi cho rằng quyết định thi tốt nghiệp THPT hai môn bắt buộc không phải là một bước lùi với môn Ngoại ngữ. Tuy nhiên, ngành Giáo dục vẫn còn nhiều việc cần làm để chỉ số năng lực tiếng Anh của người Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới đây.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!