Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Học sinh giỏi thời nay

Những ngày cuối năm vừa rồi tôi đọc được tin nữ sinh viên Khuất Minh Thu Giang đã tốt nghiệp Đại học Luật Exeter - một trong những thành viên của Rusell Group, nhóm 20 trường Đại học nghiên cứu hàng đầu tại Anh quốc, và hiện đi làm tại một hãng luật hàng đầu thế giới.

Tôi nhớ đến Thu Giang bởi nhiều năm trước, báo chí trong đó có báo Dân trí từng đưa tin em là học sinh Việt Nam đầu tiên đưa mô hình Hội nghị mô phỏng của Liên hiệp quốc về nước ta. Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc mà ở tuổi 18, em còn rất tích cực tham gia các hội thảo quốc tế dành cho học sinh, từng nhận học bổng của 2 đại học Mỹ và 4 đại học tại Anh.

Những học sinh, sinh viên như Thu Giang ở Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Các em cho thấy hình ảnh của một học sinh giỏi ngày nay là những bạn trẻ khỏe mạnh, năng động, sử dụng ngoại ngữ tốt, tự tin hội nhập môi trường quốc tế.

Học sinh giỏi thời nay - 1

Học sinh một trường trung học tại TPHCM (Ảnh minh họa: P.N)

Những bạn trẻ như vậy sẽ thú vị và cuốn hút hơn nhiều so với các bạn chỉ biết học theo trường lớp bài bản trong nước, suốt ngày học và luyện thi học sinh giỏi như chúng ta vẫn hay gọi là "gà công nghiệp", là "mọt sách"… Dĩ nhiên tôi không có ý so sánh mà muốn đề cập đến vấn đề khuyến khích các bạn trẻ phát triển toàn diện, bởi vì phát triển toàn diện giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho học sinh về cả tri thức, tinh thần, thể chất, cảm xúc, nhận thức.

Qua trò chuyện với người thân đang ở nước ngoài cũng như tìm hiểu thực tế tại các quốc gia phát triển, tôi thấy đã từ lâu họ không coi học sinh giỏi chỉ bao gồm các học sinh có điểm cao, được nhận nhiều giấy khen, giải thưởng nhờ học tập. Họ chủ trương đào tạo học sinh phát triển cả về kiến thức, năng lực tư duy và sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần.

Mỗi em học sinh thường có một điểm mạnh nào đó, và sẽ có những em nổi trội hơn trong học tập so với các em khác. Các em này được tạo điều kiện để phát huy điểm mạnh của mình, đồng thời các em cũng học tập, sinh hoạt trong môi trường giáo dục coi trọng phát triển toàn diện chứ không chỉ nhìn vào điểm số.

Tại Mỹ, các nhà trường rất quan tâm giáo dục thể chất và đạo đức, phát triển tâm hồn cho học sinh. Tuy vậy, nhiều trường không dạy đạo đức thành môn riêng, bởi tất cả các bài học, đặc biệt là các bài học về khoa học xã hội và văn chương đều thấm đẫm tinh thần đạo đức.

Họ cũng phát triển tâm hồn cho các em bằng việc dạy nghệ thuật như âm nhạc, kịch nghệ và hội họa trong chương trình chính khóa và các câu lạc bộ. Còn thể dục thể thao thì mỗi ngày các em sẽ có tối thiểu một giờ học tại trường. Học sinh có thể tham gia các câu lạc bộ thể thao tùy theo sở thích, và tập luyện tại các sân vận động, phòng gym trong trường.

Nhìn chung bên cạnh giáo dục kiến thức thì những kỹ năng sau đây được quan tâm trong các nhà trường:

1/ Học sinh không tiếp nhận kiến thức thụ động mà dám đặt câu hỏi nghi vấn cho bất cứ điều gì mình chưa hiểu, hay chưa hiểu kỹ càng. Vì vậy thầy cô sẽ dạy học trò bằng cách luôn yêu cầu các em đặt câu hỏi. Chỉ có biết đặt câu hỏi thì mới biết câu trả lời.

2/ Học sinh cần chăm chỉ. Dù thông minh, tiếp thu nhanh hay không thì chăm chỉ vẫn được xem là một đức tính quan trọng để học sinh thành công trên chặng đường dài học tập. Thông minh có thể giúp học sinh tạo đột phá, nhưng nếu không chăm chỉ thì rất khó tạo "sức bền".

3/ Học sinh cần nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội hay cộng đồng, các dự án chung. Bởi vì đây chính là cách học tập, rèn luyện sự phát triển toàn diện nhanh chóng nhất. Do đó nhà trường rất coi trọng các hoạt động này, như một tiêu chí tuyển sinh.

4/ Học sinh được khuyến khích tranh luận, thực hành kỹ năng lãnh đạo nếu có tố chất, cho dù là lãnh đạo một nhóm nhỏ hay một tập hợp lớn đều tốt. Làm lãnh đạo tức là nêu gương, thúc đẩy và hỗ trợ mọi học sinh khác cùng làm tốt công việc chung.

5/ Học sinh cần biết tạo động lực cho mình trong mọi hoàn cảnh; giữ kỷ luật; tôn trọng người khác; biết cách tự giải quyết một vấn đề rắc rối phát sinh nào đó… Các em được rèn luyện tính tự lập.

6/ Học sinh được khuyến khích tự học. Nhà trường khuyến khích các em học tại nhà, tại thư viện, trong lớp, ở cộng đồng và các nhóm yêu thích các môn học trên mạng...

7/ Học sinh được hướng đến trở thành một người đáng tin cậy, trung thực, tử tế và đáng mến. Nhà trường luôn khen thưởng những em như vậy và sẽ trừng phạt bất cứ học sinh nào có đạo đức xấu, vi phạm quy chế với sự nghiêm minh, công bằng.

Có thể nói với một học sinh thì điểm số và thành tích học tập là quan trọng, nhưng các kỹ năng sống và định hình tính cách cũng quan trọng không kém. Nhìn chung trường học tại các nước phát triển không tiết lộ điểm số, hay nói nôm na là công bố điểm trước lớp như ở ta vẫn làm. Mọi điểm số là bí mật của từng học sinh, ai học nấy biết.

Nhà trường chào đón các học sinh giỏi mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh. Ví dụ thể thao, văn nghệ, hoạt động cộng đồng, hay đơn thuần là những em thân thiện, dễ mến, vui vẻ, tử tế. Họ quan niệm như vậy cũng là rất giỏi rồi. Thành tích học tập chỉ là một trong số đó, chứ không phải là tất cả. Mỗi học sinh đều có quyền có được sự khởi đầu tốt nhất để phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Xã hội sẽ cần những người giỏi đa dạng như vậy, vui vẻ và hạnh phúc như vậy, chứ không chỉ cần những em có điểm số cao và thế là chấm hết. Đó cũng là lý do họ không cho rằng học sinh giỏi chỉ có được qua các kỳ thi năng khiếu môn nào đó, và cũng không "luyện thi" như ở ta.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!