Tâm điểm
Nguyễn Trọng Nghĩa

Giải bài toán hơn 60 tỷ USD xây đường sắt tốc độ cao

Sau khi Thủ tướng ký Quyết định 1143/QĐ-TTg ngày 3/10/2023 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, nhiều phóng viên, chuyên gia trong ngành giao thông đã nhắn hỏi tôi "dự án ĐSTĐC Bắc - Nam chi phí lớn như thế thì làm sao huy động đủ để đầu tư, hay lại sẽ kéo dài như các dự án đường sắt đô thị mỗi năm xây được một km?"

Hiện nay là giai đoạn hoàn thiện Đề án, các cấp có thẩm quyền chưa chốt phương án cuối cùng nên tổng mức đầu tư của dự án (TMĐT) chỉ là dự kiến trên cơ sở tính toán của các nhà chuyên môn. Với tư cách đồng giám đốc của gói thầu Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, và cũng là thành viên đề xuất phương án huy động vốn cho dự án, tôi xin chia sẻ một số vấn đề sau.

Thứ nhất, TMĐT ước tính 61,67 tỷ USD, tương đương 1,42 triệu tỷ VNĐ, bao gồm: Vốn Nhà nước 52,59 tỷ USD, chiếm 85,28% (được huy động từ nguồn đấu giá đất tại 50 TOD - mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng - là 38,95 tỷ USD chiếm 63,16%; Vốn đầu tư công là 13,64 tỷ USD chiếm 22,12%), được huy động từ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương, vốn ưu đãi ODA hoặc vốn vay thương mại ưu đãi, vốn trái phiếu công trình. Nguồn vốn này đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng cho 50 đô thị nhà ga TOD dự kiến với tổng diện tích 11.875,73 ha.

Giải bài toán hơn 60 tỷ USD xây đường sắt tốc độ cao - 1

Dự kiến các nguồn vốn xây dựng đường sắt tốc độ cao ở VN

Vốn đầu tư tư nhân là 9,08 tỷ USD chiếm 14,72%. Vốn tư nhân được huy động để đầu tư đầu máy toa xe, xây dựng 6 nhà ga cao 10 tầng tạo biểu tượng cho các trung tâm đô thị lớn (ga Ngọc Hồi, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và Thủ Thiêm). Đối tác tư nhân sẽ nhận được một số nhượng quyền về quản lý cơ sở hạ tầng, trả phí sử dụng cơ sở hạ tầng, phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng, thiết bị hàng năm, chịu trách nhiệm khai thác, duy tu và vận hành tuyến trong suốt thời gian của hợp đồng PPP.

Hơn 60 tỷ USD là số vốn rất lớn nhưng không phải chúng ta huy động và giải ngân trong một thời gian ngắn mà theo phân kỳ đầu tư dự án. Thời gian triển khai dự án dự kiến là 18 năm, chia thành 3 giai đoạn đầu tư và 2 năm chuẩn bị, gồm:

- Thời gian chuẩn bị dự án (2024-2025): Khảo sát, lập dự án đầu tư, hoàn thiện khung kỹ thuật, khung pháp lý cho dự án.

- Giai đoạn một (2025-2031), tổng mức đầu tư 16,58 tỷ USD (Mỗi năm cần huy động khoảng 2,6 tỷ USD): Triển khai giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến và TOD; xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm - Nha Trang với tổng chiều dài 361,01 km (chiếm 23,94% dự án); xây dựng hạ tầng TOD để đấu giá đất tạo nguồn vốn cho dự án. Tổng kết đánh giá, hoàn thiện công nghệ xây dựng, quản lý dự án từ đó kiểm soát tốt hơn về chi phí và TMĐT và tăng tốc xây dựng cho giai đoạn 2 và giai đoạn 3.

- Giai đoạn 2 (2031-2038), tổng mức đầu tư 26,44 tỷ USD (Mỗi năm cần huy động khoảng 4,4 tỷ USD): Xây dựng đoạn tuyến Hà Nội - Đà Nẵng dài 677,20 km (chiếm 44,91% dự án).

- Giai đoạn 3 (2038-2041), tổng mức đầu tư  18,65 tỷ USD (Mỗi năm cần huy động khoảng 4,7 tỷ USD): tăng tốc xây dựng đoạn tuyến Đà Nẵng - Nha Trang dài 469,85 km (chiếm 31,15% dự án) và thông toàn tuyến.

Giải bài toán hơn 60 tỷ USD xây đường sắt tốc độ cao - 2

Mô hình cơ chế tạo nguồn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao từ nguồn TOD.

Chúng tôi kiến nghị mô hình thực hiện dự án đối tác Công - Tư PPP. Trong đó, đối tác công (Công ty đầu tư và quản lý hạ tầng ĐSTĐC) sẽ huy động vốn đầu tư (53,78 tỷ USD) và quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng; Bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; Điều hành vận tải trên toàn hệ thống.

Đối tác tư (Công ty đầu tư và khai thác ĐSTĐC) được đối tác công lựa chọn và nhượng quyền khai thác trong một thời hạn nhất định. Đối tác tư có trách nhiệm huy động vốn 9,08 tỷ USD để đầu tư phương tiện vận tải và đầu tư 6 nhà ga cao 10 tầng. Đối tác tư sẽ thành lập bộ máy vận hành khai thác và trả phí khấu hao cơ sở hạ tầng đã đầu tư (thời gian khấu hao 75 năm, mỗi năm dự kiến là 700 triệu USD) và trả phí bảo dưỡng hạ tầng, phí điều hành vận tải cho đối tác công.

Chúng tôi cũng đề xuất cơ chế tạo nguồn vốn cho dự án từ nguồn lực đất đai. Bắt đầu từ những năm 1930, một hướng đi mới trong quy hoạch xây dựng đô thị đã được hình thành gọi tắt là TOD (Transit Oriented Development), với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành mạng lưới giao thông phân tán. Có rất nhiều nước sau chiến tranh thế giới thứ hai đã phát triển thành công mô hình TOD như Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Singapore và Hồng Kông.

Giải bài toán hơn 60 tỷ USD xây đường sắt tốc độ cao - 3

Mô hình xây dựng nguồn vốn từ trái phiếu công trình.

Vai trò chủ đạo của TOD là kiến tạo không gian phát triển mới tại các nhà ga mà tuyến đi qua bằng việc mở rộng, xây dựng mới đô thị và bố trí nơi ở cho lượng dân cư ngày càng tăng một cách bền vững. TOD được xem là một chiến lược quản lý phát triển đô thị tối ưu hóa và sử dụng hiệu quả đất đai trong khu vực xung quanh các ga nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

ĐSTĐC Bắc - Nam sẽ là cơ sở thúc đẩy phát triển các đô thị nhà ga TOD với mật độ dân cư cao. Sử dụng các công cụ chính sách của Nhà nước để quy hoạch tái phân vùng, tạo giá trị cao cho bất động sản tại khu vực nhà ga TOD và khai thác một phần giá trị gia tăng từ đất (Land Value Capture - LVC) đấu giá để tạo nguồn lực đầu tư dự án.

Nhóm chuyên gia thẩm tra quốc tế đã tiến hành phân tích tính toán tiềm năng bất động sản tại 50 TOD dọc tuyến với tổng diện tích 11.875,73 ha (diện tích đấu giá đất dự kiến 6.500 ha). Nguồn vốn phân bổ cho dự án ĐSTĐC từ đấu giá bất động sản dự kiến là 38,95 tỷ USD (tương đương với chênh lệch địa tô là 13,8 triệu đồng/m2), đây là một mức giá hấp dẫn trên thị trường bất động sản hiện nay.

Ngoài ra, chúng ta có thể huy động vốn vay nước ngoài khoảng 8 tỷ USD. Nguồn vốn này huy động từ gói tài chính tăng trưởng xanh bằng việc sử dụng điện năng lượng tái tạo để dự án có đủ điều kiện tiếp cận nguồn tài chính tăng trưởng xanh với lãi suất ưu đãi < 2%/năm từ gói tài chính 100 tỉ USD cam kết cho tăng trưởng xanh hoặc các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư hạ tầng bao gồm vốn ODA thế hệ mới hoặc vốn vay thương mại ưu đãi lãi suất.

Vốn trái phiếu xây dựng công trình 3 tỷ USD. Trái phiếu xây dựng công trình sẽ được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, được hoán đổi sang tài khoản thẻ thanh toán dịch vụ ĐSTĐC (thẻ thành viên của ĐSTĐC) tương tự như thẻ thành viên của các hãng khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới (China Rail Pass, Eurail passes, THSR Pass, BahnCard…) để sử dụng các ưu đãi dịch vụ trên tuyến ĐSTĐC. Dự kiến mệnh giá tối thiểu cho trái phiếu xây dựng công trình đầu tư cho dự án Bắc - Nam là 500-1.000 USD và sẽ thu hút 3-6 triệu thành viên tham gia (2028-2030).

Việc đầu tư dự án ĐSTĐC sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thử thách về công nghệ và vốn, tuy nhiên vì đây là dự án "liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc" nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện.

Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa là đồng Giám đốc dự án, liên danh tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án ĐSTĐC gồm Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông vận tải, Công ty TNHH Evo mc, Công ty Ove Arup & Partners Hong Kong Limited, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú (UTCV - EVO - ARUP - HP).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!