Tâm điểm
Đinh Duy Hòa

"Đo đếm" tiêu chuẩn thứ trưởng, tổng cục trưởng

Dự thảo nghị định về tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý như thứ trưởng, tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, giám đốc sở và các chức danh tương đương do Bộ Nội vụ chuẩn bị, đang được trình Chính phủ xem xét.

Đây là vấn đề không mới, bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta từ vài chục năm nay đã quen với câu chuyện tiêu chuẩn chức danh. Thời bao cấp, tiêu chuẩn cán bộ nhà nước khá đơn giản, chủ yếu là tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng hoặc đại học cộng thêm lý lịch không có gì trở ngại, thế là đủ để được xem xét tuyển vào biên chế nhà nước. 

Thời bây giờ đã có sự thay đổi lớn. Anh là chuyên viên, chuyên viên chính trong bộ máy của bộ hoặc sở… thì phải đáp ứng tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia và đương nhiên các chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước như thứ trưởng, tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, giám đốc sở… cũng đều phải có những tiêu chuẩn bắt buộc.

Đo đếm tiêu chuẩn thứ trưởng, tổng cục trưởng - 1

Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cần có mức độ khái quát cao, phù hợp với thực tiễn (Đồ họa: DT)

Cần thấy rõ việc nhà nước quy định tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức nói chung và công chức lãnh đạo, quản lý nói riêng là hoàn toàn cần thiết, để trên cơ sở đó có việc tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng một cách phù hợp.

Thực ra lâu nay các chức danh lãnh đạo, quản lý như thứ trưởng, vụ trưởng, giám đốc sở… đều đã có tiêu chuẩn rồi. Và nhìn chung các tiêu chuẩn là do các bộ ban hành. Lần này có sự thay đổi cơ bản, theo hướng Chính phủ sẽ ban hành tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý nhằm bảo đảm tính thống nhất, tránh được những quy định tùy ý có thể phát sinh nếu để các bộ tự ban hành như trước đây.

Như vậy, dự thảo lần này thực chất là duy trì những quy định vốn có được cho là tốt, và bổ sung thêm những thay đổi, những điều chỉnh với mục tiêu phù hợp với tình hình mới, đáp ứng được yêu cầu quản lý.

Điều đầu tiên dễ nhận ra là có khá nhiều bổ sung vào tiêu chuẩn hiện hành, mà nổi lên là quy định thứ trưởng, tổng cục trưởng, cục trưởng…:

      - Phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực;

      - Không tham nhũng;

      - Không háo danh, quan liêu, cơ hội, vụ lợi;

      - Không tham vọng quyền lực;

      - Không để người thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…

Xem qua các tiêu chuẩn bổ sung thì cảm giác người soạn thảo bám cực sát thực tiễn quan trường nước ta hiện nay. Thử nhìn lại 5-7 năm gần đây, chúng ta đều thấy có không ít quan chức lãnh đạo, quản lý suy thoái đạo đức, tham nhũng, không kê khai tài sản trung thực. Đặc biệt nghiêm trọng là câu chuyện để người thân quen trục lợi từ chức vụ, quyền hạn của mình.

Một loạt các vụ việc như "Chuyến bay giải cứu", "Kit test Việt Á", Vạn Thịnh Phát, bê bối liên quan lĩnh vực điện, xăng dầu tại Bộ Công Thương…, là những minh chứng rõ ràng cho những vấn đề liên quan tới câu chuyện tiêu chuẩn của công chức lãnh đạo, quản lý vừa nêu.

Như vậy, rất đáng hoan nghênh người soạn thảo đã bám sát thực tiễn để bổ sung những nội dung nêu trên vào tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý. Rõ ràng là một số vị lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật, bị khởi tố vừa qua không có những chuẩn này, dẫn đến vi phạm pháp luật. Và vì vậy chắc phải bổ sung ngay để có công cụ quản lý.

Tuy nhiên, vấn đề là quy định bổ sung như vậy có ổn không, có chặt chẽ dưới góc độ pháp lý và quan trọng là có khả thi không?

Với tinh thần góp ý xây dựng dự thảo Nghị định, qua trao đổi với nhiều người có kinh nghiệm về lĩnh vực Nội vụ, tôi nhận thấy đa số đều đồng tình cần có thêm quy định song bổ sung theo hướng nào là điều đáng bàn. 

Chúng tôi nhận thấy quy định như dự thảo ít nhất là bất cập ở mấy điểm sau:

Một là, đưa những biểu hiện cụ thể của đạo đức, hành vi, thái độ vào tiêu chuẩn sẽ dẫn đến không có điểm dừng, có thể cứ phải bổ sung hoài. Hôm nay thấy nổi lên chuyện chạy chức, chạy quyền thì bổ sung, mai kia nổi lên vấn đề không trong sáng trong bổ nhiệm lãnh đạo hoặc trù úm, vùi dập công chức dưới quyền lại bổ sung vào tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý.

Nói một cách phóng đại lên là vài năm nữa chẳng may lại nổi lên hiện tượng lãnh đạo chì chiết, hành hung công chức dưới quyền thì lúc đó lại nghiên cứu để bổ sung câu chuyện này thành tiêu chuẩn hay sao?

Hai là, những bổ sung tuy về vấn đề đặt ra là cần thiết nhưng cách tiếp cận còn mang nặng định tính. Công chức lãnh đạo không được háo danh. Lượng hóa háo danh như thế nào quả là khó. Cân đong đo đếm tính háo danh ra sao để đi đến kết luận vị lãnh đạo này trong cơ quan không thực sự háo danh, nhưng vị lãnh đạo kia lại đúng là háo danh. Mà rồi cá nhân, tổ chức nào trong cơ quan làm được chuyện đó nhỉ?

Tương tự như vậy là về tiêu chuẩn không tham vọng quyền lực. Lượng hóa vấn đề không tham vọng quyền lực ra sao, trên cơ sở các tiêu chí nào? Hơn nữa, về cơ bản đã là con người thì phần đông đều có chí tiến thủ, vươn lên trong công việc, mong muốn được thừa nhận và được thăng tiến, đề bạt. Rất không đơn giản phân định rạch ròi vấn đề này với cái gọi là tham vọng quyền lực.

Nói đi cũng phải nói lại là rất nhiều bổ sung tiêu chuẩn như vừa nêu không phải là hoàn toàn mới tinh. Mấy năm vừa qua, các bộ ban hành tiêu chuẩn giám đốc, phó giám đốc sở cũng đã quy định khá nhiều tiêu chuẩn kiểu như vậy.

Ví dụ như Bộ Tư pháp quy định tiêu chuẩn Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp như sau:

- Gương mẫu về đạo đức, lối sống, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi, trung thực, khách quan, công tâm trong thực thi công vụ…

- Không lạm dụng chức vụ, quyền hạn và không để gia đình, người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

Hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn Giám đốc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL như sau:

 - Có phẩm chất đạo đức trong sáng, không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi và tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống..

- Trọng dụng người tài, không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…

Như vậy, nếu xét riêng tiêu chuẩn thì dự thảo nghị định do Bộ Nội vụ chuẩn bị chỉ bổ sung vài tiêu chuẩn mới tinh như không háo danh, không tham vọng quyền lực…

Quay trở lại câu chuyện vậy thì quy định tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý như thế nào cho phù hợp, cho đúng gọi là chuẩn?

Điều hết sức quan trọng là tiêu chuẩn trước hết phải có độ khái quát cao, để khi phát sinh các vấn đề cụ thể vẫn có thể xem xét quy về cái khái quát đã có.

Hãy lấy một ví dụ về tiêu chuẩn giáo viên. Thời gian qua, thỉnh thoảng có hiện tượng giáo viên đánh học sinh, cô giáo bắt học sinh uống nước từ khăn lau bảng, cô giáo phạt học sinh quỳ gối trước bục giảng… Nếu từ những thực tiễn này lại nâng lên đưa thành tiêu chuẩn giáo viên như không được đánh học sinh, không được bắt học sinh quỳ… thì quả là  không phù hợp.

Chính ở điểm này là việc đáng nghiên cứu, đáng làm theo trong các tiêu chuẩn giáo viên hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Cụ thể là trong 5 tiêu chuẩn giáo viên với 15 tiêu chí có Tiêu chuẩn về Phẩm chất nhà giáo với 2 tiêu chí đo lường là Đạo đức nhà giáo và Phong cách nhà giáo. Cái hay của việc đánh giá các mức của tiêu chí là việc đưa ra 3 mức độ: mức đạt; mức khá; mức tốt. Với 2 tiêu chí Đạo đức nhà giáo và Phong cách nhà giáo về cơ bản đã bao quát được hầu như tất cả những hiện tượng, hành vi, thái độ cụ thể của giáo viên có thể phát sinh trong thực tế, qua đó có thể xem xét một thầy, cô vi phạm tiêu chuẩn đã quy định hay không.

Từ việc nghiên cứu quy định tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý cũng như từ thực tiễn có thể rút ra mấy vấn đề sau:

Một là, các tiêu chuẩn phải có mức độ khái quát cao, phù hợp với thực tiễn. Hết sức tránh sa vào các quy định chi tiết, nặng về định tính, do đó không thể lượng hóa để đánh giá.

Hai là đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn về năng lực. Mặc dù tiêu chuẩn về năng lực của lãnh đạo, quản lý không phải chủ đề của bài viết này, nhưng ngắn gọn có thể nói mọi quy định đã có về tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý cũng như mọi dự kiến sửa đổi, bổ sung suy đến cùng đều không vượt khỏi quan niệm hết sức súc tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ, đó là phải "vừa hồng, vừa chuyên".

Cả một giai đoạn dài chúng ta đã vận dụng khá tốt tiêu chuẩn hồng - chuyên này, coi đây là một trong các tiêu chuẩn, thậm chí là một trong các phương châm quan trọng trong tuyển dụng, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ của đất nước.

Ba là từ các vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các vị lãnh đạo, quản lý cho thấy lúc xem xét bổ nhiệm chức vụ, thì những người này đều bảo đảm về cơ bản các tiêu chuẩn đặt ra.

Tiêu chuẩn là không tham nhũng thì lúc xem xét bổ nhiệm quả thực là họ không tham nhũng hoặc có nhưng chưa phát hiện ra. Tiêu chuẩn là không để người thân, quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi thì thời điểm xem xét bổ nhiệm những người này cũng bảo đảm cả.

Điều này cho thấy quy trình xem xét, thẩm định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cần hết sức kỹ càng, cẩn trọng và đặc biệt làm sao lấy được ý kiến thực sự của những người có liên quan cũng như của người dân.

Theo tôi, cũng cần nhấn vào trách nhiệm của các cơ quan thẩm định đề xuất bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý. Các cơ quan này đã công tâm, khách quan, thận trọng và toàn diện trong thẩm định, kiểm tra nhân sự dự kiến bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý hay chưa? Cái hết sức cần bổ sung là một khi ai đó được bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý mà sau này tham nhũng, tiêu cực bị xử lý thì cơ quan, cá nhân giới thiệu và cơ quan, cá nhân thẩm định nhân sự này đều liên đới chịu trách nhiệm.

Bốn là, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý rồi thì cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, đánh giá để có thể phát hiện sớm những biểu hiện, những hành vi vi phạm các tiêu chuẩn để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!