Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Đất dữ với chim trời

Tháng 9 đến cuối năm là thời điểm nhiều đàn chim di cư bay về phương Nam tránh rét, dọc theo mảnh đất hình chữ S. Chờ đợi chúng không chỉ có khí hậu phương Nam ấm áp mà cả những chiếc bẫy giăng dọc đường.

Trên trang cá nhân của một số nhà bảo tồn động vật hoang dã thời gian gần đây là những chia sẻ về cái chết của đàn chim di cư trên những cánh đồng. Vương trên vô số mảnh lưới chăng khắp miền quê Bắc Bộ, hàng loạt cánh chim chết gục, khô quắp lại dưới ánh nắng mặt trời chói chang. Người ta không bắt cũng không thả, vì họ chăng lưới để bắt một số loài nhất định, như vạc, các loại chim khác không có giá trị thương mại nếu không may dính bẫy thì họ mặc kệ. Hoặc nhiều khi người dân chăng lưới lên bắt một vài lần rồi thôi, cứ để lưới đó vì tiền mua bẫy là quá rẻ, không mất công tháo xuống làm gì".

Chim dính bẫy chỉ vùng vẫy dưới ánh mặt trời khoảng một giờ là mất sức, mất nước, hỏng cánh, hỏng gân không bay được nữa, nên nếu thợ săn không bắt nhanh thì chim chết khô cũng nhanh. Đó có thể là cái kết của một chặng đường di cư mỗi mùa đông lạnh lẽo.

Đất dữ với chim trời - 1

Chim hoang dã bị khâu mắt, trói chân, bán công khai ngay tại Hà Nội (Ảnh: Khôi Vũ)

Không cần đi thực địa, chúng ta cũng có thể bắt gặp những cái kết đau đớn của chim trời ở bất cứ đâu: Trong một khu chợ, trên những trục đường nhiều người đi lại. Mới đây, khung cảnh chợ chim hoang dã trên địa bàn huyện Thanh Oai, Hà Nội, được phản ánh trên báo Dân trí khiến nhiều người chứng kiến không khỏi đau lòng.

Hàng chục, hàng trăm con chim giang, diệc, vạc… bị trói chân, khâu mắt, nằm còng queo trong lồng, bày bán bên vệ đường. "Đảm bảo chim trời tự nhiên, không phải chim nuôi", là những lời chào mời của người bán. Trói chân trói cánh đã đủ để chim trời không thể ngóc lên được, những người bán hàng vẫn phải khâu mắt chúng lại để chim không nhìn thấy gì, không hoảng loạn. 

Đây không phải lần đầu tiên báo giới phản ánh về những khu chợ như vậy. Các phóng sự trước đây từng ghi nhận tại các khu chợ Hà Tĩnh và một số địa phương khác, nơi người bán dùng bình khò gas nướng sống những con chim sau khi vặt trụi lông. Những người săn bắt, giết hại chim trời không cần quan tâm Sách Đỏ hay Công ước CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) là gì, con nào sa vào lưới họ đều là món hàng.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn được coi là điểm đến của chim trời với luồng di cư từ khu vực Tây Á sang - một số khu vực tại tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp được cho là điểm cuối trên chặng di cư, tình trạng khai thác chim trời cũng diễn ra đáng báo động. Bên cạnh dùng lưới, tình trạng dùng loa phát âm thanh giả tiếng chim hay dùng keo dính diễn ra phổ biến. Ít "man rợ" hơn khung cảnh những xác chim khô trên lưới hay khâu mắt, chứng kiến những cánh chim giãy giụa trong bẫy cũng khiến nhiều người nhói lòng.

Quy định pháp luật hiện nghiêm cấm việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã dù không thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm… Tuy nhiên, các hoạt động buôn bán, săn bắt trái phép động vật hoang dã vẫn diễn ra công khai, thậm chí có những khu chợ nằm cách không xa trụ sở chính quyền địa phương. 

Luật pháp đã có, song có lẽ chúng ta vẫn thiếu một cơ chế giám sát, xử phạt vận hành hiệu quả. Các vụ xử phạt buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã ở Việt Nam thường chỉ được chú ý khi liên quan đến những loài thú lớn trong các nhóm nguy cấp cao. Còn tình trạng săn bắt trái phép chim trời như nêu trên diễn ra năm này qua năm khác, giữa thanh thiên bạch nhật lại rất ít được cơ quan chức năng quan tâm, xử lý.

Chính vì vậy, khi chúng ta kêu lên "những cánh chim trời đang bị trói chân, khâu mắt" thì đây là điều gây bức xúc trong dư luận, song lại là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Thậm chí một số ý kiến còn tỏ ra cảm thông với thợ săn với lý do "mưu sinh". Nhiều người lâu nay vẫn kiếm tiền đi chợ, nuôi con dựa vào "chim trời cá nước", nếu từ bỏ việc này thì họ sẽ sống bằng gì?

Tuyên truyền được coi là một giải pháp cần được đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt hướng tới người trẻ và những người dân sống trong các khu vực vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Đưa giáo dục động vật hoang dã vào trong nhà trường, tổ chức các buổi chia sẻ tập huấn tại địa phương, lồng ghép chủ đề động vật hoang dã vào truyền thông đại chúng là những cách đã và đang được triển khai.

Nhưng, hỗ trợ sinh kế cho các thợ săn để họ chuyển đổi nghề nghiệp cũng là việc quan trọng nhìn từ góc độ trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất trong vấn nạn tận diệt chim trời là việc tăng cường bảo tồn trên đất tư nhân. Khi người dân thay vì khai thác, săn bắt chim chuyển sang bảo vệ chim, thậm chí thiết lập các không gian cho chim trời sinh sống ngay trên đất tư của gia đình, góp phần làm tăng số lượng chim trời thì cần trao quyền bảo vệ không gian cho người dân chủ động. Thực hành trên sẽ trở nên hiệu quả hơn với sự hỗ trợ kinh phí cũng như kiến thức từ các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, những cá nhân thực hiện hoạt động bảo tồn có thể kết hợp thêm du lịch sinh thái để có thêm thu nhập.

Nghịch lý rằng dù có thêm bao nhiêu khu dự trữ sinh quyển, bao nhiêu vườn quốc gia hay khu hệ ngập nước mới được công nhận, tin tức về số lượng các cá thể động vật hoang dã, đặc biệt là chim trời giảm rõ rệt vẫn đầy rẫy trên truyền thông. Vườn quốc gia Tràm Chim mỗi năm lại vắng bóng những cá thể sếu đầu đỏ, vốn từng là niềm tự hào của Việt Nam. Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho thấy, số lượng chim di cư qua Việt Nam những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng với 11 loài chim cực kỳ nguy cấp và 50 loài sắp bị đe dọa.

"Đất lành, chim đậu" lẽ nào chỉ còn trong những thước phim hay câu chuyện xưa cũ. Trẻ em ngày nay vẫn lớn lên trong những lời hát ru, câu ca dao của cha mẹ "Con cò bay lả bay la" nhưng không mấy đứa trẻ được nhìn thấy cánh cò bay ra sao. Cánh cò giờ ở nơi đâu? Bị khâu mắt, trói chân buộc cánh bên vệ đường hay gục chết trên những cánh đồng.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!