Tâm điểm
Bích Diệp

Cơ quan nào sẽ là đầu mối quản lý xăng dầu?

Các cơ quan chức năng đang trong quá trình sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Đây là động thái được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng vào tháng 11/2022.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan  liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hai Nghị định nêu trên, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu; các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung…

Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ việc sửa đổi các Nghị định phải bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Cơ quan nào sẽ là đầu mối quản lý xăng dầu? - 1

Xăng dầu là mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận người dân và doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của công chúng hiện tại là cơ quan nào sẽ chủ trì, đảm nhiệm vai trò đầu mối quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu? Trong bản dự thảo mà Bộ Công Thương công bố, cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính. Cụ thể, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án là giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là liên Bộ Công Thương - Tài chính cùng quản lý xăng dầu, hoặc giao hoàn toàn việc quản lý, điều hành giá xăng dầu về một trong hai Bộ Tài Chính hoặc Bộ Công Thương.

Trong khi đó, Bộ Tài chính lại cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì điều hành giá, cấp phép và quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, nên thống nhất Bộ Công Thương quản lý để tránh phát sinh những bất cập trong khâu tổ chức thực hiện.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng từng đề xuất với Quốc hội chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức...

Đành rằng các đề xuất trên chưa phải phương án cuối cùng được chọn để báo cáo Chính phủ, do các bên liên quan đang trong quá trình lấy ý kiến. Tuy nhiên, việc hai bộ "chuyền qua, chuyền lại" vai trò đầu mối quản lý không khỏi khiến công chúng băn khoăn.

Người viết cho rằng, cần thiết có một cơ quan đầu mối quản lý để chủ động điều hành và quy rõ trách nhiệm; nếu theo quy định phân quyền tại Luật Giá thì Bộ Công Thương phù hợp hơn để phụ trách vấn đề xăng dầu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng kinh doanh xăng dầu là một hoạt động thương mại - lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương. Đó là chưa kể lĩnh vực xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, quản lý nhà nước đối với các nhà máy lọc dầu trong nước… đều do Bộ Công Thương đảm nhận lâu nay.

Dù là cơ quan nào làm đầu mối đi chăng nữa thì hi vọng quy định mới sẽ khắc phục triệt để những bất cập trên thị trường xăng dầu; không để tái diễn hiện tượng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế như thời gian qua.

Ngoài ra, trong bản dự thảo mà Bộ Công Thương mới công bố có một điểm đáng chú ý là sửa đổi công thức cố định để tính giá cơ sở. Hai phương án được đưa ra: Một là vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh; phương án còn lại là Nhà nước chỉ quản lý các yếu tố cấu thành giá và các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ.

Trong xu hướng mở cửa và vận hành theo cơ chế thị trường, không ít ý kiến sẽ "bỏ phiếu" cho phương án 2, tức là trao quyền chủ động cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng rất đặc thù, có ảnh hưởng đến đại bộ phận dân chúng và tác động đáng kể đến rổ tính giá CPI và nhiệm vụ ổn định vĩ mô. Vì vậy, nếu như nhà điều hành vẫn giữ quan điểm quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước thì liệu rằng, phương án để doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ có khả thi hay không?

Hơn nữa, để có thể tạo được một thị trường bán lẻ tự do, cạnh tranh về giá thì yêu cầu phải thỏa mãn nhiều yếu tố để doanh nghiệp có thể chủ động được nguồn hàng hóa đầu vào. Cho nên, đây có lẽ vẫn là một mục tiêu hơn là một giải pháp có thể áp dụng ngay.

Trong lần chia sẻ gần đây, chủ một doanh nghiệp xăng dầu nói về thời điểm khó khăn cuối năm 2022, khi thị trường tắc nghẽn cục bộ: "Có những ngày cứ mở mắt ra là xác định lỗ 100 triệu đồng, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động, không được đóng cửa. Kinh doanh vốn dĩ là vậy, có lúc lãi thì cũng có khi thua lỗ - đó là cuộc chơi cần sự tính toán và cả sự chịu đựng".

Vị này không kêu ca, than vãn để tìm kiếm sự đồng cảm, cũng không giãi bày nhằm mong ngóng chính sách bù lỗ. Là doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực phân phối xăng dầu, họ xác định "lời ăn lỗ chịu".

Trên thực tế, những kiến nghị của doanh nghiệp đã được truyền tải đến cơ quan điều hành trong những tháng cuối năm 2022, khi mà thị trường xăng dầu bộc lộ rõ nét những bất cập trong cơ chế quản lý. Hàng loạt cuộc gặp gỡ, đối thoại, các cuộc họp nóng, các hội thảo chuyên môn đã được tổ chức, rồi các văn bản kiến nghị cũng đã được trình lên cấp thẩm quyền.

Lần này, mong rằng việc tháo gỡ các bất cập của thị trường xăng dầu sẽ mang tính căn cơ và tác động tích cực đến toàn hệ thống để dòng chảy trên phạm vi toàn thị trường luôn ổn định, lành mạnh. Và chúng ta sẽ không còn lo lắng là một lúc nào đó lại phải xếp hàng như thời bao cấp.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!