Tâm điểm
Bích Diệp

"Chống lưng" và xử phạt

Thành phố Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền đang trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đạo luật này được Quốc hội thông qua tháng 11/2012 và có hiệu lực từ giữa năm 2013. Trong 10 năm, Luật Thủ đô đã đóng vai trò là văn bản pháp lý quan trọng quy định về việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp được đề ra trong Luật còn tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hà Nội hiện là thành phố đông dân thứ hai của cả nước (sau TPHCM) với dân số trên 8,33 triệu người, tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm khoảng 1,4%. Mật độ dân số trung bình năm 2021 của Hà Nội khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước.

Tốc độ gia tăng dân số dẫn đến những áp lực rất lớn về hạ tầng, giáo dục, y tế, môi trường… Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, đặt ra nhiều vấn đề và phần nào cho thấy sự quá tải dân số ở Thủ đô.

Chống lưng và xử phạt - 1

Chung cư, cao ốc mọc san sát ở Hà Nội (Ảnh: Tiến Tuấn).

Từ vụ cháy này cùng với việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini ở Hà Nội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) hôm 20/9 đã nhận định "định hướng xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát".

Thiết nghĩ sự "khó kiểm soát" đó bên cạnh áp lực gia tăng dân số tự nhiên và di cư, còn là câu chuyện thực thi nghiêm túc các quy định về trật tự đô thị, quy hoạch, xây dựng… Ở đây chung cư mini ở Khương Hạ chính là một điển hình vi phạm khi "giấy phép xây dựng cho chủ nhà xây 6 tầng nhưng thực tế đã xây thành 9 tầng".

Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Hà Nội, đã nêu nghi vấn rằng chung cư mini xây sai phép đều có chống lưng. Chúng ta có quyền đặt câu hỏi tương tự, bởi các cấp chính quyền đều có bộ máy và lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát trật tự đô thị, xây dựng…, vậy thì vì sao công trình xây sai phép vẫn tồn tại.

Nhìn rộng ra, nhiều lô đất vốn phù hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ cho một gia đình 4-6 người nhưng thực tế đã "tải" đến cả trăm người chỉ với việc xây tầng chồng tầng cao lên mãi, các sàn chia nhau từng phòng chỉ 10m2 hoặc rộng hơn thì 20-30m2. Những tòa chung cư mini đua nhau mọc lên, nép sâu trong những ngõ hẹp chỉ đủ một xe máy lọt qua.

Từ năm 2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương cảnh báo về tình trạng "bát nháo" của chung cư mini. Thời điểm đó, Bộ này chỉ rõ, các vi phạm về xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng dẫn đến nhiều hệ lụy về phòng cháy chữa cháy, hạ tầng kỹ thuật xã hội, phá vỡ quy hoạch. 

Có nghĩa là, dù nguy cơ đã cảnh báo từ trước, song hậu quả vẫn xảy ra. Các chung cư mini mới vẫn mọc lên, một mặt đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, nhưng mặt khác đặt ra vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn trong việc đảm bảo trật tự đô thị, trật tự xây dựng, đảm bảo cuộc sống bình yên, an toàn cho người dân.

Từ kinh nghiệm quản lý của mình, ông Phạm Quang Nghị đã đề xuất tăng mức phạt lên gấp nhiều lần và quy trách nhiệm rõ ràng với cán bộ quản lý. Theo ông, Luật Thủ đô 2012 đã quy định một số nội dung đặc thù cho Hà Nội về xử phạt hành chính, nhưng "mới chỉ vượt, chứ chưa trội".

Thực tế những năm qua cho thấy đối với Hà Nội, những vi phạm về trật tự xây dựng gây ra hậu quả rất phức tạp, nặng nề. Do vậy, nếu chỉ quy định ở Hà Nội cho phạt gấp 2 lần so với các địa phương khác thì "người ta thấy vẫn rất có lợi nên sẵn sàng vi phạm". Do đó, nguyên Bí thư Hà Nội đề xuất có thể cho phép Hà Nội quy định mức phạt gấp nhiều lần các địa phương khác, thậm chí là 50 lần. "Chúng ta phạt nặng là để ít phải phạt, để người sau không dám vi phạm", ông Phạm Quang Nghị nói.

Để lập lại trật tự đô thị và quản lý tốt hơn về quy hoạch, xây dựng, chắc chắn cần những giải pháp đồng bộ và không thể chỉ trông chờ vào mỗi biện pháp xử phạt, cả xử phạt chủ đầu tư lẫn xử lý trách nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, những giải pháp căn cơ, đồng bộ như di dời công sở, nhà trường, bệnh viện ra khỏi khu vực nội đô, phát triển các đô thị vệ tinh, xây dựng thêm nhà ở xã hội, sẽ cần thời gian. Trong khi đó, tình hình "nóng" cần biện pháp mạnh tay và có thể triển khai được ngay.

Do vậy, tôi cho rằng đề xuất của nguyên Bí thư Hà Nội là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tại cuộc họp sáng 20/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhận định, trong vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy chữa cháy, Hà Nội cần có quy định vượt trội hơn so với những địa phương khác. 

Trong quản trị một đô thị đông dân, có những sai lầm không thể "giá như" và không thể làm lại, do vậy chúng ta cần khung xử phạt đủ mức răn đe để mong rằng sẽ ít hoặc không phải xử phạt.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!