Ngân hàng số: Xu thế không thể đảo ngược

Bank 3.0, Digital Bank, Digital Transformation là ba trong số những cuốn sách mà người làm ngân hàng hiện đại không thể bỏ qua. Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Ngân hàng Công nghệ số - Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho rằng, việc số hóa ngân hàng truyền thống là xu thế không thể đảo ngược.

Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Ngân hàng Công nghệ số - Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)
Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Ngân hàng Công nghệ số - Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

PV: Ông từng cho rằng các ngân hàng phải sớm cởi bỏ “chiếc áo truyền thống” để “số hóa” các hoạt động và dịch vụ. Ông có thể nói rõ hơn?

- Ông Trần Nhất Minh: Định hướng công nghệ số là thực tế đã rõ ràng đối với các doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và hành vi của người tiêu dùng liên quan đến ‘số hóa’ khiến tôi tin phải như vậy.

Thứ nhất, số hóa là xu thế không thể đảo ngược trong kinh doanh ngày nay.

Thứ hai, tiền điện tử sẽ thay tiền mặt, người tiêu dùng sẽ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, trả nợ nhau bằng tin nhắn, bằng lệnh số.

Thứ ba, thói quen sinh hoạt và tiêu dùng của con người ngày càng gắn chặt vào thiết bị di động.

Hãng Gartner (Mỹ) dự đoán năm 2018, ở các nước phát triển 50% người tiêu dùng sẽ thanh toán qua điện thoại thông minh và thiết bị di động. Tương tự, Bill Gates dự đoán trong 15 năm tới sẽ có 2 tỉ người thu nhập thấp trên thế giới được biến đổi cuộc đời nhờ tiếp cận dịch vụ ngân hàng qua thiết bị di động với giá rất rẻ.

Môi trường kinh doanh chung đang thay đổi rất nhanh trên nền tảng công nghệ số, vì vậy nếu chúng ta không kịp chuyển biến sẽ thất bại.

Theo ông, bức tranh ngân hàng số tại Việt Nam hiện nay ra sao?

- Hiện nay thanh toán tiền mặt ở ta vẫn chiếm 98% tổng thanh toán toàn xã hội. Hầu hết các ngân hàng đang tư duy trên nền tảng truyền thống, 70% quy trình xử lý giao dịch bằng giấy, “tắc” ở giải pháp công nghệ, ở tư duy người điều hành. Các ngân hàng đều biết họ phải thay đổi song dường như vẫn còn lúng túng.

Tuy nhiên, xu thế chuyển đổi ngân hàng số đã bắt đầu. Tôi dự đoán 5 năm tới sẽ có khoảng ba ngân hàng vượt lên ở lĩnh vực này và họ sẽ thu hút được nhiều khách hàng từ các ngân hàng truyền thống.

Ông có thể phác họa chân dung người thắng cuộc ở thời điểm 5 năm tới?

- Để chuyển sang ngân hàng số cần có sự chuẩn bị ít nhất vài năm với sự tập trung nguồn lực lớn. Hành trình chuyển đổi gồm ba giai đoạn: bước 1 là từ công nghệ cũ (analog) sang công nghệ số (digital), thay cho giấy tờ in ấn là thông tin dưới dạng số; bước 2 (digital process) là giải quyết các công việc thông qua các quy trình chạy trong các hệ thống công nghệ, rút ngắn không gian và thời gian; bước 3 (digital core business) chính là lợi thế cạnh tranh của công ty, là những gì công ty làm giỏi hơn các công ty khác xây dựng trên nền tảng công nghệ số. Ở giai đoạn 3 này, bất cứ sự thay đổi nào trong hoạt động kinh doanh đều có thể thực hiện ngay lập tức.

Khách hàng luôn lựa chọn những ngân hàng có sản phẩm mới lạ, dịch vụ nhanh chóng, đơn giản. Điều này chỉ có thể thực hiện trên nền tảng công nghệ số.

Điều gì đang cản trở các ngân hàng truyền thống có tư duy số hóa?

- Thách thức lớn nhất là phong cách làm việc hay mô hình hoạt động theo kiểu cũ dựa trên quy trình quản trị rủi ro và tuân thủ nên khá cồng kềnh, trong khi môi trường kinh doanh công nghệ hóa thì cần phải nhanh. Ví dụ, một ngân hàng có hệ thần kinh số khi cần đổi một tính năng của sản phẩm chỉ mất khoảng 10 phút phê duyệt, trong khi quy trình này ở một ngân hàng truyền thống có thể lên tới hai tuần với nhiều cuộc họp.

Quy trình do con người thiết kế ra, do vậy rào cản sâu hơn là hệ tư duy của người làm ngân hàng vẫn theo kiểu truyền thống. Khi tư tưởng của những người điều hành chưa thông suốt thì chưa thể thực thi trong tổ chức được. Lấy dịch vụ taxi làm ví dụ thì có lẽ ngân hàng phải có “tư duy Uber” mới làm ngân hàng số được.

Thách thức khác là đầu tư cho công nghệ số cũng rất tốn kém. Trung bình các ngân hàng trên thế giới hiện nay chi cho công nghệ từ 6-8,4% doanh thu hàng năm. Các ngân hàng Việt Nam hiện chỉ ở mức 3-4%.

Tại VIB, vấn đề ngân hàng số được quan tâm như thế nào?

- Ở Việt Nam, trung bình khoảng 9% tổng số khách hàng của ngân hàng đã dùng ngân hàng điện tử. Tỷ lệ này ở các nước Đông Nam Á đạt trung bình 50-60 %. Riêng với VIB, tỷ lệ này nhỉnh hơn mức chung của thị trường Việt Nam và đang tăng nhanh, đặc biệt đối tượng khách hàng ở độ tuổi 25-40 chiếm đa số giao dịch với VIB qua ngân hàng công nghệ số.

Mức đầu tư của VIB cho chiến lược số hóa các hoạt động ngân hàng cũng khá cao, tỷ lệ chi tiêu cho công nghệ khoảng 8% doanh thu/năm.

Ứng dụng ngân hàng di động MyVIB được trao giải Sản phẩm Dịch vụ Ngân hàng sáng tạo nhất Việt Nam năm 2015 (giải thưởng từ tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG) là sản phẩm hợp tác giữa VIB với đối tác chiến lược, ngân hàng CBA (Common Wealth Bank of Australia) của Úc. MyVIB đã thu hút hàng chục ngàn khách hàng và VIB sẽ phát triển mạnh ứng dụng này.

Theo đuổi chiến lược phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng công nghệ số sẽ là lợi thế cạnh tranh giúp VIB hiện thực hóa tầm nhìn “Trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam”.

Ông sẽ nói gì với những người dùng còn rất lo ngại về bảo mật trong các giao dịch online?

- Về giải pháp bảo mật cho các ứng dụng công nghệ số, VIB có được lợi thế là đối tác CBA thực hiện chuyển giao năng lực, cùng phối hợp để xây dựng các giải pháp bảo mật, ứng dụng công nghệ đến từ các hãng có uy tín.

Không ai có thể khẳng định rủi ro là hoàn toàn không có, chỉ có thể nói xác suất rủi ro cao hay thấp. Vấn đề phòng chống rủi ro từ tội phạm tài chính online luôn đòi hỏi một ngân hàng số sẽ phải cập nhật và thay đổi liên tục về công nghệ, về xử lý thông tin, dữ liệu, cách làm, cách giao tiếp với khách hàng.

Như tôi đã đề cập ở trên, để hội nhập nhanh hơn vào kỷ nguyên công nghệ số, ngân hàng không thể nằm ngoài xu thế chung, “sống” với chuyện bảo mật, an ninh mạng, thực hiện sự thay đổi liên tục trên nền tảng công nghệ số.