Vô tình để lộ thông tin cá nhân - Người dùng tự hại chính mình

“Chào anh, em gọi từ công ty du lịch…”; “Chào anh, thay mặt ngân hàng xin giới thiệu về gói dịch vụ vay tiền lãi suất thấp…” Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao những công ty này lại có điện thoại, thậm chí gọi đúng đích danh của bạn hay chưa?

Lối sống hiện đại giúp người ta dễ dàng tìm được thông tin mình mong muốn. Nhưng họ lại chểnh mảng chuyện phải tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Họ quên mất rằng chính thông tin cá nhân của họ là một trong những “tài sản quý” mà các doanh nghiệp luôn nhòm ngó.

Đã qua lâu rồi cái thời thông tin cá nhân được thu thập một cách thủ công thông qua các chương trình khuyến mãi của những nhãn hàng vô danh hay các mẫu đăng ký nhận quà tại các hội chợ không tên tuổi. Sự tiến bộ của công nghệ thông tin cũng đồng thời tạo ra những mánh khóe mới tinh vi hơn rất nhiều. Những tổ chức chuyên thu thập thông tin không cần dùng đến những phương cách “truyền thống” kia nữa. Họ có cách để thu thập những thông tin mà người tiêu dùng đã tự thân cung cấp.

Cung cấp thông tin cá nhân trên Blog/Fanpage bán hàng
 
Vô tình để lộ thông tin cá nhân - Người dùng tự hại chính mình


Mua bán online đã thực sự trở thành một cách thức kinh doanh phổ biến trong thời đại hiện nay. Chính vì tính tiện lợi, nhanh chóng của phương thức này mà không ít cá nhân, doanh nghiệp đã tự mình mở những kênh bán hàng trên mạng. Hiển nhiên khi mở một “gian hàng” kiểu này, người bán sẽ luôn cung cấp thông tin cá nhân để khách hàng có thể liên lạc giao dịch. Đó là chưa kể đến những topic HOT chuyên nhận đặt hàng online, người dùng không ngại ngần đăng số điện thoại một cách công khai để chủ topic có thể liên lạc khi có hàng.

Đăng ký nhận quà khuyến mãi nhưng phải khai thông tin cá nhân

Các nhãn hàng rất ưu chuộng các kiểu chương trình này để thu hút sự quan tâm của người dùng. Cách thức thu thập thông tin này khá khôn ngoan vì nó đánh vào đúng tâm lý nhóm khách hàng thích nhận quà khuyến mãi. Dĩ nhiên không thể “quơ đũa cả nắm” vì không phải doanh nghiệp nào cũng đem bán lại thông tin mà người dùng đã cung cấp. Tuy nhiên, thông tin cá nhân của người dùng có an toàn hay không sẽ lại phụ thuộc 100% vào lương tâm nghề nghiệp của doanh nghiệp.

Chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội
 
Vô tình để lộ thông tin cá nhân - Người dùng tự hại chính mình
 
Facebook hiện là một trong những mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Với lượng người dùng vô cùng đông đảo, đây chính là “kho” dữ liệu cá nhân đồ sộ mà không ít doanh nghiệp muốn khai thác. Ở đây, chúng ta không xét về độ bảo mật của mạng xã hội này; cái đáng nói ở đây chính là sự chểnh mảng của người sử dụng khi không quản lý chặt thông tin mình chia sẻ. Người dùng có xu hướng chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân khi khai báo profile mà lại không đặt chế độ bảo mật tốt cho những thông tin này. Hệ quả là bất kỳ ai có một tài khoản Facebook đều dễ dàng thấy được những thông tin nhạy cảm này.

“Săn” bạc tỉ nhờ ăn cắp thông tin đời tư

Còn nhớ hồi đầu tháng 7, dư luận đã thực sự chấn động trước vụ Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng sử dụng phần mềm Ptracker để nghe lén và đánh cắp thông tin từ 14.000 điện thoại. Qua điều tra làm rõ, đoàn thanh tra liên ngành đã tổng kết được số tiền thu lợi bất chính trong khoảng thời gian 9/2013 đến thời điểm điều tra từ hoạt động bán phần mềm Ptracker là gần 1 tỉ đồng! Với kết quả điều tra này, chúng ta có thể thấy rõ thị trường mua bán thông tin cá nhân là một thị trường có thật, thậm chí đang hoạt động rất sôi nổi.

Thông tin cá nhân của người dùng sau khi được mua đi, bán lại sẽ nhanh chóng biến thành “nguyên liệu đầu vào” cho một bộ máy spam chuyên nghiệp. Thực tế trên thị trường hiện nay, không hề thiếu những cá nhân, tổ chức tự lập trình và chào bán những phần mềm chỉ để phục vụ cho mục đích spam tin nhắn! Hiển nhiên, mục tiêu của những tin nhắn rác này nhắm tới lại chính là những người dùng đã vô tình để lộ thông tin cá nhân của mình.
 
Không hề khó để tìm những phần mềm do cá nhân, tổ chức

 Không hề khó để tìm những phần mềm do cá nhân, tổ chức
 tự lập trình để phục vụ mục đích spam tin nhắn

Viber Việt Nam cho biết: “Đa phần người dùng tin rằng họ không bao giờ cung cấp số điện thoại cho người lạ nên chính các nhà cung cấp dịch vụ OTT có lỗi trong việc để tin nhắn spam hoành hành. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng không có bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ OTT nào lại hỗ trợ việc spam tin nhắn. Hiện trạng này bắt nguồn từ việc một bộ phận người dùng - là những cá nhân, doanh nghiệp, đã lợi dụng nền tảng của dịch vụ OTT để trục lợi cá nhân. Bản thân Viber Việt Nam đang đứng ở vị thế là một nhà cung cấp dịch vụ OTT. Do đó trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo đem lại môi trường giao tiếp ổn định và sạch nhất có thể cho người dùng. Kể cả trước khi có văn phòng đại diện tại Việt Nam, Viber đã liên tục có những biện pháp mạnh tay để đồng hành cùng người dùng ngăn chặn nạn tin nhắn rác. Tuy nhiên, nếu người dùng không có những biện pháp để tự bảo vệ thông tin cá nhân thì quả thực rất khó để chúng tôi có thể bảo vệ người dùng.”

Điều 125 Bộ luật Hình sự - tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác quy định:
1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
A) Có tổ chức;
B) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
C) Phạm tội nhiều lần;
D) Gây hậu quả nghiêm trọng;
Đ) Tái phạm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.