Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo 3 hướng chính

(Dân trí) - Việt Nam đã công nhận 11 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) sẽ tập trung vào 3 hướng: Tạo và phát triển công nghệ; quy hoạch những khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; và công nhận những doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ở Việt Nam sẽ tập trung vào 3 hướng chính: Tạo và phát triển công nghệ; quy hoạch những khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; và công nhận những doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

PV Dân trí vừa có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ NN&PTNT) về chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Việt Nam trong tương lai.

TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ NN&PTNT) (Ảnh: T. Nguyên)
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ NN&PTNT) (Ảnh: T. Nguyên)

Chưa có khu nông nghiệp công nghệ cao

Thưa bà, việc xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ở Việt Nam đang thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao?

Theo Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ và theo nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) được giao thì hiện nay Bộ mới đang hoàn thiện dự thảo quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng cao và vẫn chưa công bố quy hoạch này. Như vậy, Việt Nam vẫn chưa có khu nông nghiệp CNC nào mà chỉ có các mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC.

Xin bà cho biết những mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC thành công ở Việt Nam?

Triển khai Quyết định 1895 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC cũng như công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, Bộ đã cấp giấy chứng nhận cho 11 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó có các doanh nghiệp về rau, hoa ở tỉnh Lâm Đồng như Đà Lạt Hasfarm, Đà Lạt Crafts…; các doanh nghiệp chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi,… Nhiều mô hình đã ứng dụng vào thực tiễn rất hiệu quả như mô hình trồng rau, hoa công nghệ nhà lưới; mô hình sản xuất gà; mô hình chăn nuôi quy mô công nghiệp; mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của TH True Milk, một số công ty thuộc tập đoàn Dabaco hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi…

Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang có cách tiếp cận sai trong nông nghiệp ứng dụng CNC vì nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC thiên về trình diễn thay vì tiếp cận theo hướng thương mại. Bà đánh giá gì về vấn đề này?

Thực ra, mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC được triển khai tại các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, còn các mô hình trình diễn chỉ là các mô hình lồng ghép trong các nhiệm vụ để trình diễn các công nghệ, kỹ thuật, sau đó các công nghệ, kỹ thuật này có sức lan tỏa và được doanh nghiệp và nông dân ứng dụng rộng rãi chứ Nhà nước không đầu tư xây dựng các mô hình này một cách đại trà. Còn chủ yếu các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC xây dựng các mô hình ứng dụng CNC đó cho chính doanh nghiệp của mình và họ sản xuất kinh doanh dựa trên nông nghiệp ứng dụng CNC.

Qua quan sát các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, theo bà đâu là những khó khăn trong việc phát triển các mô hình này?

Thực tế trong nông nghiệp ứng dụng CNC đối với doanh nghiệp nhu cầu đầu tư tương đối lớn vì đầu tư cho CNC đòi hỏi hàm lượng công nghệ, chi phí công nghệ và cơ sở hạ tầng là một yêu cầu tất yếu, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đầu tư. Chính vì vậy, việc có những chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước cho các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn, chế độ, chính sách ưu đãi về đất, về đầu tư để doanh nghiệp có thể có nền tảng ban đầu để có thể triển khai nghiên cứu và ứng dụng những mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào thực tiễn.

Khu nông nghiệp CNC không phải xưởng nguyên liệu quy mô lớn

Vậy, có phải để hình thành các khu nông nghiệp CNC cần xây dựng vùng nguyên liệu rất lớn?

Khu nông nghiệp CNC không phải là khu để tiêu thụ vùng nguyên liệu. Theo Luật Công nghệ cao và theo Quyết định 1895, khu nông nghiệp CNC là khu chức năng hoạt động như một trung tâm. Nó có thể liên kết liên danh với các doanh nghiệp, liên kết liên danh với các viện, các trường để tiếp nhận những kết quả nghiên cứu khoa học và nhập khẩu công nghệ đưa về khu nông nghiệp CNC để triển khai các mô hinh trình diễn, triển khai các thí điểm, khảo nghiệm, nhân giống và có thể hình thành một số trung tâm thử nghiệm, nghiên cứu ở đó. Trong khu này chủ yếu tập trung vào phần công nghệ ban đầu, sau khi được nhân rộng và công nghệ mang lại hiệu quả ở khu thì công nghệ này sẽ được lan tỏa ra các vùng. Khu nông nghiệp ứng dụng CNC không phải là hình thành một xưởng để tiếp nhận toàn bộ nguyên liệu vào đây để sản xuất hoặc tạo ra một vùng nguyên liệu lớn.

Sắp tới, để định hướng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở Việt Nam, Bộ NN&PTNT chủ trương sẽ phát triển theo hướng nào?

Căn cứ vào Quyết định 1895 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo 3 hướng chính: Tạo và phát triển công nghệ; quy hoạch những khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và công nhận những doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

Nghiên cứu tạo và phát triển công nghệ là một chương trình nghiên cứu ứng dụng để tạo ra những công nghệ đột phá, mang hàm lượng khoa học cao, đồng thời để có được công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tính ứng dụng đươc lan tỏa, độ ảnh hưởng rộng và mang lại giá trị gia tăng. Còn trong nghiên cứu, phát triển công nghệ, chúng ta có thể nhập khẩu một số công nghệ ứng dụng trong nước và sáng tạo để tạo thành công nghệ của riêng mình, cái này gọi là thích ứng công nghệ. Đây cũng là một hướng chúng ta đi tắt đón đầu để có thể tiến áp dụng CNC mà thế giới đã tạo ra.

 Ngoài ra, trên nền tảng các doanh nghiệp và nhữn nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp, Bộ cũng công nhận các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC để các doanh nghiệp có thể được hưởng những chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước và có thể đầu tư vào nông nghiệp CNC và có những chính sách mở ra cho doanh nghiệp đất đai, nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập để từ đó doanh nghiệp có nền tảng để có thể tiến tới nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp CNC.

Xin chân thành cảm ơn!

Thảo Nguyên

(Thực hiện)