TV màn hình cong sắp biến mất

Hiện nay các hãng điện tử lớn như Sony, Samsung... đã tuyên bố ngừng sản xuất màn hình cong. Dự báo trong vòng 5 năm nữa TV màn hình cong sẽ biến mất trên thị trường.

Chỉ còn 25% thị phần trong năm 2005

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, trưởng Phòng kinh doanh và thị trường - Tổng Công ty Điện tử và tin học Việt Nam (VIEC), năm 2005 tại Việt Nam, TV màn hình cong chỉ còn chiếm khoảng 25% thị phần, TV CRT màn hình phẳng chiếm 70% thị phần và TV màn hình tinh thể lỏng LCD chiếm 5% thị phần.

Cũng theo ông Thịnh, năm 2006 con số này sẽ thay đổi mạnh. Các dự báo cho thấy TV màn hình cong sẽ chỉ còn chiếm nhiều nhất 15% thị phần, màn hình phẳng chiếm 75% thị phần và màn hình tinh thể lỏng chiếm 10% thị phần.

Còn trong 5 năm tới, TV màn hình phẳng chỉ chiếm 50% thị phần, TV màn hình tinh thể lỏng chiếm 50% thị phần và TV màn hình cong sẽ biến mất.

Trên thực tế, tại các cửa hàng điện tử tại Hà Nội, hầu như không còn thấy tivi màn hình cong bày bán. Khi hỏi mua thì vẫn có, nhưng bày mẫu thì không thấy. Ở nhiều cửa hàng TV trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), 100% các sản phẩm bày bán là TV màn hình phẳng. Giá bán cũng khá thấp, chỉ cần 3 triệu đồng đã có thể mua được một chiếc TV 21" màn hình phẳng của Sony, Samsung hay LG hoặc TCL... và gần như không có khách hàng hỏi mua TV màn hình cong.

Hiện nay các hãng điện tử lớn tên thế giới như Sony, Samsung... đã tuyên bố ngừng sản xuất màn hình cong.

Hàng điện tử, điện máy giảm giá mạnh trong năm 2005

Theo Trung tâm Thông tin Thương mại, vào cuối năm 2005 nhiều mặt hàng điện máy, điện tử được bán với giá rẻ hơn từ 25%- 40% so với thời điểm giữa năm. Chúng được tiêu thụ dưới hình thức của các chương trình tài trợ, khuyến mãi, giảm giá... Đáng chú ý hàng giảm giá không phải là những model cũ hay tồn kho mà hầu hết là những mặt hàng đang thịnh hành và tiêu thụ khá tốt trên thị trường.

Chẳng hạn như tivi màn hình tinh thể lỏng LCD Bravia 32" của hãng Sony đã giảm từ gần 60 triệu đồng/chiếc xuống còn 39,9 triệu đồng/chiếc, tivi LCD của hãng BenQ (Đài Loan) loại 37" giảm từ 52 triệu đồng/chiếc xuống còn 39,9 triệu đồng/chiếc, loại 32 ich giảm từ 32 triệu xuống còn 26 triệu đồng/chiếc.

Nguyên nhân theo các nhà kinh tế là do cuối năm 2005 mặc dù chưa áp dụng thuế suất ưu đãi với hàng điện tử nhập khẩu, nhưng giá tivi nhập khẩu đã giảm 25% so với 6 tháng đầu năm. Với hàng điện tử cao cấp thì mức giảm thậm chí đến 40%.

Những nơi bán hàng giảm giá, sức tiêu thụ tăng gấp 5 lần, còn những nơi không bán hàng giảm giá thì bị lâm vào tình trạng không bán được hàng, do khách ồ ạt đến các trung tâm giảm giá. Do vậy, các trung tâm điện tử đều phải tổ chức khuyến mãi, giảm giá cho khách. Việc giảm giá đã kích thích nhu cầu, đẩy lượng tiêu thụ lên trên 40%. Cụ thể, sức mua trung bình ở TP Hồ Chí Minh với tivi LCD tăng 210% trong 2 tháng cuối năm, chủ yếu là loại 26-32".

Sẽ tiếp tục giảm giá trong năm 2006

Hiện nay khi đã bước sang năm 2006 thì giá tivi bán ra lại không giảm so với cuối năm 2005. Từ 1/1/2006 Việt Nam hội nhập AFTA, thuế nhập khẩu với các sản phẩm nguyên chiếc nhập từ khu vực ASEAN sẽ giảm xuống chỉ còn từ 5%-0%, do vậy người tiêu dùng hy vọng giá TV sẽ còn giảm nữa. Nhưng đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra, nguyên nhân là do chưa có quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo dự kiến thì vào ngày 15/1/2006 Bộ trưởng Bộ Tài chính mới ban hành quyết định giảm thuế và khi nó có hiệu lực thì các nhà nhập khẩu mới được hưởng thuế suất mới, khi đó giá sẽ giảm xuống.

Cũng theo nhận định của ông Thịnh, năm 2006 giá các mặt hàng điện tử sẽ giảm khoảng 20% so với 2005, đặc biệt là với những mặt hàng cao cấp như tivi LCD.Và với xu hướng này thì TV CRT màn hình phẳng rồi cũng sẽ biến mất trong tương lai không xa, lúc đó độc chiếm thị phần sẽ là các loại TV màn hình tinh thể lỏng, Plasma...

Theo Sài Gòn tiếp thị