"Trợ lý" Siri của Apple lại gặp hạn ở Trung Quốc

(Dân trí) - Công ty công nghệ mạng Zhizhen ở Thượng Hải (Trung Quốc) vừa cáo buộc Apple vi phạm bản quyền bằng sáng chế mà họ sở hữu trong "trợ lý" giọng nói nổi tiếng Siri.

Zhizhen khẳng định họ đã phát triển và đăng ký bản quyền một sản phẩm với công nghệ kích hoạt giọng nói tương tự trước khi Siri được phát triển.  Siri là phần mềm tương tác và phản hồi bằng giọng nói của Apple hiện đang được tích hợp trên điện thoại iPhone.

Theo Zhizhen, Apple đã vi phạm bằng sáng chế của họ liên quan đến một phần mềm nhận dạng giọng nói có tên là "Xiao i". Phản ứng trước vụ việc này, Apple tuyên bố cáo buộc của Zhizhen là không rõ ràng và thiếu bằng chứng đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Siri không vi phạm bằng sáng chế mà Zhizhen sở hữu bởi nó thiếu một máy chủ game, vốn là một trong những tính năng kỹ thuật của Xiao i.

Tuy nhiên, Zhizhen cho biết hành vi vi phạm của Apple là có thật nếu các phương thức hoạt động của Siri và Xiao i đều giống nhau. Công ty Trung Quốc này cũng cho biết hành vi vi phạm bản quyền của Apple hiện diện trên tất cả các thiết bị mang thương hiệu "Quả táo" sử dụng Siri, bao gồm iPhone 4S, iPhone 5 và iPad Mini.

Trợ lý giọng nói Siri lại bị tố xâm phạm bản quyền ở Trung Quốc
"Trợ lý" giọng nói Siri lại bị tố xâm phạm bản quyền ở Trung Quốc

"Apple đã công bố thêm nhiều sản phẩm được trang bị ứng dụng Siri sau khi chúng tôi nộp đơn kiện này", Yuan Yang, luật sư của Zhizhen tố cáo "Chúng tôi cho rằng tất cả các sản phẩm trên đã vi phạm bản quyền bằng sáng chế của phần mềm nhận dạng giọng nói Xiao i Robot".

Theo một bài báo được đăng tải trên tờ Shanghai Daily hôm qua (27/3), Zhizhen đã chính thức đệ trình một đơn kiện vào ngày 21/6/2012, trong đó yêu cầu Apple ngừng sản xuất và bán các sản phẩm sở hữu tính năng Siri ở Trung Quốc. Tuy nhiên phiên tòa đã bị trì hoãn bởi phía tòa án đã quyết định cung cấp thông báo thông qua các kênh ngoại giao bởi Apple là một công ty có trụ sở tại Mỹ.

Mei Li, một phát ngôn viên của Zhizhen khẳng định công ty đã phát triển hệ thống robot chat Xiao i từ năm 2003. Zhizhen đã nộp đơn xin được cấp phép bản quyền bằng sáng chế đối với Xiao i tại Trung Quốc vào năm 2004 và được đồng ý vào năm 2006. Mặt khác Siri thì chỉ mới được phát triển vào năm 2007, một năm sau đó.

Apple đã mua lại Siri vào năm 2010 và đã cho ra mắt tính năng này khi hãng trình làng iPhone 4S vào năm 2011. Siri hoạt động bằng cách phản hồi những lệnh đưa ra bằng giọng nói của người dùng.

"Chúng tôi cho rằng Siri xâm phạm bản quyền bằng sáng chế của chúng tôi trong tán gẫu (chat) từ. Chúng tôi muốn họ ngừng việc này lại vì tất cả mọi người đều thấy iPhone cũng như iPad đang được bán rộng rãi ở Trung Quốc", Mei nói.

Zhizhen cũng khẳng định công ty không đòi Apple phải bồi thường nhưng yêu cầu tòa án xác nhận quyền sở hữu bằng sáng chế của họ. Trong khi đó, Apple đang yêu cầu Văn phòng sở hữu trí tuệ nhà nước của Trung Quốc ra thông báo bằng sáng chế của Xiao i không có giá trị. 

Hôm qua (27/3), hãng tin AFP lại dẫn lời của Si Weijiang, một luật sư đại diện của Zhizhen cho hay công ty Trung Quốc này sẽ yêu cầu Apple phải ngừng sản xuất và bán các sản phẩm sử dụng bằng sáng chế của họ một khi hành vi xâm phạm bản quyền của Apple được xác nhận. Zhizhen cũng không loại trừ khả năng yêu cầu một khoản bồi thường trong tương lai.

Theo Zhizhen, sản phẩm Xiao i của công ty đã có hơn 100 triệu người dùng ở Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực bao gồm tài chính, viễn thông và thương mại điện tử.

Apple đối mặt với vụ kiện từ phía Zhizhen ngay sau khi vừa khép lại một cuộc chiến pháp lý khác với một công ty Trung Quốc. Hồi năm ngoái, Apple đã phải trả 60 triệu USD cho công ty Proview Technology (Thâm Quyến) để giải quyết vụ tranh chấp dài hơi liên quan đến thương hiệu "iPad" mà cả hai công ty đều tuyên bố quyền sở hữu.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Apple cũng phải đối mặt với một vụ kiện liên quan đến bản quyền Siri tại Mỹ sau khi Đại học Cheng Kung Quốc gia (Đài Loan) tuyên bố tính năng nhận dạng giọng nói Siri vi phạm hai bằng sáng chế được cấp phép tại Mỹ của họ.

Võ Hiền