Triển khai sớm 4G chỉ để làm thương hiệu?

(Dân trí) - Trao đổi với báo giới, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho rằng, ở thời điểm hiện tại các nhà mạng nói muốn triển khai sớm mạng 4G thì chỉ là để làm thương hiệu mà thôi.

 


Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ về con đường Việt Nam tiến lên 4G.

Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ về con đường Việt Nam tiến lên 4G.

Chia sẻ bên lề Toạ đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức vào chiều nay 21/10, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho rằng, việc triển khai quá sớm mạng 4G tại Việt Nam sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp bởi vì theo ông, giá thành của thiết bị đầu cuối và thiết bị mạng còn đắt. Khi chúng ta triển khai mạng thì chi phí triển khai những thiết bị này sẽ đội lên rất nhiều.

Hơn thế nữa, nguyên Thứ trưởng cho rằng nếu chúng ta chọn không đúng thời điểm và lựa chọn không nghệ không đúng và không được nhiều nước sử dụng thì chỉ vài năm sau công nghệ này sẽ bị bỏ đi và tạo ra sự lãng phí. Chỉ riêng công nghệ LTE+ thì đã có rất nhiều chủng loại, như CAT 4, CAT 6 với các tốc độ khác nhau. Nếu mình đi trước, tiền 4G thì sẽ xảy ra tình trạng lỡ nhịp, không tương thích với công nghệ 4G chuẩn.

Nói về tốc độ 4G, ông Thắng cho rằng, 4G không có nghĩa là sẽ đẩy được tốc độ truy cập Internet lên nếu doanh nghiệp chỉ triển khai một số trạm BTS thì điều đó không có ý nghĩa gì, tốc độ sẽ vẫn chỉ là “rùa bò”. Các doanh nghiệp cần phải triển khai đủ trạm để người dùng đi đâu cũng có sóng, nhất là sóng trong nhà. “Cho đến thời điểm này, tốc độ mạng 3G tại Việt Nam vẫn chưa thoả mãn mong muốn của người dùng. Tốt hơn hết chúng ta nên dùng số tiền đó vào nâng cấp mạng 3.5G cho tốt để đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dân”.

Theo ông Thắng, tốc độ mạng 3G đang rơi vào trạng thái nơi thì cực nhanh, nơi thì không thể nào vào được. “Hình ảnh 3G của chúng ta đang như là một chiếc xe hơi lúc thì chạy trên đường cao tốc tốc độ cao, khi thì phải đi vào những con đường tỉnh lộ, huyện lộ. Do đó, tốc độ trung bình không thể nào cao được.

Nguyên thứ trưởng cũng cho rằng các hoạt động mạng hiện nay của người dùng mới chỉ chủ yếu là đọc báo, xem đoạn clip ngắn, chơi game thì chỉ chơi trên máy tính là chủ yếu. Do đó, theo ông Thắng, Việt Nam nên lựa chọn thời điểm phù hợp để triển khai 4G thay vì chạy đua để đẩy nhanh quá trình nhằm tạo thương hiệu.

“Không nên chờ tới năm 2016 mới cấp phép 4G”

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của ông Lê Nam Thắng, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu Chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông) đã cho rằng nếu các doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm và triển khai sớm mạng 4G thì Bộ TT&TT nên cấp phép bởi vì điều này phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp chứ không phải là do Bộ, Bộ TT&TT không nên đợi 3G hoàn vốn xong rồi mới cấp phép 4G.

“Chúng ta không nên chờ đến 2016 mới cấp phép. Nếu chúng ta cứ ngồi chờ các nước khác triển khai hết để lấy kinh nghiệm thì mạng 5G sẽ tới thì sao? Việc triển khai 4G sớm sẽ có lợi cho người dùng, cho thị trường và các DN cũng chủ động”, ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh.

Tiến sỹ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông.
Tiến sỹ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông.

Trước đó, Viettel là nhà mạng trong nước đầu tiên triển khai thử nghiệm công nghệ 4G từ tháng 5 vừa qua, và đồng thời nhà mạng này cũng thông báo sẽ sớm cung cấp các dịch vụ thử nghiệm cho khách hàng tại Hà Nội và TPHCM trong tương lai gần. Từ cuối năm 2010, ngoài Viettel thì Bộ TT&TT cũng đã cấp giấy phép thử nghiệm cho 4 DN khác là VNPT, CMC, FPT và VTC.

Tại Hội nghị Giao ban Giao ban quản lý nhà nước tháng 9 do Bộ TT&TT tổ chức, Phó Tổng Giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng đã đề xuất Bộ nên chính thức cấp phép 4G ngay trong năm 2015. Ông Dũng cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho 3G là lãng phí, ảnh hưởng đến bài toán khấu hao của doanh nghiệp. Viettel cũng khẳng định doanh nghiệp này sẵn sàng ứng tiền trước để giải phóng tần số 700 MHz, là băng tần đang được sử dụng cho phát thanh truyền hình, để sử dụng băng tần này triển khai 4G.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, chọn thời điểm triển khai công nghệ 4G phù hợp là yếu tố rất quan trọng. Do đó, Bộ vẫn giữ kế hoạch thực hiện đấu thầu 4G từ cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.

Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện và Cục Viễn thông cho rằng cần phải cấp phép thử nghiệm rồi mới tiến tới cấp phép chính thức. Theo tính toán của cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham gia vào công nghệ mới khi mức độ phổ biến đạt 13% thì mới có lợi nhuận, trong khi đó, mức độ phổ biến của 4G LTE tại Việt Nam mới chỉ đạt 8%.

Khôi Linh