Tổng thống Mỹ Biden "ra tay" ngăn chặn rủi ro của A.I

T.Thủy

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký một sắc lệnh hành pháp để ngăn chặn và giảm thiểu những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể gây ra cho con người và an ninh quốc gia.

Sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký yêu cầu các nhà phát triển hệ thống A.I phải chia sẻ kết quả kiểm tra mức độ an toàn với chính phủ, trước khi công bố rộng rãi hệ thống A.I đó ra cộng đồng, để đề phòng rủi ro cho an ninh quốc gia, nền kinh tế, sức khỏe cộng đồng hoặc an toàn của Mỹ….

Sắc lệnh hành pháp mà ông Biden vừa ký cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan cần phải đặt ra những tiêu chuẩn cho quá trình kiểm tra và chỉ ra những rủi ro liên quan đến hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân, an ninh mạng… mà A.I có thể gây ra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp về A.I trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (Ảnh: NYTimes).

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp về A.I trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (Ảnh: NYTimes).

Sắc lệnh này cũng yêu cầu các nhà phát triển phải có những giải pháp để ngăn chặn tác hại mà A.I có thể gây ra cho người lao động, bao gồm tình trạng mất việc hoặc dịch chuyển lao động, do các hệ thống A.I thay thế công việc của con người.

"Để hiện thực hóa tương lai đầy hứa hẹn của A.I và tránh rủi ro, chúng ta cần phải quản lý công nghệ này. Nếu rơi vào tay kẻ xấu, A.I có thể giúp tin tặc khai thác các lỗ hổng trong các hệ thống phần mềm đang giúp xã hội chúng ta vận hành dễ dàng hơn", Tổng thống Biden tuyên bố.

Động thái của Tổng thống Joe Biden là bước mới nhất của chính quyền Mỹ nhằm thiết lập các tiêu chuẩn về A.I, khi công nghệ này đang có những bước tăng trưởng nhanh chóng và ngày càng trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, động thái này cũng đã gây ra những phản ứng trái chiều từ giới công nghệ.

Bradley Tusk, Giám đốc điều hành của Tusk Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm đang đầu tư vào công nghệ và A.I, đã hoan nghênh hành động của Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các hãng công nghệ sẽ không muốn chia sẻ với chính phủ những dữ liệu độc quyền về hệ thống A.I đang phát triển vì lo ngại các dữ liệu này bị rò rỉ hoặc lọt vào tay đối thủ.

Trong khi đó, NetChoice - một hiệp hội thương mại quốc gia bao gồm các hãng công nghệ lớn - cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Mỹ sẽ ngăn chặn sự phát triển của các công ty A.I và làm ảnh hưởng đáng kể đến sự đổi mới của nước Mỹ.

Trước đó, nhiều hãng công nghệ như OpenAI, Alphabet, Meta… đã đưa ra lời cam kết sẽ phát triển các hệ thống A.I an toàn cho con người và cộng đồng. Tuy nhiên, sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden sẽ buộc các hãng công nghệ phải hiện thực hóa cam kết của mình, thay vì chỉ dừng lại ở mức lời hứa để tạo lòng tin.

Trước đó, nhiều chính trị gia tại Mỹ đã bày tỏ sự lo ngại A.I có thể xâm phạm quyền công dân, gây tổn hại an ninh quốc phòng… Nhiều người đã kêu gọi chính phủ cần ban hành một lệnh giám sát và quản lý chặt chẽ hơn với các hệ thống A.I, trước khi những hệ thống này vượt quá tầm kiểm soát của con người.

Sắc lệnh hành pháp là một văn bản pháp luật do tổng thống hoặc thủ tướng của một quốc gia ban hành, có hiệu lực ngay lập tức mà không cần nhận được sự phê chuẩn của quốc hội.

Sắc lệnh hành pháp thường được sử dụng để giải quyết các vấn đề khẩn cấp hoặc để thực thi các chính sách của chính phủ. Sắc lệnh hành pháp có thể được sử dụng để ban hành các quy định mới, chỉ đạo các cơ quan chính phủ hoặc thay đổi các chính sách hiện có.

Sắc lệnh hành pháp có thể được sử dụng để thực hiện các quyền hạn được quy định trong hiến pháp hoặc để giải quyết các vấn đề mà hiến pháp không đề cập rõ ràng.

Theo S.T/DTrends