Thứ trưởng Trương Minh Tuấn:

Tiến tới xóa bỏ quảng cáo trong các chương trình thời sự tổng hợp

(Dân trí) - Bắt đầu từ ngày 15/3, Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ chính thức có hiệu lực. Nhiều vấn đề xoay quanh Nghị định này đã được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông giải đáp với các cơ quan báo chí chiều ngày 14/3.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: Ngày 24/3/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền. Đây là văn bản quy phạm pháp luật hết sức quan trọng để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và quản lý nội dung thông tin trên dịch vụ truyền hình trả tiền trong 5 năm qua.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh về tầm quan trọng của Nghị định 06
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh về tầm quan trọng của Nghị định 06

Sau 5 năm triển khai thi hành, Quyết định số 20 đã đạt được một số mục tiêu cụ thể đặt ra, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về dịch vụ truyền hình trả tiền, đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin, cung cấp và sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, đồng thời tạo đà thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, góp phần không nhỏ trong công tác thông tin tuyên truyền đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Quyết định số 20, một số quy định chưa đủ và chưa theo kịp sự phát triển của lĩnh vực này, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình. Mặc khác, hiện nay, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, vì vậy, một số tồn tại và bất cấp tại Quyết định 20 cần được sửa đổi, bổ sung và nâng cấp Quyết định của Thủ tướng thành Nghị định của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho biết, tại Nghị định mới, quy định về hoạt động liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình được bổ sung và có nhiều điểm mới so với Thông tư số 19/2009/TT-BTTTT ngày 28/5/2009. Theo Nghị định mới, từ ngày 15/3/2016, Bộ TT&TT sẽ thôi không cấp đăng ký chứng nhận chương trình liên kết, quy định về quản lý các chương trình liên kết sẽ được ghi trong hồ sơ xin cấp phép kênh truyền hình của các đài truyền hình. Hồ sơ cấp phép sẽ ghi rõ các đài truyền hình được liên kết cái gì, được liên kết đến đâu và trách nhiệm của các đài truyền hình trong việc quản lý nội dung liên kết như thế nào.

“Việc Bộ TT&TT không cấp phép kênh liên kết nhằm nâng cao trách nhiệm của các đài truyền hình. Nghị định mới cũng ra quy định, các đài truyền hình tuyệt đối không thực hiện liên kết sản xuất các chương trình thời sự chính trị” – ông Hà Yên nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi họp báo chiều 14/3
Quang cảnh buổi họp báo chiều 14/3

Chia sẻ thêm về Nghị định 06, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: "Việc Bộ TT&TT không cấp phép cho các chương trình liên kết là nhằm nâng cao trách nhiệm của các đài truyền hình. Bên cạnh đó, quy định các đài truyền hình không được phép liên kết hoạt động sản xuất chương trình thời sự là vì nội dung thời sự được đánh giá là rất quan trọng và quy định này hoàn toàn phù hợp với Luật Báo chí về vai trò, trách nhiệm của các đài truyền hình trong quản lý nội dung".

Để làm rõ thêm một số vấn đề, phóng viên báo Dân trí đã đặt những câu hỏi: Người sử dụng dịch vụ phải mất tiền nhưng lại khống chế chỉ cho xem 30% kênh truyền hình nước ngoài liệu có hợp lý? Trong khi đó, kênh trong nước thì nội dung chưa phong phú, quảng cáo thì nhiều khiến người sử dụng dịch vụ chưa hài lòng. Đối với truyền hình Internet thì liệu Nghị định này có thể quản lý được hay không?

Thẳng thắn nhìn nhận, ông Hoàng Vĩnh Bảo cho hay: Khi xây dựng Nghị định thì đã nghiên cứu rất kỹ. Vấn đề liên quan đến tỷ lệ kênh truyền hình nước ngoài tại Việt Nam đã được xem xét dựa trên các cam kết quốc tế.

“Chúng ta muốn khuyến khích các kênh truyền hình trong nước thì phải đưa ra tỷ lệ đó. Nghĩa là muốn nhiều kênh truyền hình nước ngoài vào Việt Nam thì phải xây dựng kênh truyền hình trong nước nhiều hơn” – ông Bảo nói.

Về quản lý truyền hình Internet thì ông Bảo cho hay, đơn vị đang xây dựng quy định về cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên quốc gia và sẽ tính tới yếu tố này.

Xóa bỏ quảng cáo trong các chương trình thời sự tổng hợp

Khẳng định với báo chí, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, tại điều 5 của Nghị định 06 nói rất rõ về chính sách quản lý dịch vụ để nhằm phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình trên toàn quốc theo công nghệ mới, công nghệ hiện đại…Mục đích của chính sách này còn là để người dân tiếp cận một cách dễ dàng các kênh, chương trình phục vụ chính trị, dịch vụ thiết yếu của quốc gia cũng như tất cả các địa phương.

Việc ban hành các quy định quản lý mới là nhằm mục đích phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cho phép các đài truyền hình huy động nguồn lực của xã hội để sản xuất các kênh truyền hình trong nước theo hình thức liên kết nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các kênh truyền hình liên quan đến chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử…

“Tới đây sẽ tiến tới xóa bỏ quảng cáo trong các chương trình thời sự tổng hợp. Không có lý do gì để đưa quảng cáo vào chương trình thời sự tổng hợp cả” – Thứ trưởng Tuấn nói

Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, hiện nay Bộ TT&TT đang cấp phép cho các chương trình liên kết, nhưng kể từ ngày 15/3/2016, Bộ sẽ xóa bỏ không thực hiện cấp phép cho các chương trình liên kết, khi thực hiện liên kết các cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm. Việc xóa bỏ cấp phép, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong quản lý chương trình liên kết. Bộ TT&TT không cấp phép các chương trình liên kết mà các cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm.

“Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT sẽ thực hiện hậu kiểm và xử lý sai phạm khi cơ quan báo sai phạm, giống như trong quản lý hoạt động xuất bản, nhà nước sẽ không kiểm duyệt nội dung trước nhưng nếu sai phạm sẽ xử lý” - Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng