Thêm một thương hiệu Việt sản xuất nhà thông minh

Ở nhiều nước phát triển, hạ tầng hiện đại, nhà thông minh đã thịnh hành từ lâu khiến cuộc sống tiện nghi hơn.

Tại Việt Nam, cùng với xu hướng tăng trưởng mạnh của thị trường, nhà thông minh đang dần trở thành một lĩnh vực hấp dẫn mà không “đại gia công nghệ nào muốn bỏ qua, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ Việt.

Từ tư duy của những ông lớn ngành công nghệ 

Năm ngoái Apple giới thiệu gói công cụ HomeKit, cho phép người dùng có thể sử dụng điện thoại iPhone hoặc iPad để điều khiển những đồ vật trong nhà. Đây sẽ là bước đi quan trọng để Apple tiến đánh thị trường nhà thông minh. HomeKit cũng tích hợp cả với Siri cho phép người dùng điều khiển thiết bị bằng giọng nói.

 

Trong khi đó, Google cũng chi ra 3,2 tỷ USD để mua lại Nest, hãng sản xuất máy điều chỉnh nhiệt độ thông minh và các loại cảm biến khác. Đồng thời Google cũng giới thiệu một phiên bản khác của hệ điều hành Android mang tên Brillo OS, tại sự kiện Google I/O.


Thêm một thương hiệu Việt sản xuất nhà thông minh
Biệt thự Thái Bình Dương của tỷ phú Bill Gates – mô hình nhà thông minh điển hình mà ai cũng mơ ước  - Nguồn ảnh: Internet

Không để lỡ cơ hội, hãng điện tử Samsung bỏ ra hơn 200 triệu USD dành quyền sở hữu SmartThings – công ty chuyên thiết kế và sản xuất những thiết bị tự động trong nhà. Hãng mới đây cũng công bố nền tảng Smart Home cho thị trường toàn cầu, trong đó Mỹ và Hàn Quốc sẽ là 2 quốc gia đầu tiên được hãng triển khai dịch vụ này.

Cùng lúc, hãng điện thoại Trung Quốc Xiaomi vừa cho biết đã phát triển thành công một “mô-đun thông minh”, cho phép các đối tác phần cứng khác có thể tích hợp mô-đun này vào các sản phẩm của họ để biến chúng thành các thiết bị thông minh có khả năng kết nối. Động thái của Xiaomi cho thấy tham vọng của hãng công nghệ này trên thị trường nhà thông minh, thị trường hứa hẹn đầy tiềm năng trong thời gian ngắn sắp tới.

Theo hãng nghiên cứu Gartner, công nghệ nhà thông minh (smart home) có thể đóng góp 1,9 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới vào năm 2020. Với các phát kiến gần đây về mạng và thiết bị, cuộc chiến trên mặt trận nhà thông minh đang dần trở nên nóng bỏng khi các ông lớn như Google, Apple, Samsung, Amazon… đã bắt đầu nhập cuộc.

Thị trường nhà thông minh tại Việt Nam như thế nào?

Mặc dù là một miếng bánh tiềm năng nhưng theo ông Nguyễn Đức Tài – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lumi Việt Nam – một trong những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thiết bị, giải pháp nhà thông minh cho biết: đây mới là giai đoạn “giáo dục” thị trường, trong khoảng 3 – 5 năm tới, nhà thông minh mới thực sự phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Hạn chế lớn của thị trường nhà thông minh ở Việt Nam hiện nay là ít có nhà cung cấp giải pháp đồng bộ, đa phần là đối tác ủy quyền của các hãng cung cấp giải pháp của nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện nay thiên về cung cấp một số giải pháp như giải pháp về an ninh, an toàn, điều khiển thiết bị điện thông qua smartphone… và thường thì mỗi doanh nghiệp chỉ có một thế mạnh riêng.

 

Công tắc điện cảm ứng – Khởi
nguồn cho giải pháp nhà thông minh của Lumi Việt Nam

Công tắc điện cảm ứng – Khởi nguồn cho giải pháp nhà thông minh của Lumi Việt Nam

Để đầu tư sử dụng giải pháp nhà thông minh dù là giải pháp đồng bộ toàn diện đến giải pháp nhỏ lẻ đều phải phụ thuộc vào túi tiền của nhà đầu tư, trong khi mặt bằng chất lượng cuộc sống của người Việt Nam vẫn còn thấp. Các công ty nhà thông minh ủy quyền của đối tác tác nước ngoài thường đưa ra khoản kinh phí rất lớn từ 15.000 USD/căn hộ - 180.000USD/căn hộ tùy nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, để lắp đặt hệ thống này, khách hàng phải lắp đặt lại toàn bộ đường dây điện, đầu tư thêm nhiều thiết bị… rất phức tạp khi triển khai. 

Đối với doanh nghiệp của mình, ông Tài khẳng định: Lumi Việt Nam có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực này. Vì là doanh nghiệp công nghệ Việt nên Lumi chú trọng kết hợp phát triển cả phần cứng và phần mềm, cải tiến và sáng tạo để phù hợp với thói quen, thị hiếu và điều kiện hạ tầng cơ sở điện tại Việt Nam. Các thiết bị của Lumi sử dụng sóng Zigbee để kết nối nên rất dễ dàng thi công lắp đặt, không phải đục tường, đi dây lại… Thông thường, muốn sử dụng gói giải pháp nhà thông minh của Lumi Việt Nam chỉ mất khoản chi phí từ 30 – 50 triệu đồng/ căn hộ chung cư hoặc từ 60 – 90 triệu đồng đối với 1 biệt thự liền kề.

Lợi ích của nhà thông minh không chỉ mang lại cho lợi ích cho khách hàng mà còn góp phần tăng sự hoàn mỹ cho các kiến trúc sư để có một căn nhà hiện đại, tiện ích, thỏa mãn ước muốn của gia chủ. Khi nhu cầu đầu tư sử dụng nhà thông minh ngày càng nhiều thì sự phối hợp chặt chẽ giữa kiến trúc sư, khách hàng và nhà cung cấp giải pháp phải ngày càng chặt chẽ. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết để thị trường nhà thông minh tại Việt Nam phát triển hơn trong thời gian tới./.