Thêm một công ty bị phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm

(Dân trí) - Hôm qua (11/12), Thanh tra Bộ VHTT và DL phối hợp với Phòng C15 BCA vừa tiến hành đợt thanh tra đột xuất việc sử dụng phần mềm có bản quyền tại Cty TNHH Quốc tế liên doanh VINATA và đã phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm trị giá hơn 800 triệu đồng.

Tại Công ty TNHH Quốc tế liên doanh VINATA ở tầng 7, tòa nhà VCCI, số 171 Võ Thị Sáu, Q3, TP CM, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện 17 máy tính cài đặt trái phép các phần mềm không có bản quyền. Đây đều là những phần mềm được sử dụng phổ biến trong các hoạt động sản xuất kinh doanh như: AutoCAD 2004 & 2007 , ACDSystem 5, WinRar, Windows XP, Microsoft Office, Photoshop 7.0, Corel Draw.

 

Trước những chứng cứ trên, đại diện công ty TNHH Quốc tế liên doanh VINATA chi nhánh TPHCM đã ký vào biên bản, thừa nhận hành vi sao chép phần mềm máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị và cam kết sẽ tuân thủ các qui định hiện hành và khắc phục các lỗi vi phạm trong thời gian ngắn nhất.

 

Đại diện Công ty TNHH Quốc tế liên doanh VINATA cho biết công ty đã mua một số phần mềm có bản quyền nhưng chưa cài hết vào các máy. Trong thời gian sớm nhất công ty sẽ mua và cài đặt đầy đủ các phần mềm có bản quyền để phục vụ hoạt động kinh doanh.

 

Theo ông Trần Văn Minh, Phó trưởng phòng Thanh tra Báo chí - Xuất bản, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành cho biết sẽ ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Quốc tế liên doanh VINATA căn cứ vào Luật Sở hữu Trí tuệ và Nghị định số 56/2006 NĐ-CP ngày 06/06/2006 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá thông tin. Theo kết quả thì tổng giá trị các phần mềm bất hợp pháp ước tính lên đến hơn 800 triệu đồng.

 

Ông Minh cũng cho biết thêm: “Việc thanh tra sẽ tiếp tục được thực hiện ở cả các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng trong kinh doanh. Các doanh nghiệp sử dụng và các công ty cung cấp máy tính tiếp tục là đối tượng mà chúng tôi sẽ nhắm tới trong thời gian tới. Đặc biệt, là các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực về tài chính, có đủ hiểu biết về luật pháp nhưng vẫn cố tình trì hoãn việc chấp hành nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ”.

 

Cũng theo nguồn tin từ đoàn thanh tra, trong thời gian tới việc xử lý các vụ việc liên quan đến vi phạm bản quyền sẽ trở nên nóng hơn khi một số nhà sản xuất phần mềm bị xâm hại sẽ lên tiếng mạnh mẽ. Vụ việc có thể sẽ không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính mà sẽ dẫn đến các vụ kiện dân sự giữa doanh nghiệp sản xuất phần mềm bị xâm hại và đơn vị vi phạm.

 

Đây là đợt thanh tra thứ 3 được đoàn thanh tra liên ngành thực hiện tại TPHCM kể từ đầu năm nay. Trước đó, vào tháng 3 việc kiểm tra đã được tiến hành tại hai công ty chuyên cung cấp máy tính là công ty Cao Minh Gia và Greentek. Vào tháng 5, đoàn thanh tra liên ngành đã thực hiện cuộc thanh tra đột xuất vào hai doanh nghiệp sử dụng là công ty Hoàng Hà và công ty Nikkiso của Nhật. Cũng vào cuối tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, Đoàn thanh tra liên ngành cũng đã phát hiện vụ sử dụng phần mềm lậu lớn nhất từ trước tới nay với trị giá phần mềm vi phạm lên tới 6 tỉ đồng tại Công ty Archetype Việt Nam. Những động thái liên tục này đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc hướng tới một môi trường tôn trọng bản quyền tại Việt Nam cũng như đạt được các mục tiêu đề ra.

 

Minh Tâm