Thanh niên Việt Nam “mất” 2,2 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại

(Dân trí) - Những người Việt Nam thuộc thế hệ Millennials (trong độ tuổi từ 16-30) trung bình mỗi ngày dành 2,2 giờ cho việc sử dụng điện thoại di động. Con số này tương đương với 15,4 giờ mỗi tuần và hơn một tháng mỗi năm.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của dự án Connected Life do công ty tư vấn nghiên cứu toàn cầu TNS thực hiện với trên 60.500 người sử dụng Internet ở tất cả các thị trường trên toàn thế giới trong giữa tháng 5 và tháng 8 năm 2015 (trong đó có Việt Nam), cho thấy thời gian trung bình của một người trẻ ở Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 30 dành cho việc sử dụng điện thoại là 2,2 giờ mỗi ngày. Con số này tương đương với 15,4 giờ/ tuần, hoặc hơn 1 tháng/năm.

Trong 2,2 giờ đó, những người trong độ tuổi này dành 53% thời gian cho việc duyệt web và mạng xã hội, 41% thời gian để xem video, 6% thời gian cho việc mua sắm trực tuyến.

Đáng chú ý, theo nghiên cứu của TNS thì những người trong độ tuổi này chỉ dành chưa tới 1 giờ mỗi ngày để xem TV và hầu như không có nhu cầu nghe radio và đọc báo giấy.

Giới trẻ Việt đang có xu hướng tiếp cận thông tin qua các thiết bị di động thông minh và mạng xã hội
Giới trẻ Việt đang có xu hướng tiếp cận thông tin qua các thiết bị di động thông minh và mạng xã hội

Trong khi đó, với nhóm độ tuổi trung niên (từ 31 đến 45 tuổi), thời gian sử dụng điện thoại nhỉnh hơn chút ít so với lứa tuổi thanh niên (2,3 giờ/ngày). Nhóm đối tượng này cũng chỉ dành chưa đến 1 giờ mỗi ngày để xem TV và cũng hầu như không nghe radio hay đọc báo giấy.

Với nhóm đối tượng người cao tuổi (từ 46 đến 65) thường dành 2 giờ mỗi ngày cho việc xem TV và chỉ khoảng 10 phút mỗi ngày để đọc báo giấy và tạp chí. Tuy nhiên, nhóm người lớn tuổi này cũng đang có những sự dịch chuyển, cho thấy họ đang sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến một cách thường xuyên hơn. Những người trong độ tuổi từ 46-65 cũng dành 1,5 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại, trong đó 21% quỹ thời gian dành cho việc truy cập mạng xã hội.

Nghiên cứu của TNS cho thấy rằng trong khi những người lớn tuổi vẫn còn đang có sự tiếp cận với những hình thức truyền thông truyền thống, như báo chí và TV thì những người trẻ và trung niên dường như đã hoàn toàn chuyển sang tiếp cận các phương tiện truyền thông mới mẻ hơn trên các thiết bị thông minh và mạng xã hội.

TNS đã sử dụng cả phương pháp nghiên cứu định lượng (điều tra và giám sát trực tuyến) và định tính (mặt đối mặt tập trung vào các nhóm và các kênh tiêu dùng trực tuyến) để thực hiện nghiên cứu Connected Life này. Thêm vào đó TNS cũng đã khảo sát 1.000 người dân từ các thành phố lớn nhất bao gồm Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ - các thành phố nơi mà Internet và điện thoại di động được sử dụng nhiều nhất. Tất cả những yếu tố trên đảm bảo cho các kết quả của nghiên cứu Connected Life có được cái nhìn tổng thể và khách quan về Việt Nam thông qua những trung tâm kinh tế hàng đầu.

Ông Ashish Kanchan, Giám đốc điều hành TNS Việt Nam cho biết “hiểu được cách mọi người sử dụng điện thoại của họ bao lâu mỗi ngày là một trong những phần quan trọng nhất được tập trung đánh giá trong báo cáo này, bởi vì đây là một yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng đối với một thương hiệu. Ví dụ, chúng tôi phát hiện ra rằng 35% người sử dụng Internet tại Việt Nam có thói quen dùng điện thoại di động của họ vào đầu buổi sáng khi vừa thức dậy. Hiểu được những hành vi như thế này và biết khi nào chúng xảy ra là rất quan trọng để lập chiến lược marketing phù hợp”

Ông Ashish Kanchan cũng cho biết thêm: một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển của điện thoại di động là khả năng trở thành thiết bị then chốt trong các phương tiện truyền thông. Điện thoại di động đang nhanh chóng trở thành thiết bị thống trị thông qua nhu cầu của các phương tiện truyền thông. Điện thoại di động hiện nay chiếm 50% tất cả các video được xem trong Việt Nam và khi người Việt đang xem TV, thì 87% số người đó cũng đang sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng cùng lúc. Với rất nhiều sự sao nhãng, các thương hiệu phải sáng tạo hơn để nắm bắt sự chú ý của người tiêu dùng. Các chiến dịch tiếp thị bao gồm hoạt động trên các nền tảng và sự kết nối liền mạch để thu hút người tiêu dùng là yếu tố then chốt khi nói đến hiệu quả của chúng đối với sự phát triển.

Connected Life giải đáp bằng cách nào công nghệ đang thay đổi cuộc sống của người tiêu dùng trên khắp Việt Nam. Nó cũng phát hiện ra những cơ hội mới và thú vị cho các nhà tiếp thị để kết nối với người tiêu dùng trong thị trường ngày càng phức tạp này.

Kết quả nghiên cứu của TNS thực sự có ý nghĩa trong việc thực hiện các chiến dịch marketing, quảng bá sản phẩm của các thương hiệu để có được những giải pháp quảng bá hợp lý và phù hợp với các đối tượng khách hàng ở các độ tuổi khác nhau.

T.Thủy

Thanh niên Việt Nam “mất” 2,2 giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại - 2