Thần tốc 4G

Hiện 4/5 doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép 4G tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã bắt tay vào việc xây dựng hạ tầng mạng lưới. Trong đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có tốc độ triển khai mạng 4G ở một quy mô có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”-thậm chí là trên bình diện thế giới.

Khối lượng công việc một tuần bằng… một năm

Nói Viettel đang trong một “chiến dịch” 4G “vô tiền khoáng hậu” đó là bởi để đầu tư một hạ tầng mạng lưới viễn thông, các doanh nghiệp trong nước cũng như trên thế giới cần ít nhất là 10 năm. Viettel được coi là doanh nghiệp nổi tiếng về tốc độ triển khai mạng lưới cũng cần tới 4 năm để hoàn thành mạng 2G tại Việt Nam, 8 năm để hoàn thành mạng 3G. Nhưng với mạng 4G, chỉ trong 6 tháng, gần như Viettel đã hoàn thiện mạng lưới toàn quốc, tới cả vùng sâu, vùng xa.


Nhân viên kỹ thuật Viettel di chuyển tại những địa hình hiểm trở

Nhân viên kỹ thuật Viettel di chuyển tại những địa hình hiểm trở

Thượng tá Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VT Net) cho biết, Viettel đang tổ chức tới 1.500 đội, mỗi đội 3 người để triển khai lắp đặt trạm BTS 4G đồng thời trên toàn quốc. VT Net sẽ cố gắng hoàn thành việc lắp đặt trạm phát sóng 4G vào khoảng ngày 10/4, sớm hơn so với kế hoạch cũ là ngày 15/4. Sau gần 6 tháng triển khai, Viettel lắp đặt xong hơn 36.000 trạm BTS để phủ sóng 4G toàn quốc, để vùng phủ 4G của Viettel rộng và sâu như đã từng làm với 2G, lớn hơn cả lượng trạm BTS 3G hiện nay của Viettel (Viettel đang khai thác khoảng 35.000 trạm BTS 3G). Đây là tốc độ triển khai mạng lưới mà thế giới chưa có tiền lệ!

Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, với hơn 36.000 trạm BTS 4G, chỉ riêng hạ tầng của Viettel đã đủ để đưa Việt Nam vào Top 20 quốc gia có hạ tầng 4G hiện đại nhất, chất lượng nhất, mật độ phủ dân cư tốt nhất theo chuẩn quốc tế. Công nghệ 4G mà Viettel sử dụng là công nghệ 4TX/4RX (4 thu, 4 phát) hiện đại hơn hẳn so với công nghệ 4G phổ biến hiện nay trên thế giới là 2TX/2RX (2 thu, 2 phát). Hiện chỉ có chưa tới 10% số nhà mạng trên thế giới sử dụng được công nghệ này.

Phổ cập 4G đến từng người dân

Sau 12 năm kể từ “cách mạng alô”, dù là một trong những nước cuối cùng cấp phép triển khai 4G nhưng Viettel quyết tâm lấy lại được thứ hạng của Việt Nam trong ngành viễn thông trên thế giới, cũng như đưa hạ tầng viễn thông đi trước, chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (dựa trên nền tảng viễn thông-băng rộng). Nếu kể cả Việt Nam, Viettel đã triển khai mạng 4G ở 7 quốc gia, là các thị trường Viettel đang đầu tư, kinh doanh.


Hình ảnh triển khai lắp đặt thiết bị phát sóng 4G tại trạm.

Hình ảnh triển khai lắp đặt thiết bị phát sóng 4G tại trạm.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định: “Chúng tôi coi đây là sứ mạng của Viettel. Viettel đặt mục tiêu sẽ làm bằng được điều đó trong 4 năm, giống như từng làm với 2G. Với 4G, Viettel quyết tâm lấy lại được thứ hạng về viễn thông trên thế giới, đưa hạ tầng viễn thông đi trước, chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng viễn thông-băng rộng.”


Metfone tại sự kiện Tech Offline 4G

Metfone tại sự kiện Tech Offline 4G

Viettel đặt ra mục tiêu cho mình, đến năm 2020, mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc điện thoại smartphone để truy cập internet. Để tạo điều kiện thuận lợi phổ cập 4G, Viettel sẽ có những giải pháp để giá 4G rẻ hơn giá 3G và sẽ có chính sách để người dân có thể dùng dịch vụ 4G miễn phí để truy cập một số trang tin tức cơ bản thiết yếu như phổ biến kiến thức pháp luật, nông nghiệp, y khoa...Về thiết bị 4G, Viettel đã có thể cung cấp các dòng máy 4G với giá 2 triệu đồng, thậm chí sẽ ra cả những dòng máy với giá 1 triệu đồng để đưa 4G đến từng người dân.

Thanh Thúy