Sự lúng túng làm thất bại Đề án 112

Ban điều hành 112 Chính phủ và các địa phương đã phải mất 2 năm mới xác định được hướng công nghệ và cơ chế triển khai. Cơ quan kiểm toán cũng kết luận việc thúc đẩy cải cách hành chính trong quản lý nhà nước của Đề án là không có tác dụng.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tại một số Bộ, ngành địa phương, cả nước hiện có khoảng 115 trung tâm tích hợp dữ liệu được triển khai theo chương trình thuộc Đề án 112. Nhưng trung tâm tại Văn phòng chính phủ chưa hoạt động, các công việc thực hiện qua hệ thống máy chủ chỉ là lưu trữ, tra cứu thông tin trên web. Còn tại hầu hết địa phương, thông tin cũng chưa được tích hợp.

Một số tỉnh chưa xây dựng xong các mạng cục bộ để kết nối với trung tâm tích hợp dữ liệu như: Yên Bái mới xây dựng được 16 trong số 49 mạng LAN, Hải Phòng có 28/40... dẫn tới phát huy hiệu quả đầu tư thấp.

Việc xây dựng phần mềm dùng chung của Ban điều hành 112 Chính phủ nhằm thống nhất quản lý và tiết kiệm chi phí. Thực tế sau hơn 6 năm, chỉ có 3 trong số 48 phần mềm được triển khai nhưng hiệu quả kém và gây lãng phí lớn tiền nhà nước. Có tới 87 tỷ đồng được chi cho 3 phần mềm gồm: Quản lý văn bản và hồ sơ công việc cấp tỉnhHệ thống thông tin điện tử tổng hợp kinh tế - xã hội cấp tỉnhTrang thông tin điện tử phục vụ quản lý. Song chỉ có phần quản lý văn bản và hồ sơ là sử dụng được với chức năng quản lý công văn đến - đi và cũng chỉ dừng ở công đoạn cập nhật.

Kết quả kiểm toán cũng nêu rõ, có hơn 22 tỷ đồng đã được ứng cho việc xây dựng và triển khai 45 phần mềm dùng chung còn lại, nhưng đa phần mới xong về giải pháp kỹ thuật và chưa có cái nào được triển khai diện rộng. Riêng Bộ Kế hoạch đầu tư, xuất hiện sự chênh lệch đáng kể về giá tiền triển khai một phần mềm dùng chung. Cụ thể là Ban điều hành 112 Chính phủ ký hợp đồng xây dựng một phần mềm hết 970 triệu đồng. Ngay thời điểm đó, Công ty TNHH An ninh mạng BKAV gửi đến Bộ này bản báo giá một phần mềm có đầy đủ 19 chức năng như sản phẩm của Ban điều hành 112 Chính phủ đang xây dựng với giá chỉ 231 triệu đồng.

Sự phung phí tiền bạc một cách khó hiểu còn thấy được ở Bộ Giáo dục đào tạo khi mà Văn phòng của Bộ này từng ký hợp đồng và thanh toán với Công ty công nghệ tin học Tinh Vân 300 triệu đồng để xây dựng trang web, ký chi 444 triệu đồng cho Công ty CMC xây dựng phần mềm quản lý văn bản nhưng hiện nay cả website lẫn phần mềm này vẫn "bặt vô âm tín", trong khi Trung tâm tin học của đơn vị chưa hề sử dụng một sản phẩm phần mềm nào của Ban điều hành 112 thuộc Bộ.

Trong suốt giai đoạn một của việc thực hiện Đề án 112, có hơn 51.000 học viên được đào tạo sử dụng thiết bị tin học. Song có nhiều người không thuộc diện cần được đào tạo và việc không phân loại trình độ đã dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhiều người học xong nhưng không làm được việc. Chẳng hạn, tại Lạng Sơn có tới 50% quản trị mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Con số này ở Thái Nguyên là 60%...

Kết thúc giai đoạn đào tạo, số giáo trình không sử dụng, tồn kho là hơn 24.000 cuốn, gây lãng phí khoảng 265 tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Hiệu quả 5 nhóm mục tiêu theo kết luận của cơ quan kiểm toán:

- Xây dựng hệ thống tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo điều hành trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, hoàn thiện và thống nhất áp dụng các chương trình ứng dụng phục vụ quản lý điều hành: Chưa rõ nét một hệ thống thông tin phục vụ trực tiếp cho công tác chỉ đạo, điều hành trong quản lý hành chính nhà nước. Còn hạn chế trong chỉ đạo điều hành của các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương qua hệ thống tin học hóa quản lý hành chính.

- Tổ chức xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia: Mới chỉ xác định xong giải pháp khả thi.

- Tin học hóa các dịch vụ công: Mới đang thử nghiệm một số dịch vụ tại TP HCM và các ngành thuế, hải quan, hàng không...

- Đào tạo tin học, phổ cập CNTT cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ nghiệp vụ của các cơ quan hành chính cấp huyện trở lên: Nghiệp vụ cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

- Thúc đẩy cải cách hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước: Không có tác dụng.

 

Theo Nguyễn Anh

VnExpress