Steve Ballmer: “Nhân loại sắp đón một cuộc cách mạng IT”

Ngành công nghiệp IT chuẩn bị bước vào một cuộc cách mạng mới và chưa bao giờ loài người lại có thể tương tác với công nghệ tự nhiên đến thế, Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft dự đoán.

“Ngành công nghiệp IT đã trải qua cả thảy 4 cuộc cách mạng, kể từ khi tôi gia nhập Microsoft 28 năm về trước.

Đầu tiên là sự xuất hiện của PC bình dân, kế đến là sự phát triển của giao diện người dùng đồ họa, sự nổi lên của Internet và cuối cùng là Web 2.0”, Ballmer nhớ lại.

 

Theo tính toán của Ballmer, với tốc độ đó, trung bình cứ 7 năm thì thế giới lại chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ mới.

 

Cuộc cách mạng thứ 5

 

Đóng góp đắc lực cho cuộc cách mạng lần thứ năm sẽ là những nhân tố như sức mạnh xử lý và dung lượng lưu trữ ngày càng “khủng”, rồi thì truy cập Internet băng thông rộng không dây ngày càng phổ cập.

 

Bên cạnh đó, sự ra đời của các công nghệ màn hình và giao diện đa cảm ứng cũng sẽ mở đường cho một kỷ nguyên mới: Máy tính thuần nhiên.

 

“Hiện nay, máy tính cá nhân vẫn rất phi tự nhiên. Bạn phải học cách dùng chuột, bảng điều khiển và bàn phím. Nhưng tin mừng là nhân loại sắp có thể dỡ bỏ những hạn chế này. Microsoft đang đi tiên phong về công nghệ nhận dạng giọng nói, chữ viết.

 

Tương tác với máy tính rồi cũng sẽ giống như tương tác giữa người và người: Bạn vẫn có thể sử dụng bàn phím và chuột khi cần, nhưng cũng có thể dùng ngay ngón tay của mình để ra lệnh cho máy tính”.

 

Nếu như những lời hứa hẹn của Ballmer là đúng sự thật, thì trong một ngày không xa nữa, giấy bút sẽ trở thành cổ vật. “Nếu điều đó không xảy ra trong cuộc cách mạng lần này thì chậm nhất cũng là trong cuộc cách mạng lần thứ sáu”, Ballmer mỉm cười.

 

“Thay vì thiết bị đính kè kè với màn hình như hiện nay, chúng ta chỉ việc kết nối thiết bị di động với bất cứ màn hình nào ở gần, hoặc chiếu thông tin lên mọi bề mặt phù hợp”.

 

Cả thế giới đổi thay

 

Ballmer cũng vạch ra ba lĩnh vực mà cuộc cách mạng IT lần thứ 5 sẽ biểu thị tác động rõ nhất: Tương tác xã hội, các vấn đề xã hội toàn cầu và cá nhân hóa.

 

Cụ thể, “mỗi chúng ta sẽ đều có một danh tính số; phần mềm nhận biết được thói quen của chủ nhân và các thông tin cá nhân có thể truy cập được từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào”.

 

“Bạn sẽ có thể truy cập vào thời gian biểu, danh bạ điện thoại, thư viện ảnh số, bản đồ và email dù có đang rong ruổi ở đâu trên hành tinh này đi chăng nữa. Chỉ việc đăng nhập, nhấp chuột và thế là xong”.

 

“Trong tương lai, tất cả những gì bạn cần chỉ là một cái tên. Phần mềm sẽ tự động biết cách tiếp cận với bạn, thậm chí chúng còn biết cách nào là tốt nhất nữa kìa”.

 

Tuy nhiên, từ góc độ tương tác xã hội, không phải ai cũng đón nhận được niềm vui và tin tức tốt lành từ cuộc cách mạng IT lần thứ năm. Nhiều người thậm chí sẽ mất việc, khi mà máy tính trở nên quá thông minh và có thể đảm đương được nhiều công việc phức tạp.

 

“Hiện tại, muốn sắp xếp một chuyến đi sang Hanover, tôi không thể sai máy tính cá nhân của mình được. Tôi phải gọi cho trợ lý và cô ấy sẽ làm mọi thứ cần thiết.

 

Nhưng trong cuộc cách mạng thứ 5, phần mềm sẽ học được thói quen và nhu cầu của bạn”, Ballmer giải thích.

 

Giáo dục sẽ là môi trường được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc cách mạng mới nhất, bởi công nghệ sẽ mang thông tin và kiến thức đến với tất cả những trẻ em chưa có điều kiện đến trường.

 

Công nghệ cũng góp phần bảo vệ môi trường một cách tích cực, bởi con người sẽ kiểm soát nguồn năng lượng tiêu thụ hiệu quả hơn.

 

Và cuối cùng, với việc ngày “rút lui” của Chủ tịch Bill Gates sắp đến gần, Ballmer cũng bóng gió xa xôi về thời điểm ra đi của mình.

 

“Tôi còn khoảng 9 năm tuyệt vời nữa, đủ để chứng kiến 1,5 cuộc cách mạng cơ đấy”, ông kết luận.

 

Theo Trọng Cầm

VietNamNet/Reuters