Sao chổi chuẩn bị bay ngang sao Hỏa cực hiếm

(Dân trí) - Cuối tuần này, hiện tượng thiên nhiên vũ trụ ấn tượng và được mong đợi nhất là một sao chổi sẽ bay “xẹt” qua sao Hỏa, là “cơ hội ngàn vàng” để tìm hiểu chi tiết về sao chổi và ảnh hưởng của nó lên bầu khí quyển của sao Hỏa.

Normal

Theo đó, các nhà khoa học thuộc cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã sẵn sàng các thiết bị trên sao Hỏa bao gồm một đội tàu vũ trụ và robot để “nghênh đón” sao chổi có tên C/2013 A1(còn được gọi là Siding Spring) bay ngang Hành tinh đỏ với khoảng cách cực gần, khoảng 87.000 dặm (139.500 km). Đây là khoảng cách chỉ bằng 1/3 khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng.

“Ngày 19/10 này, chúng ta sẽ được quan sát một hiện tượng vũ trụ có thể chỉ xảy ra 1 triệu năm/lần. Chúng tôi đã sẵn sàn để quan sát hiện tượng ngoạn mục này”, Jim Green, Giám đốc bộ phận khoa học hành tinh của NASA, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 9/10 vừa qua.

Theo các nhà khoa học, Siding Spring được phát hiện lần đầu tiên vào 3/1/2013 bởi nhà thiên văn học Rob McNaught, ông sử dụng Đài thiên văn Siding Spring ở Úc. Sao chổi này đã xuất phát từ một nơi lạnh lẽo trong hệ Mặt trời có tên Oort Cloud và đã bay được quãng đường 50.000 đơn vị thiên văn (AU là khoảng cách trung bình giữa trái đất và Mặt trời, 1 AU = 93 triệu dặm hay 150 triệu km).

Bởi chưa được “xử lí nhiệt”, Siding Spring nhiều khả năng vẫn không thay đổi kết cấu từ khi hình thành cách đây 4,6 tỉ năm. Vì vậy, các nhà khoa học đang kì vọng sao chổi sẽ cung cấp nhiều thông tin về sự tồn tại của Hệ Mặt trời cũng như khí quyển trên sao Hỏa.

“Đó là một trong những lí do chúng ta nghiên cứu sao chổi – tàn dư của Hệ Mặt trời”, Padma Yanamandra-Fisher, một nhà khoa học nghiên cứu cao cấp tại chi nhánh Rancho Cucamonga của Viện khoa học không gian tại California cho biết.

Hiện tại, các nhà khoa học đã “phân bổ” những nhiệm vụ khác nhau để có thể thu thập được nhiều dữ liệu nhất. Hiện một số tàu vũ trụ như Hubble, Swift, Spitzer và NEOWISE của NASA đã sẵn sàng. Đến ngày 19/10, 3 tàu vũ trụ đang đặt trên sao Hỏa là Mars Odyssey, Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) và MAVEN lần lượt sẽ bay ngang qua sao chổi Siding Spring.

Mục đích của các nhà khoa học khi cho tàu bay ngang là để tìm hiểu thêm về kích thước, tốc độ quay, các thành phần cũng như sự hoạt động của sao chổi. Đồng thời, việc nghiên cứu sự tương tác giữa các hạt sao chổi và bầu khí quyển sao Hỏa cũng sẽ giúp hiểu rõ hơn về không khí trên hành tinh này.

Nếu tất cả diễn ra đúng kế hoạch, những hình ảnh đầu tiên về sao chổi sẽ được gửi về NASA sau đó.

Lâm Anh