Thí sinh đầu tiên của NTĐV 2006:

Rất tin tưởng khả năng đoạt giải của sản phẩm dự thi

(Dân trí) - Mặc dù chưa một lần tham dự cuộc thi nào về CNTT-TT, nhưng thí sinh Trần Anh Vũ - người đầu tiên tham gia gửi sản phẩm tới cuộc thi NTDV 2006 - tỏ ra rất tự tin vào sản phẩm của mình. Vũ cho rằng hiệu quả kinh tế mà sản phẩm của bạn mang lại sẽ rất to lớn.

Vũ biết tới cuộc thi NTĐV như thế nào?

Tôi biết NTĐV từ năm 2005 - cuộc thi CNTT-TT có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tôi từng là BTV của một tờ tạp chí CNTT nên những thông tin như thế này thường nắm bắt rất nhanh. Năm nay là năm đầu tiên tôi tham dự cuộc thi NTDV, cũng là lần đầu tham dự một cuộc thi CNTT-TT như thế này. (cười).

Tên: Trần Anh Vũ
Sinh: 29/05/1982
- Năm 1999 - 2002. làm cracker
- Năm 2002 - 2003, làm chuyên viên tư vấn tin học cho tổng đài 1088, nhóm Khai Trí
- Năm 2003 - 2005, làm phóng viên kỹ thuật, biên tập viên kỹ thuật cho Tuần tin e-CHÍP
- Năm 2005 - 03/2006, làm cán bộ cộng tác kỹ thuật, nghiên cứu khoa học cho bộ môn Hệ Thống Điện, trường Đại học Bách Khoa TPHCM
- Từ tháng 03/2006 đến giờ, làm trưởng nhóm nghiên cứu hệ thống thông minh và các ứng dụng trong công nghiệp của Viện Điện - Điện tử - Tin học TPHCM.

Biết từ năm ngoái, vậy lý do gì khiến năm nay bạn mới dự thi?

Thực ra NTDV 2005 tôi có đăng ký tham dự cuộc thi nhưng chưa gửi sản phẩm. Tuy nhiên sản phẩm chưa hoàn thành thì tôi phải thực hiện hiện đề tài “Giám sát và Điều khiển Hệ thống Điện từ xa” trong trường Bách khoa, nên việc thi NTDV đành phải gác lại.

Đề tài này chính là sản phẩm dự thi năm nay?

Đúng. S.C.A.D.A Controllers System là hệ thống phần mềm dùng điều khiển và giám sát thiết bị điện thông minh (IED) từ xa, trong đó S.C.A.D.A là chữ viết tắt của Supervisory Control And Data Acquisition.

Lĩnh vực ứng dụng chủ yếu của các hệ thống loại này là trong những nơi có nhu cầu về tự động hoá, giám sát và điều khiển tập trung tại Trung tâm như hệ thống điện, xí nghiệp, nhà máy công nghiệp. Do đó, S.C.A.D.A Controllers System cũng sẽ được ứng dụng vào các lĩnh vực như bất kỳ một hệ thống S.C.A.D.A nào khác.

Tuy nhiên, mục đích thật sự khi thiết kế hệ thống phần mềm S.C.A.D.A Controllers System là đáp ứng cho yêu cầu điều khiển và giám sát hệ thống điện từ xa.

Sản phẩm này sẽ hứa hẹn những tiện ích gì? Có thực sự “mang lại hiệu quả kinh tế to lớn” như bạn nói?

Trong giai đoạn đầu (đã hoàn thành trong tháng 01/2006) hệ thống sẽ mang các tính năng của một hệ thống Mini S.C.A.D.A, bao gồm: - Điều khiển đóng cắt và giám sát giá trị dòng, áp trên cả 3 pha của từng nút thiết bị đóng cắt (Recloser, LBS) trên lưới điện mà phần mềm quản lý;  Sử dụng được với nhiều loại thiết bị đóng cắt được cung cấp từ nhiều nhà sản xuất khác nhau mà không cần phải lệ thuộc vào duy nhất một loại sản phẩm như các hệ thống S.C.A.D.A đang được áp dụng tại các nước trong khu vực. - Điều khiển và giám sát thông qua mạng cáp quang của Điện Lực. -Có thể thay đổi, sửa chữa, nâng cấp tính năng  với chi phí thấp nhất, không cần phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài như trước đây.

Giai đoạn hai (từ tháng 01-05/2006, đang được phát triển), hệ thống sẽ có thêm một số tính năng sau:

- Có khả năng điều khiển thiết bị đóng cắt recloser R27LL, là thiết bị cũ không có chức năng S.C.A.D.A nhưng hiện đang có rất nhiều trên lưới điện. Nếu sử dụng hệ thống S.C.A.D.A của nước ngoài thì phải thay thế toàn bộ những thiết bị này bằng thiết bị mới.

- Điều khiển và giám sát từ xa thông qua Internet, mạng điện thoại di động GPRS.

Trước khi gửi sản phẩm tham dự cuộc thi NTĐV, vào tháng 02/2006, mình và nhóm thực hiện đề tài gồm TS. Nguyễn Hoàng Việt, ThS. Huỳnh Châu Duy đã thử nghiệm thực tế tại Điện lực Cần Giờ. Tập thể cán bộ của Điện lực Cần Giờ đánh giá rất cao hệ thống này.

Ý tưởng nào giúp bạn thực hiện sản phẩm này?

Trong dự án “Giám sát và Điều khiển Hệ Thống Điện từ xa”, tôi là người xây dựng giải pháp và thiết kế phần mềm nhằm thực hiện mục đích của đề tài. S.C.A.D.A là một môn học mà mình đã được học trong chương trình.

Trong khi thực hiện đề tài, mình thấy được rằng đa phần thiết bị đóng cắt trên lưới điện là recloser R27LL không có khả năng S.C.A.D.A, nguyên nhân do thiết bị này được Điện Lực Việt Nam đặt hàng Nu-Lec sản xuất riêng cho thị trường Việt Nam, yêu cầu giảm bớt tính năng giám sát và điều khiển từ xa để giảm chi phí.

Sau này, khi cần xây dựng hệ thống S.C.A.D.A thì Nu-Lec không chấp nhận cung cấp thêm tính năng cho R27LL vì đây là thiết bị cũ. Chính vì thế R27LL không thể sử dụng được cho hệ thống S.C.A.D.A. Bây giờ, nếu muốn thiết kế S.C.A.D.A cho Hệ Thống Điện thì phải thay thế R27LL bằng thiết bị mới và tất nhiên sẽ phải tốn rất nhiều chi phí để thay thế trên toàn lưới.

Vậy sản phẩm sẽ giải quyết tình trạng này ra sao?

Sản phẩm ra đời nhằm giải quyết vấn đề trước mắt là xây dựng hệ thống S.C.A.D.A chi phí thấp (rẻ hơn rất nhiều so với mua của nước ngoài), hỗ trợ nhiều loại thiết bị của nhiều hãng sản xuất khác nhau (không phụ thuộc vào nhà cung cấp hệ thống), có khả năng nâng cấp nhanh chóng (không cần chuyên gia nước ngoài).

Vấn đề thứ hai là tận dụng được thiết bị đóng cắt R27LL không thể ứng dụng S.C.A.D.A có rất nhiều trên lưới điện. Và vấn đề thứ ba là hệ thống có thể mở rộng để điều khiển thiết bị công nghiệp (ngoài mục đích thiết kế cho lưới điện của Điện Lực) do hệ thống được xây dựng theo chuẩn S.C.A.D.A phổ biến: Modbus RTU và Modbus ASCII.

Lần đầu tiên gửi sản phẩm dự thi? Vũ đánh giá thế nào về cuộc thi này?

Toàn bộ ý nghĩa của cuộc thi đã được hiểu rất đầy đủ ở tên cuộc thi, cũng không cần phải nói thêm nhiều. Tôi rất hi vọng đây là một cuộc thi công bằng, nghiêm túc, tôn vinh được những người thực sự là nhân tài, thực sự đáng được xã hội tôn vinh.

Xin cảm ơn Vũ!

Bảo Trung thực hiện